Bù đắp lao động hậu Covid-19

Tinh Anh 28/09/2021 06:53

Hiện nhiều tỉnh, thành phố cả nước đã cơ bản khống chế, kiểm soát được dịch Covid-19 nên đang tính đến phương án phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Ngặt nỗi, làn sóng người “chạy dịch” từ các thành phố lớn về quê khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng. Làm thế nào bù đắp lao động thiếu hụt?.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có khoảng hơn 12 triệu lao động mất việc làm hoặc tạm dừng công việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương, nhiều lao động ở các khu công nghiệp lớn (chủ yếu tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam) do không trụ nổi đã phải “hồi hương” để sinh tồn.

Chính vì thế khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các địa phương mở cửa phát triển kinh tế thì các doanh nghiệp (DN) lại gặp khủng hoảng về nhân lực. Với một con số khổng lồ về lao động thiếu hụt như vậy, không dễ để các DN trong một sớm một chiều có thể lấp đầy, đảm bảo sản xuất kinh doanh. Để giải bài toán này thực sự quá sức với DN.

Các chuyên gia về lao động việc làm nhận định, khi các DN được phép hoạt động trở lại, chỉ có khoảng trên 60% số lao động quay lại làm việc. Số thiếu hụt còn lại buộc các DN phải tuyển thêm từ thị trường lao động, để đảm bảo hoạt động bình thường như trước khi có dịch. Song, trong bối cảnh hiện nay, tuyển nhân công có nghề không dễ.

Đó còn chưa kể, việc có thêm các DN bị dừng sản xuất nay hoạt động trở lại và nhiều DN thành lập mới cũng rất cần nhân lực thạo nghề để có thể bắt tay vào làm việc ngay, chứ không phải mất thời gian đào tạo lại. Với trên 11 vạn DN thành lập mới và quay lại hoạt động (tính tới thời điểm này), cần khoảng 60 vạn lao động.

Trong khi các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp thiếu hụt lao động, thì tại một số địa phương khác lại dư thừa lao động bởi làn sóng di cư về quê trong thời gian vừa qua. Để giúp các DN có thể tìm đủ nhân lực làm việc, giảm tải lao động thất nghiệp tại những địa phương ít khu, cụm công nghiệp, cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành.

Đó là lý do mà Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH) đã có công văn gửi các địa phương đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyển lao động, nhằm kết nối một cách hiệu quả giữa nơi thiếu nhân công và nơi thừa nhân lực. Khi mà dịch vụ giới thiệu việc làm “liên thông” tới được các địa phương, bài toán “thừa - thiếu lao động” sẽ được giải quyết.

Song, ngay cả như vậy cũng không thể đảm bảo các DN có đủ lực lượng lao động bền vững, lâu dài. Muốn giữ chân người lao động, ngoài cố gắng nỗ lực của DN còn cần đến sự hỗ trợ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, việc khẩn trương “phổ cập” tiêm vaccine phòng dịch cũng là điều kiện cần và đủ để đảm bảo phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hiện, Bộ LĐ-TBXH đang tích cực hỗ trợ các địa phương, DN bằng hàng loạt các chính sách đồng bộ, thiết thực, đảm bảo bù đắp lao động thiếu hụt cả trước mắt và lâu dài. Ngành LĐ-TBXH kỳ vọng, mức độ tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động sẽ giảm dần, cố gắng đạt mục tiêu giải quyết hơn 1 triệu việc làm trong năm 2021.

Với sự năng động, sáng tạo tự thân của các DN, địa phương, sự hỗ trợ đắc lực từ Trung ương, thêm vào đó là giải pháp kết nối liên thông thị trường lao động của cả nước trên nền tảng số, hy vọng trong thời gian ngắn tới đây các DN sẽ tuyển đủ lao động để có thể trở lại sản xuất kinh doanh bình thường. Đây chính là lời giải cho bài toán khó: Làm sao để bù đắp lao động thiếu hụt cho các DN hậu Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bù đắp lao động hậu Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO