Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng

Minh Phương 30/06/2021 06:40

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ở mức 5,64%. Điều này cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% của cả năm 2021 mà Chính phủ đề ra là khả thi.

Trong khi đó, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Tổng cục Thống kê, mức lạm phát cơ bản tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Tình hình kinh tế-xã hội trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021.

Dù dịch Covid-19 hoành hành, tăng trưởng 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức 5,64%, cao hơn 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Điều này tạo kỳ vọng tăng trưởng GDP ở mức 6,5% của cả năm 2021 mà Chính phủ đề ra là khả thi. Đó là nhận định được đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021, do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 29/6 tại Hà Nội.

CPI tăng thấp nhất trong vòng 6 năm

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng GDP (tổng sản phẩm trong nước) quý II năm nay ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2018 và 2019. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%, khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số DN trong khu công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước. Nhưng tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, giá tiêu dùng trong tháng 6/2021 của một số nhóm hàng giảm, tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng hơn cả, ở mức 0,63% so với tháng trước đó, nguyên nhân là do giá điện sinh hoạt tăng 1%, giá nước tăng 0,26% do thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao.

Cụ thể, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá nguyên liệu đầu vào tăng theo giá thế giới, giá điện nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 0,87%.

Lạm phát sẽ được kiểm soát dưới 4%

Đánh giá chung, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,14% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,87% so với cùng kỳ 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,47%) điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đặt ra là khá khó khăn, khi mà đến quý II đã tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, CPI cũng đang bị “đe dọa” tăng khi giá nguyên liệu đầu vào và sản xuất trong nước đang tăng, và trong 6 tháng đầu đã tăng ở mức 4,49%.

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 1,47% đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Lý giải về điều này, bà Oanh cho biết, ngoài nguyên nhân giá các mặt hàng thực phẩm giảm, chủ yếu nguồn cung thực phẩm khá dồi dào. Đơn cử, tổng số lợn đến cuối tháng 6/2021, tăng 11%, đàn gia cầm tăng, nguyên nhân nữa là sức mua thấp hơn.

“Mặc dù tính chung 6 tháng, giá nguyên liệu đầu vào tăng ở mức 4,49% tuy nhiên đây là mức tăng thấp so với trước khi có dịch” - bà Oanh nói và cho biết, một nguyên nhân nữa kiềm chế lạm phát là Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho dân và DN, trong đó, có sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc giảm giá điện 3 lần cho khu vực sản xuất, làm chỉ số CPI chung giảm 0.01%.

Với những diễn biến này, bà Oanh cho rằng, mức tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm thấp nhất trong vòng 6 năm qua tạo dư địa để chúng ta kiểm soát lạm phát như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, bà Oanh cũng cho rằng, không nên chủ quan, mặc dù CPI thấp nhưng lại đang có xu hướng tăng dần khi đến quý II của năm nay đã tăng 2,67% so với cùng kỳ. Dù vậy, với việc Chính phủ duy trì điều hành như hiện nay, lạm phát sẽ được kiểm soát như mục tiêu đề ra.

Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy đây là mức thấp hơn kịch bản đề ra, song diễn biến tình hình chung của nền kinh tế thế giới cho thấy đang có sự phục hồi nhanh. Đáng chú ý, các thị trường nhập khẩu chính của ta như Châu Âu, Hoa Kỳ đang dần phục hồi sau khủng hoảng bởi đại dịch, điều này thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.

“Trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục chủ động phòng chống và tiêm vaccine Covid-19 là yếu tố quyết định để đạt được “mục tiêu kép”, trong đó duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP” - ông Hiếu nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, với tình hình diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp như hiện nay, sẽ rất khó khăn, do đó, Chính phủ cần có các giải pháp đối với từng ngành, từng lĩnh vực để đạt được mức tăng trưởng cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO