Bước tiến mới về chống tham nhũng

Thành Luân 21/09/2018 09:00

Bộ Công an mới đây khởi tố, bắt giam các cựu lãnh đạo, quan chức đương nhiệm của TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng liên quan đến Vũ “nhôm” tiếp tục khẳng định chủ trương, quyết tâm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong chống tham nhũng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Một lần nữa, dư luận, nhân dân hồ hởi, tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hoàn toàn không khẩu hiệu, không hô hào, mà các quyết tâm chống tham nhũng được thể hiện bằng hành động cụ thể. Trước đây, việc xử lý các quan chức thuộc diện trung ương quản lý là điều “lạ tai” đối với nhiều người. Nay, nhân dân đang quen dần với các thông tin được công bố mỗi ngày liên quan đến việc khởi tố, bắt giam từ lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp địa phương đến lãnh đạo một Bộ, tướng lĩnh ngành Quân đội, Công an, thậm chí là cả Ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả, không ngoại lệ ai, nếu “nhúng chàm” thì quan, dân đều phải đứng trước sự phán xét của pháp luật.

Hành động thể hiện quyết tâm ấy là hết sức rõ ràng, cụ thể. Thống kê trong 10 năm qua, số lượng các vụ án, các đối tượng bị truy xét, khởi tố, phạt tù giam liên quan đến tham nhũng, tiêu cực ngày một quyết liệt hơn. Theo tổng hợp của Chính phủ từ năm 2006 - 2016, đã có 8.234 tập thể và 33.722 cá nhân bị kiến nghị xử lý kỷ luật. Những con số biết nói ấy, đã minh chứng cho công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn này đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Nhất là, kỷ luật, kỷ cương của Đảng đã chứng tỏ cho cả xã hội biết quyết tâm chống tham nhũng về lâu dài, càng ngày càng được người dân hoan nghênh, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ.

Mới đây nhất, vụ việc 8 cựu lãnh đạo, quan chức đương nhiệm của TP HCM và Đà Nẵng bị khởi tố liên quan đến các sai phạm của ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) là một minh chứng rõ hơn nữa quyết tâm nêu trên của Đảng, Nhà nước ta. Trước đây, khi cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng nắm giữ vị trí Bí thư Thành ủy TP HCM chưa lâu, dư luận đã bất ngờ trước thông tin ông này bị khởi tố, bắt giam và vừa đưa ra xét xử công khai và phải nhận bản án tù giam nghiêm minh của pháp luật. Thời điểm của sự kiện chấn động này diễn ra chưa lâu, các ngành chức năng trung ương tiếp tục công bố các sai phạm của nhiều cựu lãnh đạo, quan chức đương nhiệm thuộc UBND TP HCM.

Lúc này, người dân không chỉ ở TP HCM, Đà Nẵng, mà dư luận cả nước đều tin tưởng rằng, với những tiền đề đã được khẳng định (không có vùng cấm, không có ngoại lệ), tương lai của cuộc chiến chống tham nhũng là rất sáng sủa, rất khả quan, giúp trong sạch hóa bộ máy của Đảng, chính quyền. Từ đây, niềm tin của xã hội, của nhân dân vào Đảng, vào cơ chế vận hành của Chính phủ chắc chắn sẽ được khẳng định hơn nữa. Và, vượt lên trên hết là thế hệ lãnh đạo hiện tại có thể tự hào đã làm được một phần mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, không quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực, không lặp lại sai lầm trước đây. Đồng thời, kết quả đó khẳng định sứ mệnh lịch sử, sức sống mãnh liệt của Đảng đối với Tổ quốc, với nhân dân trong thời kỳ hội nhập, CNH-HĐH đất nước.

Một trang mới trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang mở ra. Các quyết tâm của Đảng gắn liền với quá trình định hướng, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) trong chống các biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đó là việc Đảng nói không với các biểu hiện sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Đã có nhiều vụ án, vụ việc đã được công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thực hiện siết sao, nghiêm túc, trong đó một loạt cán bộ, đảng viên vi phạm đã phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật tương xứng. Đây là những quyết tâm và hành động cần thiết, bởi nếu không thực hiện triệt để, nói đi đôi với làm thì Nghị quyết của Đảng sẽ trở thành khẩu hiệu suông, thậm chí gây hiệu quả ngược, làm xói mòn uy tín của Đảng trong nhân dân, về lâu dài gây chệch hướng sự nghiệp Đổi mới của Đảng, Nhà nước ta.

Những mặt tích cực của cuộc chiến chống tham nhũng đang nổi trội khi mà quyết tâm của Đảng, cùng sự vận hành trơn tru của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cùng đồng lòng, đồng hành cùng Đảng trong chủ trương, hành động. Tuy nhiên, những biểu hiện còn tồn tại cũng không thể xem nhẹ. Đó là ở một số nơi, một số cơ quan/đơn vị vẫn còn “nương tay” trong công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tại cơ sở. Cụ thể là dù phát hiện các biểu hiện trì trệ, tiêu cực trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhưng kết quả phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại hết sức hạn chế. Thậm chí, một số vụ việc dù đã phát hiện nhưng việc xử lý dây dưa kéo dài, thiếu quyết liệt. Có nơi, các vụ án tham nhũng có quy mô lớn nhưng chậm được phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ, kết luận và xử lý.

Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước tiến mới về chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO