‘Bức tranh màu xám’ từ thiên nhiên

Hà Anh 21/07/2021 06:35

Khi nhiệt độ tăng, các đám cháy rừng, mưa bão và ngập lụt với tần suất tăng dần đã tàn phá nhiều khu vực trên thế giới. Đợt nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và Canada hồi đầu tháng, hay trận lụt lịch sử đang “nhấn chìm” Tây Âu chỉ là những ví dụ gần nhất về hậu quả của biến đổi khí hậu.

Mưa lũ đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà tại Erftstadt, Đức. Ảnh: EPA.

Nhiệt độ tăng cao

Ngày 20/7, Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ (Eawag) công bố biến đổi khí hậu đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan dãy núi Alps của Thụy Sĩ với tốc độ nhanh hơn dự báo, khi các sông băng tan chảy đã tạo ra hơn 1.000 hồ nước mới trên núi.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Daniel Odermatt, sau một thời gian ngắn, tốc độ hình thành hồ đã tăng lên trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2016, với trung bình 18 hồ mới xuất hiện mỗi năm, trong khi bề mặt nước “phình” ra hơn 400 m2/năm.

Eawag cho biết, đây là “bằng chứng hữu hình cho thấy sự thay đổi khí hậu ở dãy Alps”, đồng thời cảnh báo sự gia tăng số hồ nước từ băng tan này làm tăng nguy cơ lũ lụt ở những khu dân cư phía dưới. Nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiệt độ tăng thêm 2 độ C có thể khiến băng tan ở Greenland và Tây Nam Cực, khiến nước biển dâng lên 13 m.

Một nghiên cứu hàng năm về tình trạng các sông băng do Viện Khoa học Thụy Sĩ công bố cũng cảnh báo, ngay cả khi thế giới thực hiện đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 - vốn kêu gọi khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ít nhất 2 độ C, khoảng 70% sông băng ở dãy Alps có thể sẽ biến mất.

Hồi đầu tháng, Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (WMO) thông báo mức nhiệt cao kỷ lục mới tại châu Nam Cực, tới 18,3 độ C trong năm 2020. Mức nhiệt độ này được ghi nhận tại trạm nghiên cứu Esperanza của trên Bán đảo Nam Cực ngày 6/2/2020.

Hiện Bán đảo Nam Cực là nơi đang nóng lên nhanh nhất thế giới, với nhiệt độ trung bình tăng gần 3 độ C trong vòng 50 năm qua. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất cũng đã tăng 1 độ C từ thế kỷ XIX, đủ để tăng tần suất các đợt khô hạn, gió nóng và bão nhiệt đới.

Nắng nóng và lũ lụt bất thường

Hiện tượng tăng nhiệt đã khiến khu vực Canada và miền Tây nước Mỹ chứng kiến những ngày nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ lên tới 47,9 độ C tại Canada và 42 độ C tại Mỹ, khiến nhiều người tử vong và hàng loạt hoạt động bị tạm dừng, hồi đầu tháng.

Theo các nhà khoa học, đợt nắng nóng này là do áp suất cao khổng lồ (hay còn gọi là vòm nhiệt) hoạt động trên khu vực Tây Bắc nước Mỹ và , tương tự như nguyên nhân khiến và các bang Tây nước Mỹ hứng chịu nắng nóng gay gắt hồi tháng 6.

Nhà nghiên cứu Greg Flato tại ECCC cho biết, thời tiết nắng nóng suốt cả ngày, thậm chí vào ban đêm, cộng thêm nhiệt độ cao trong nhiều ngày liên tục là hiện tượng bất thường đối với quốc gia thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, do nơi đây thường hứng chịu các trận mưa dài ngày nhiều hơn so với số ngày nắng nóng.

Cuối tuần trước, trận lũ lụt kinh hoàng tại khu vực Tây Âu, chủ yếu tại Đức và Bỉ đã khiến cho gần 200 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và còn nhiều người bị mất tích. Dù nước đã rút, nhưng hiện nay Đức và Bỉ vẫn đang phải tập trung tìm kiếm những người mất tích và giải quyết hậu quả sau lũ lụt.

Đây là trận lũ lụt lịch ở khu vực trong vòng 100 năm qua và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngày 20/7, một ngày trước khi diễn ra lễ kỷ niệm quốc khánh, Bỉ đã tổ chức quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân.

Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Chính phủ Đức, chi phí tái thiết khu vực bị ảnh hưởng trong trận mưa lũ vừa qua ở các vùng Tây Đức sẽ lên tới nhiều tỷ Euro, trong đó riêng chi phí xây dựng lại hệ thống đường sắt và đường bộ đã tiêu tốn khoảng 2 tỷ Euro.

Lý giải vì sao khu vực này lại chịu đợt lũ lụt kinh hoàng như vậy, trong khi đây vẫn được coi là vùng đất bình yên? Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ tăng 1 độ C đồng thời tăng lượng ẩm không khí lưu giữ thêm 7%. Do vậy, nhiệt độ toàn cầu tăng cũng khiến nước bốc hơi nhanh hơn trên đất và biển nguy cơ kèm theo bão cường độ mạnh hơn.

Các số liệu này một lần nữa cho thấy, các nước cần có nhiều biện pháp khẩn cấp để làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu. Trước tiên là cần tiếp tục tăng cường giám sát, dự báo và các hệ thống cảnh báo sớm để ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên hơn do trái đất ấm lên.

Những con số đáng báo động

Dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Biến đổi khí hậu (IPCC) tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu tới đời sống nhân loại đã cho thấy những con số đáng báo động. Xét về lương thực và nguồn nước, báo cáo chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu làm sụt giảm năng suất các vụ mùa lớn toàn cầu, và tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong suốt thế kỷ XXI, gia tăng sức ép lên các quốc gia đông dân.

Trong giai đoạn 2015-2019, ước tính 166 triệu người, chủ yếu tại châu Phi và Trung Mỹ, cần được viện trợ nhân đạo do tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp liên quan tới tác động của biến đổi khí hậu. Do các hiện tượng thời tiết cực đoan, sức lao động của con người sẽ giảm, theo đó số ngày làm việc trong năm của phần lớn người dân tại Nam Á, khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara và nhiều vùng ở khu vực Trung và Nam Mỹ sẽ giảm 250 ngày vào năm 2100. Bên cạnh đó, sẽ có thêm 1,7 tỷ người phải tiếp xúc với nắng nóng, thêm 420 triệu người khó tránh khỏi các đợt nóng gay gắt nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 2 độ C.

Giới chuyên gia dự báo, nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C, số lượng người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Colombia, Brazil và Argentina sẽ tăng cao gấp 2-3 lần, tại Ecuador và Uruguay tăng gấp 4 lần và tại Peru sẽ tăng gấp 5 lần. Trong khi đó, tại châu Á, dự báo số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì các tác động của biến đổi khí hậu sẽ tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2020-2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Bức tranh màu xám’ từ thiên nhiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO