Bùng nổ làn sóng người di cư

Thanh Đức 27/02/2023 07:05

Trước làn sóng người nhập cư tăng mạnh, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một luật mới cấm phần lớn những người di cư đã đi qua các quốc gia khác trên đường đến biên giới Mỹ - Mexico xin tị nạn tại Mỹ. “Điều này giúp hạn chế các mạng lưới buôn người, lợi dụng người di cư để trục lợi bất chính” - phát ngôn viên Nhà Trắng nói.

Dòng người tị nạn vượt sông Rio Grande đến El Paso (Texas, Mỹ). Nguồn: CNN.

Quy định này được lấy ý kiến công khai trong vòng 30 ngày, có hiệu lực vào tháng 5/2023 và dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm.

Ngay lập tức, quy định mới (dự kiến) của chính quyền ông Joe Biden đối với người di cư đã vấp phải nhiều chỉ trích. Nhiều người cho rằng nó khá giống với chính sách trước kia của người tiền nhiệm Donald Trump khi tiến hành xây dựng hàng rào biên giới Mỹ - Mexico.

“Rõ ràng đây không phải là ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ. Các biện pháp này là hoàn toàn không cần thiết” - Nghị sĩ Jerry Nadler nói. Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết, quy định mới chỉ nhắm tới những người nhập cư bất hợp pháp và “khuyến khích nhập cư hợp pháp”. Đáp lại, nghị sĩ Pramila Jayapal nói trước Hạ viện: “Chúng tôi vô cùng thất vọng về đề xuất của ông Biden về việc hạn chế tị nạn. Quyền xin tị nạn là một nguyên tắc cơ bản được luật liên bang bảo vệ và không bao giờ được vi phạm”.

Đáng chú ý, hiện có thông tin Nhà Trắng đang xem xét sử dụng quy trình “trục xuất nhanh”.

Trong bối cảnh ấy, ngày 26/2, chuyên gia Diana Romero của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính đến cuối năm 2023, hơn 300.000 người di cư sẽ vượt rừng rậm Darien (thuộc tỉnh Choco, Colombia), trong đó có khoảng 60.000 trẻ em và trẻ vị thành niên, bất chấp hiểm nguy để vào nước Mỹ.

Rừng rậm Darien nằm giữa biên giới Panama - Colombia, được coi là khu vực “rừng thiêng nước độc” nhất thế giới. Đây cũng là khu vực “nút thắt cổ chai” bắt buộc phải đi qua với những người di cư trái phép bằng đường bộ từ Nam Mỹ lên Bắc Mỹ. Họ ra đi bất chấp địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và các loại tội phạm như buôn người, cướp bóc, tống tiền và lạm dụng tình dục.

Trong 2 tháng của năm nay, số trẻ em và trẻ vị thành niên vượt rừng Darien là hơn 5.000, cao gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo chuyên gia Romero, nếu như trước đây chỉ có người trưởng thành dám vượt rừng Darien thì gần đây việc tất cả thành viên trong một gia đình tham gia lộ trình này đã trở nên phổ biến.

“Trẻ em vô tội không phải dấn thân vào hiểm nguy. Các ông bố, bà mẹ hãy cân nhắc thật kỹ đến mạng sống của con em mình” - chuyên gia Romero kêu gọi.

Chưa hết, theo lực lượng biên phòng và hải quan Mỹ, số người vượt biên tới Mỹ qua Honduras đã tăng vọt trong 2 tháng đầu năm 2023. Gần 30.000 người di cư trái phép tới Mỹ qua Honduras trong 2 tháng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Đa số đến từ các nước vùng Caribe, ngoài ra còn có người đến từ một số nước châu Phi và châu Á.

Số liệu của Viện Di cư quốc gia Honduras (INM) công bố mới đây cho thấy, kể từ đầu năm 2023, có tới gần 25.000 người di cư đã thâm nhập lãnh thổ Honduras bất hợp pháp. Họ coi Honduras là “vùng đệm” trong hành trình tới Bắc Mỹ. INM cho biết, trong số đó 2/3 là nam giới. Đáng chú ý có hơn 5.600 trẻ em nam và khoảng 3.100 trẻ em gái (dưới 14 tuổi).

“Khu vực biên giới Trojes giữa Honduras và Nicaragua đã trở thành tuyến đường mới cho những người tìm cách tới Bắc Mỹ” - thông báo của INM.

Còn theo Bộ Nhập cư, tị nạn và Quốc tịch Canada, năm 2022, nước này đã tiếp nhận số lượng người nhập cư kỷ lục. Cụ thể, hơn 431.000 người đã tìm cách vào Canada tìm kiếm việc làm trong năm qua, chủ yếu trong lĩnh vực chăm sóc y tế và xây dựng. “Trong 3 năm tới, con số đó có thể sẽ là 1,45 triệu người, tương đương 3,8% dân số cả nước” - đại diện Bộ Nhập cư, tị nạn và Quốc tịch Canada cho biết.

Theo báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính từ năm 2014 đến nay, số người di cư trên toàn thế giới thiệt mạng đã vượt con số 55.000. “Đây là cột mốc đáng buồn mới nhắc nhở về cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa hạ nhiệt và hành động để ngăn chặn vẫn chưa đủ” - IOM nhấn mạnh. Trong số những người di cư mất tích có thể xác định danh tính, hơn 10.000 người đến từ các quốc gia châu Phi, hơn 7.000 người đến từ các nước châu Á, còn lại là những trường hợp người di cư được cho là đã thiệt mạng không rõ quốc tịch, đồng nghĩa hàng chục nghìn gia đình trên thế giới vẫn đang tìm kiếm người thân mất tích trong vô vọng.

Ngày 26/2/2023, dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) cho biết, trong năm 2022 đã có gần 1 triệu đơn xin tị nạn được nộp vào 27 quốc gia thành viên của khối, cùng với Thụy Sĩ và Na Uy. Cụ thể, EU đã nhận được 966.000 đơn xin tị nạn trong năm ngoái. So với năm 2021, lượng đơn xin tị nạn được ghi nhận năm vừa qua tăng 50% và cũng là mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016 với hơn 1,2 triệu đơn đăng ký.

Người Syria và Afghanistan chiếm phần lớn trong số những người xin tị nạn vào EU trong năm 2022, khoảng 25% tổng số đơn, tương ứng 131.697 người và 128.949 người. Tiếp sau đó là những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ (55.437 người), Venezuela (51.000 người), Colombia (43.000 người) và các nhóm người di cư từ Bangladesh, Gruzia, Ukraine, Ấn Độ, Maroc, Tunisia, Nigeria và Somalia.

Vẫn theo EUAA, trong các đơn tị nạn vào EU trong năm 2022, số lượng trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2015 là 43.000 trẻ. Khoảng 66% số này đến từ Syria và Afghanistan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bùng nổ làn sóng người di cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO