Bước tiến bình đẳng giới

Miên Thảo 05/01/2022 09:25

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Nghị định áp dụng mức phạt khác nhau đối với các hành vi vi phạm khác nhau trong lĩnh vực bình đẳng giới. Trong đó quy định mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.

Phụ nữ cần phải được bình đẳng với nam giới trong gia đình và xã hội.

Đáng chú ý, Nghị định quy định phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới; xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới. Hành vi xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho người thuộc một giới tính nhất định khi bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Không thực hiện việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng áp dụng đối với hành vi: Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập; từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới. Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên gia đình do giới tính bị phạt tới 5 triệu đồng. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định. Hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Như vậy là đã rất rõ ràng đối với những hành vi “trọng nam khinh nữ” là điều xã hội văn minh không thể chấp nhận, nhất là khi việc đấu tranh bình đẳng giới đã và vẫn đang tiếp tục. Ở đây, xin được nói thêm về quy định xử phạt bất bình đẳng ở cơ quan và gia đình.

Tại nơi làm việc, thực tế cho thấy phụ nữ vẫn “lép vế” cả khi tuyển dụng lẫn khi cất nhắc, đề bạt, với cách nghĩ cũ kĩ là, nam giới “được việc” hơn nữ giới. Chưa kể một số vị lãnh đạo còn cho rằng trong tập thể nhiều phụ nữ dễ “rách việc”. Chính từ sự phân biệt đối xử ấy nên nhiều chị em không phát huy được khả năng, chịu nhiều thua thiệt như thể số phận đã định.

Còn trong nhà, khi mà tư tưởng phong kiến vẫn chưa gột sạch, thì phụ nữ cũng lại bị coi là “thành phần phụ”. Việc nhà là việc “không tên”, ngày nào họ cũng “lăn như bống” nhưng vẫn “mất giá” trước nam giới. Nhiều nơi, nhiều gia đình con gái phải nhường cho con trai học lên, còn mình thì dừng lại, đi làm sớm. Rồi lấy chống, cuộc đời coi như xong. Những định kiến cổ hủ lạc hậu ấy cần phải được loại bỏ. Nếu không tự nhận thức được thì việc đặt ra mức xử phạt là rất cần thiết.

Tuy nhiên, về vấn đề này, “định tính” là khá rõ. Thế nào là chèn ép, là coi thường - không dễ gì xác định được, và cũng không dễ gì người làm sai chịu nhận mình sai, vì chứng cứ nhiều khi không rõ ràng. Vậy nên, để có tính khả thi thì cần phải có sự giám sát cụ thể. Nhưng quan trọng hơn với phụ nữ bị chèn ép phải mạnh dạn lên tiếng chống lại bất công, đòi quyền lợi chính đáng cho mình cũng như giới của mình. Chỉ có mạnh dạn lên tiếng thì mới có thể có được sự bình đẳng và những hành vi vi phạm mới dần được xóa bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước tiến bình đẳng giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO