Bức tranh đầu tư 2022: Kỳ vọng sự khởi sắc

H.Hương – Thanh Giang 21/12/2021 07:08

Mặc dù còn nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo tiếp tục phát huy nhiều điểm sáng. Điều đáng mừng, doanh nghiệp FDI luôn kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sớm khởi sắc cùng với sự thông thoáng về môi trường đầu tư. Từ đó, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Nắm bắt các xu hướng

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cùng nhiều biện pháp chống dịch kéo dài và trên diện rộng đã khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam trải qua một giai đoạn nhiều biến động. Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 11/2021, hoạt động đầu tư FDI, nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có những dấu hiệu không bình thường. Bức tranh FDI đan xen những mảng mầu sáng tối.

Cụ thể, mặc dù tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, trong đó phần vốn đăng ký tăng thêm 26,7% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước tính chỉ đạt 15.5 tỷ USD, giảm 4.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh, mặc dù có tăng, song mức tăng lại giảm so với trước đây. Tổng số dự án đầu tư mới cũng giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Song, tín hiệu đáng mừng là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam, đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng kiểm soát và làm chủ tình hình của Chính phủ Việt Nam.

Ông Tharabodee Serng Adichaiwit, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) chia sẻ: Các nhà đầu tư Thái Lan sẽ rót thêm vài tỉ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch ThaiCham nhấn mạnh: Chúng tôi tin nền tảng tốt trong quá trình chống dịch của Việt Nam sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tăng trưởng tốt trong tương lai. Riêng với Thái Lan, kỳ vọng sẽ có khoảng 4.000-5.000 nhà đầu tư và hàng trăm ngàn du khách Thái Lan sẽ đến Việt Nam trong năm 2022.

Còn ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ: Chiến tranh thương mại, dịch Covid-19 được xem là chất xúc tác để Việt Nam hấp dẫn dòng vốn của nhà đầu tư châu Âu. Đợt dịch vừa qua, các DN châu Âu cũng xác định không rời nhà máy khỏi Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại thì khó khăn sẽ qua đi.

Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, nhà đầu tư châu Âu đang muốn đầu tư mạnh vào những lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ cao ở Việt Nam, đặc biệt xem xét dịch chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) vào Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này, có ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì nhấn mạnh, triển vọng phục hồi kinh tế sau Covid-19 liên quan mật thiết tới đà phục hồi của cả mạng lưới sản xuất khu vực châu Á. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ Hiệp định thế hệ mới RCEP trong tiến trình cũng như chiến dịch đầu tư dài hạn.

Kỳ vọng bức tranh đầu tư 2022 sáng sủa hơn

Chỉ ra nguyên nhân thị trường Việt Nam vẫn “hút” vốn ngoại, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hướng dẫn DN thích ứng với tình hình đã đươc đưa ra. Đây là tín hiệu tốt, tạo cơ sở cho sự phục hồi dần của các DN, kéo theo vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm 2022.

Trên thực tế, những DN có vốn đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam cũng nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi khả quan trong năm 2022, đồng thời có kế hoạch mở rộng kinh doanh, mở rộng thị trường cũng như tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, để môi trường đầu tư tại Việt Nam tiếp tục duy trì sự an toàn và chất lượng cho nhà đầu tư, bên cạnh các yếu tố thị trường, thương mại, đối tác, việc cải thiện khung pháp lý có thể xem là một trong những yếu tố then chốt. Nhà đầu tư nước ngoài cần được cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết, rõ ràng về hành lang pháp lý, giúp họ dễ dàng đưa ra phương án xử lý tranh chấp nếu có. Khi đáp ứng được những vấn đề này, bức tranh đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ sáng sủa hơn.

Giới chuyên gia nhìn nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp và trực tuyến với nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đến nay, cơ bản các khó khăn đã được giải quyết như chống ách tắc hàng hóa, hỗ trợ chuyên gia nhập cảnh... Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, theo hướng thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Chính phủ Việt Nam cũng đang có cơ chế ưu đãi vượt trội trong ngành, lĩnh vực công nghệ cao.

Thêm vào đó, dù có những lo ngại nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam và đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và làm chủ tình hình của Chính phủ Việt Nam. Vì thế, rất nhiều hiệp hội, DN, nhà đầu tư nước ngoài đã khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam cùng vượt qua đại dịch.

Bà Catherine Tran, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leonglee: Doanh nghiệp cần lập kế hoạch kinh doanh dài hạn

DN hiện đang gặp phải muôn vàn khó khăn như: phí logistics tăng mạnh, thủ tục hải quan mất nhiều thời gian để hoàn thành, hạn chế đi lại ở một số tỉnh thành… Từ những bất lợi này, các DN có quy mô nhỏ và vừa đã đưa ra kế hoạch hành động thích hợp. Đó là nhanh chóng trở lại với giai đoạn bình thường mới bằng cách duy trì kế hoạch phòng ngừa và dự phòng cho Covid-19. Tối ưu hóa khả năng làm việc và quy trình hoạt động của công ty, đảm bảo 100% nhân viên trở lại làm việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ ban hành về phòng dịch. Đồng thời, DN cần khám phá các cơ hội kinh doanh tiềm năng và lập kế hoạch kinh doanh dài hạn để luôn trong trạng thái sẵn sàng thay đổi, ứng phó nhanh nhạy với các diễn biến đại dịch.

Ông Frank Van Oojien - CEO Công ty TNHH Cleandye: Tín hiệu tăng trưởng tốt

Ở giai đoạn giãn cách xã hội, DN đã chịu những thiệt hại nặng nề do tác động của dịch bệnh, trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn thu của doanh nghiệp. Thời điểm đó, việc áp dụng chính sách “3 tại chỗ” do Chính phủ ban hành tiêu tốn một khoản chi phí lớn để đảm bảo việc thực thi đáp ứng đủ các yêu cầu nghiêm ngặt. Thế nhưng, sự hỗ trợ của công tác y tế địa phương và chính sách tiêm chủng kịp thời của Nhà nước đã giúp DN dần phục hồi và có những tín hiệu tăng trưởng đáng mừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh đầu tư 2022: Kỳ vọng sự khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO