Lòng hồ Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình bị xâm phạm nghiêm trọng bởi nhiều doanh nghiệp khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà xưởng. Họ tự ý đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ, làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng đến dung tích của hồ Thác Bà và vi phạm nghiêm trọng an toàn hồ chứa.
Ngang nhiên lấp hồ xây nhà máy
Theo các quy định pháp luật liên quan, các hoạt động đắp đập ngăn, đổ đất xuống lòng hồ Thác Bà đều vi phạm các quy định của nhà nước hiện hành.
Việc quản lý, bảo vệ hồ Thác Bà đã được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, lòng hồ Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình bị xâm phạm nghiêm trọng bởi một số doanh nghiệp (DN) khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà xưởng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, điển hình nhất là hành vi đổ đất, san gạt lấn chiếm lòng hồ Thác Bà trong thời gian dài của Cty TNHH MTV Đá trắng Bảo Lai (Bảo Lai).
Tháng 7/2015, UBND tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Bảo Lai (địa chỉ ở xã Liễu Đô, huyện Lục Yên) thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chế biến đá vôi trắng trên địa bàn thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
Tổng diện tích thuê đất là 23,8 ha. Đến tháng 8/2019, công ty ký hợp đồng thuê thêm 2,9 ha, nâng tổng diện tích thuê đất lên 24,27 ha.
Trong quá trình san lấp mặt bằng, DN này bị phát hiện liên tục san lấp, đổ đất lấn chiếm lớn đến diện tích lòng hồ.
Trước sự việc này, Công ty CP Thủy điện Thác Bà với vai trò là đơn vị quản lý vận hành hồ chứa Thác Bà rất nhiều lần kiến nghị tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu DN trên chấm dứt việc san lấp, đổ đất xuống lòng hồ.
Cụ thể, ngày 5/11/2015, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty Bảo Lai. Lý do xử phạt bởi DN này đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng tại thôn Ao Khoai sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính 20 triệu đồng, Công ty Bảo Lai còn bị đình chỉ việc thi công san tạo mặt bằng, khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu đối với diện tích đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng tại thôn Ao Khoai.
Các đơn vị chức năng tỉnh Yên Bái đã thanh tra, chấn chỉnh những sai phạm của công ty Bảo Lai. Song đến nay, chỉ cần quan sát qua tại hiện trường cũng có thể nhận thấy diện tích hồ đã biến dạng.
Qua đo vẽ, tính toán và đối chiếu với hồ sơ hoàn công cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa Thác Bà, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đã xác định chính xác được phần diện tích Công ty Bảo Lai san lấp dưới cao độ 59,65 m là 4,71 ha, diện tích nước không lưu thoát với hồ là 2,38 ha, tổng diện tích ảnh hưởng nằm trong hành lang bảo vệ hồ chứa là 6,55 ha. Tới thời điểm hiện tại, theo tính toán, tổng diện tích hồ Thác Bà bị công ty Bảo Lai san lấp khoảng 10 ha.
Nhờn luật, chịu nộp phạt để lấp hồ
Ngoài Công ty Bảo Lai, Hoàng Gia Yên Bái cũng là DN liên tục có hành vi vi phạm an toàn lòng hồ Thác Bà.
Theo quyết định chủ trương đầu tư ngày 2/10/2017 của UBND tỉnh Yên Bái, DN này được chấp thuận triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván dán, công suất 15.000 m3/năm, tại thôn Ðình Lâm, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình với vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 7 ha. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Quá trình triển khai dự án, DN được UBND huyện Yên Bình cấp giấy phép xây dựng ngày 15/8/2018. Tuy nhiên, trước khi được cấp phép, DN đã đưa máy móc ồ ạt san gạt mặt bằng, lấp hồ Thác Bà ở 7 vị trí. Ngày 16/10/2017, UBND xã Thịnh Hưng buộc phải lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng.
Phạt xong, DN tiếp tục cho máy móc san gạt. Ngày 24/10/2017 UBND huyện Yên Bình kiểm tra, phát hiện diện tích đất mà DN san gạt 12.000 m2 ở đồi số 7 và số 13, đổ phần lớn số đất xuống lòng hồ Thác Bà. UBND huyện Yên Bình đã ban hành quyết định xử phạt 60 triệu đồng đối với DN này.
Theo lãnh đạo UBND huyện Yên Bình, đến cuối năm 2019, báo cáo của Phòng TNMT huyện cho thấy Hoàng Gia Yên Bái vẫn tồn tại nhiều sai phạm.
Cụ thể, tổng diện tích đất công ty này san gạt mặt bằng hơn 122.000 m2. Trong đó, diện tích đất DN được UBND tỉnh cho thuê chỉ có hơn 65.000 m2, diện tích vi phạm gần 57.000 m2.
Qua kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ được cấp phép, giao đất, Phòng TNMT huyện Yên Bình còn phát hiện công ty này thi công xây dựng nhiều hạng mục sai phép.
Cụ thể, thời điểm tháng 8/2019, Hoàng Gia Yên Bái xây dựng thêm 1 nhà ở công nhân cấp III, 2 tầng, diện tích 150 m2. Tiếp đó, tháng 9/2019, lực lượng chức năng phát hiện DN này đang xây dựng thêm 1 nhà kho có diện tích 4.200 m2, trong đó diện tích đất được tỉnh cho thuê chỉ có 126 m2, còn lại hơn 4.000 m2 chưa được cấp phép (diện tích thuộc hành lang bảo vệ hồ chứa Thác Bà là 3.620 m2).
“Riêng trong năm 2019, công ty Hoàng Gia Yên Bái bị các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái xử phạt tổng cộng hơn 1 tỷ đồng với hàng loạt vi phạm về lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường như: Tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không lập kế hoạch quản lý môi trường và báo cáo cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường theo quy định…”, lãnh đạo UBND huyện Yên Bình cho hay.
Với những sai phạm trên, UBND huyện Yên Bình kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái tạm dừng hoạt động Dự án Nhà máy chế biến gỗ ván dán công suất 15.000 m3/năm của Hoàng Gia Yên Bái. Đồng thời yêu cầu công ty khắc phục hậu quả, nạo vét hoàn trả nguyên trạng khu vực vi phạm đổ đất xuống eo ngách hồ Thác Bà, tháo dỡ toàn bộ công trình sai phép.
Ngày 27/4/2020, UBND tỉnh Yên Bái đã lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan tại dự án của Hoàng Gia Yên Bái.
Yêu cầu DN này khắc phục, thực hiện các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu DN bốc xúc toàn bộ đất, đá đổ xuống eo, ngách hồ Thác Bà về đổ tại bãi thải như đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đoàn kiểm tra liên ngành gồm UBND xã Thịnh Hưng, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Yên Bái) cũng nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Yên Bái, về việc san gạt mặt bằng đã lấp đất xuống hồ Thác Bà với khối lượng lớn. Nhưng sự việc vẫn như ‘ném đá ao bèo’, chưa mang lại kết quả.