Brexit, nước Anh đi hay ở?

Khánh Duy 19/06/2016 09:05

Việc nước Anh phải tổ chức trưng cầu dân ý trong ngày 23/6 tới để quyết định xem ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), phần nào cho thấy  họ đã mất kiểm soát các đường biên giới của mình khi để nhiều người di cư vào nước, khiến cho người dân trong nước bức xúc.

Brexit, nước Anh đi hay ở?

Người dân Anh sẽ quyết định số phận của nước này
trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới. (Nguồn: WSJ).

Vấn đề di cư từ lâu đã trở thành vấn đề gây chia rẽ nhất trong cuộc tranh luận về Brexit - ám chỉ khả năng Anh rời khỏi EU trong thời điểm mà chỉ chưa đầy một tuần là tới cuộc trưng cầu dân ý để đưa ra quyết định cuối cùng. Thế nhưng không ai biết được liệu vấn đề di cư sẽ ra sao nếu như Anh rời khỏi EU.

Những người ủng hộ Brexit nói rằng Anh đáng lẽ ra phải kiểm soát tốt hơn vấn đề di cư, cụ thể là những người nhập cư vào nước này. Một trong những cột trụ của EU chính là cho phép lao động các nước trong khối tự do di chuyển, có nghĩa rằng bất cứ một công dân nào đến từ 27 quốc gia trong khối này đều có thể đến Anh để tìm việc làm.

Rất nhiều người ủng hộ Brexit nói rằng đó chính là lý do mà mức độ di cư chuẩn- số người nhập cư trừ đi số người đi khỏi Anh cao như hiện nay. Con số này đã lên tới gần mức kỷ lục 330.000 người trong năm 2015 và nó trở thành động lực cho chiến dịch vận động Anh rời khỏi EU. Ngược lại, những người phản đối Brexit thì cho rằng phe còn lại chỉ đơn giản là đang cố gắng reo rắc sự hoang mang trong cộng đồng.

Số lượng người di cư từ các nước không thuộc EU đến Anh thậm chí còn cao hơn số người di cư đến từ khối này, nhưng Văn phòng Thống kê Anh trấn an rằng, chiều hướng tăng này là do có rất ít người Anh rời khỏi nước này chứ không hẳn là số người nhập cư tăng đột biến.

Hệ thống di cư mới sẽ ra sao?

Hiện nay, một số nhà vận động chiến dịch ủng hộ Brexit đang đề xuất thiết lập “hệ thống di cư kiểu Australia” trong trường hợp đất nước lựa chọn rời khỏi EU. Họ nói rằng, nếu áp dụng hệ thống trên, quyền của công dân EU được đến và làm việc ở Anh và việc EU kiểm soát mọi mặt các lĩnh vực an sinh xã hội của Anh sẽ chấm dứt.

Hệ thống di cư kiểu Australia dựa trên điểm số, tức phân loại một số kỹ năng, trong đó một nước sẽ ưu tiên người lao động có kỹ năng mà nước này đang cần. Một người di cư sẽ càng kiếm được nhiều điểm hơn nếu họ có nhiều kỹ năng mà nước sở tại đang cần có. Và một khi đủ điểm, người này sẽ được cho vào diện xét cấp visa.

Điều này cho phép các nước nhận người di cư theo đúng nhu cầu của họ. Ví dụ, Australia hiện đang tuyển mộ rất nhiều các đầu bếp có kỹ năng, thợ cơ khí, kiến trúc sư và y tá bởi trong nước không có đủ lao động trong các ngành nghề này.

Thực ra nước Anh vẫn đang sử dụng hệ thống tính điểm và xét tiêu chí để cấp thị thực cho những người di cư đến từ ngoài khối EU. Nhưng trớ trêu thay, hệ thống tính điểm kiểu này- cũng được Canada và New Zealand áp dụng, vốn được thiết kế để làm tăng số lượng người di cư của những nước đang muốn mở rộng nền kinh tế của họ, chứ không phải để giảm số lượng người nhập cư.

Nguy cơ trực diện

Trong khi đó, giới phê bình Brexit cảnh báo rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ không tự động làm giảm số người nhập cư vào Anh. Điều này còn phụ thuộc vào việc liệu Anh có muốn duy trì thỏa thuận thương mại tự do với EU hay không. Nếu có, một lựa chọn cho nước Anh là duy trì Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), trong đó vẫn cho phép nước này truy cập vào thị trường đơn của EU.

Nhưng vấn đề ở chỗ, duy trì vị trí trong EEA cũng đồng nghĩa với việc lao động từ các nước khác trong khối vẫn được tự do nhập cư vào Anh, bởi vậy vấn đề di cư vẫn không được giải quyết.

Trong trường hợp Anh rút khỏi EEA, một số nhà kinh tế học cho rằng các thỏa thuận thương mại giữa nước này với các thành viên EU sẽ phải đàm phán lại, khiến nhiều quốc gia tức giận và sẽ có biện pháp đáp trả Anh. Đây chính là vấn đề có thể gây ra hậu quả khủng khiếp nhất với nước Anh nếu họ rời khỏi EU.

Một số nhà kinh tế ủng hộ Brexit thì lại cho rằng các thỏa thuận thương mại trên là không cần thiết, bởi đối tác thương mại lớn nhất của Anh là Mỹ, trong khi hai nước không hề có thỏa thuận chung nào mà chỉ đơn giản là làm ăn với nhau dưới luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong thế giằng co

Đã từ lâu, chính phủ Anh phải chịu sức ép cực lớn về việc phải giảm dòng người di chuyển tới nước này, và cách đây một năm đã đặt ra mục tiêu hạn chế số người nhập cư dưới 100.000, nhưng sau đó đã hoàn toàn thất bại khi con số này lên tới hơn 300.000.

Những người ủng hộ Brexit nói rằng, số người nhập cư quá lớn đã gây sức ép lớn lên các ngành dịch vụ công, như Y tế hay an sinh xã hội. Nhiều công nhân lao động phổ thông ở Anh còn tỏ ra hết sức lo lắng về khả năng bị mất việc vào tay những người nhập cư đến từ các nước EU.

Về phía bên kia chiến tuyến, những người ủng hộ Anh ở lại EU nói rằng các mối quan ngại về dòng người nhập cư đã bị thổi phồng. Họ cho rằng không cần phải kiềm chế dòng người nhập cư, bởi thị trường sẽ tự thích nghi và kiểm soát được thị trường lao động, dù nó có lớn thế nào đi nữa.

Trong thời điểm chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mang tính chất lịch sử ở nước Anh, còn rất nhiều người cho hay họ vẫn chưa quyết định ủng hộ nước Anh ra đi hay ở lại EU. Nhiều người còn phàn nàn rằng họ bị lẫn lộn bởi các dữ liệu mà 2 chiến dịch đưa ra- chiến dịch ủng hộ và phản đối Brexit vốn để tăng thêm sự ủng hộ của các cử tri Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit, nước Anh đi hay ở?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO