Bức tranh ‘lạ’ về Covid-19

Thanh Đức 13/12/2021 06:05

Singapore đã tuyên bố ngừng cập nhật thông tin hàng ngày về Covid-19.

Một số chuyên gia ủng hộ thay đổi này, cho rằng các cập nhật hàng ngày đã không còn nhiều ý nghĩa ở giai đoạn hiện tại của đại dịch khi Singapore chuyển sang coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Theo ông Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock, số ca nhiễm trong cộng đồng hiện tại dao động tùy thuộc vào việc các cá nhân có muốn tìm kiếm chăm sóc y tế hay không.

Còn theo Giáo sư Hsu Li Yang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường y tế công cộng Saw Swee Hock cho rằng, báo cáo tháng cũng không cần thiết mà chỉ cần cập nhật các thông tin quan trọng như biến chủng Omicron, mức độ lây lan của nó giữa những người đã tiêm chủng hoặc từng nhiễm bệnh.

Cuối tuần qua, truyền thông quốc tế đưa tin “Nhật Bản đang bối rối vì số ca Covid-19 chạm đáy”, điều đó trái ngược với không ít quốc gia, trong đó có các nước Âu-Mỹ. Theo Reuters, các ca mắc mới mỗi ngày tại Nhật Bản đã giảm xuống thấp hơn 1 ca/1 triệu người.

Giải thích về điều này, giới chuyên gia y tế cho rằng có sự khác biệt, đó là loại virus Covid-19 ở Nhật Bản đã tiến hóa theo cách làm giảm khả năng tái tạo của nó. Theo ông Ituro Inoue - giáo sư tại Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản, một biến thể phụ của Delta (được gọi là AY.29), có thể mang lại một số khả năng miễn dịch cho cộng đồng.

Sự trái ngược giữa Nhật Bản và Hàn Quốc

Còn giáo sư Paul Griffin (Trường Đại học Queensland, Úc), thì cho rằng cùng với việc bao phủ vaccine thì người dân Nhật rất ý thức tự bảo vệ, chỉ bằng các biện pháp đơn giản như rửa tay, giãn cách xã hội và sử dụng khẩu trang.

“Đeo khẩu trang và giữ vệ sinh cá nhân vẫn quan trọng. Vaccine là khía cạnh quan trọng của việc phòng ngừa nhưng không phải là viên đạn bạc, người Nhật quan niệm như vậy” – Giáo sư Paul Griffin nhận xét.

Tuy nhiên, Tokyo không vì thế mà chủ quan, vì biến chủng mới Omicron đã xuất hiện tại nước này. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã ra lệnh đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron và tuyên bố việc quan trọng vẫn là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Nếu như tại Nhật Bản số ca Covid-19 đang dần về 0, thì quốc gia láng giềng là Hàn Quốc lại đang vật vã với các ca lây nhiễm mới. Do số ca lây nhiễm tăng mạnh, chính quyền đã phải dồn lực cải thiện hệ thống y tế, tập trung vào bệnh nhân điều trị tại nhà, những người có nguy cơ chuyển biến nặng sẽ được kê đơn thuốc điều trị dạng uống.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho thấy, hiện có tổng cộng hơn 17 nghìn bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà, trong khi vẫn còn 860 người tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận phải chờ hơn một ngày để có giường điều trị.

Số liệu cũng cho thấy đã có 988/1.255 giường điều trị tích cực trên cả nước đang được sử dụng, tương đương 78,7%. Công suất sử dụng giường tại bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm trên toàn quốc là 70,9%, còn trống 3.470/11.947 giường. Tỷ lệ vận hành giường bệnh tại trung tâm điều trị dành cho bệnh nhân nhẹ là 66,8%.

Hiện tất cả các bệnh viện ở Hàn Quốc đều thực hiện nhiệm vụ chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 và mỗi bệnh viện cũng có trung tâm quản lý chữa bệnh tại nhà. Các trung tâm này luôn có nhân viên, chuyên gia y tế thường trực 24/7, thực hiện tư vấn bằng điện thoại, bằng video trực tuyến và luôn sẵn sàng điều động nhân lực tham gia cấp cứu bệnh nhân mọi lúc.

Quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Hyang nhấn mạnh rằng, thành công của kế hoạch “sống chung với Covid-19” mà Hàn Quốc đang triển khai phụ thuộc vào chương trình điều trị tại nhà. “Để có thể trở lại bình thường, yếu tố quan trọng nhất là cho phép nhiều bệnh nhân được tự chăm sóc và điều trị tại nhà” - ông Park nói.

Số ca nhiễm vẫn gia tăng tại Mỹ và Đức

Không chỉ trái ngược với “người láng giềng” Hàn Quốc, diễn biến Covid-19 tại Nhật Bản cũng khác xa so với nhiều quốc gia giàu có.

Tại Mỹ, hiện số ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng trở lại với trung bình 100.000 ca một ngày bất chấp tỉ lệ tiêm chủng cao. Theo The Guardian, đại dịch Covid-19 ở Mỹ vẫn tồi tệ hơn khi nhiệt độ giảm do mùa đông, buộc nhiều người phải ở trong nhà, khiến virus dễ lây lan hơn và có thể tạo ra một làn sóng dịch mới. Bang Michigan và Minnesota dẫn đầu số ca mắc của đất nước, với số ca nhiễm tăng đáng kể trong thời gian gần đây.

Theo dữ liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins được công bố trên Wall Street Journal, số ca tử vong do Covid-19 của Mỹ được ghi nhận trong năm 2021 đã vượt qua năm 2020 (770.780 ca so với 385.343 ca). Tuy nhiên, gần đây số người nhập viện do bệnh trở nặng cùng số ca tử vong đã giảm mạnh.

Tại châu Âu, nước Đức cũng bất đắc dĩ phải “dẫn đầu” về số ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Hồi đầu tháng 12, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng “tình hình hết sức nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát”.

Ông Spahn nhấn mạnh “chỉ có một điều có thể tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định trong ngắn hạn, đó là giảm đáng kể tiếp xúc, gặp gỡ nhau. Ngay cả những người đã tiêm vaccine, đã khỏi Covid-19 hoặc đã được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng nên hạn chế tham gia một số hoạt động xã hội”.

Theo Viện Robert Koch, chỉ số lây nhiễm trung bình trên 100.000 dân trong vòng 1 tuần ở Đức là 438,2 và cũng là mức cao kỷ lục tính từ đầu năm 2020. Trong đó, các bang Baden-Württemberg, Nordrhein-Westfalen và Niedersachsen có số lây nhiễm mới cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tranh ‘lạ’ về Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO