Buôn lậu thuốc, thiết bị y tế trong mùa dịch: Cần xử lý nghiêm để răn đe

Quang Thành 02/09/2021 19:20

Việc buôn lậu thuốc, thiết bị y tế trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ ảnh hưởng để giá cá thị trường, tiêu thụ hàng hóa trong nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Lực lượng hải quan kiểm tra lô hàng có dấu hiệu vi phạm.

Tràn lan thuốc, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc

Trước những diễn biến của dịch Covid-19, nhu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nhiệt kế… tăng cao và trở thành những mặt hàng "hot” được nhiều người tìm mua.

Những mặt hàng trên đều là hàng hoá thông thường, không phải hàng cấm hay hàng hoá hạn chế xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại cả Việt Nam và nhiều quốc gia, nguồn cung các sản phẩm này ở nhiều nơi, nhiều thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu. Việc này đã tạo ra làn sóng buôn lậu, cũng như mua bán hàng hoá thiết bị y tế giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...

Đáng nói, trong khi cả hệ thống chính trị chung tay trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vẫn có không ít đối tượng lợi dụng dịch bệnh để sản xuất, mua bán thuốc, thiết bị y tế kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán cho người dân.

Thực tế, đã không ít các vụ việc buôn lậu thuốc, thiết bị y tế bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá.

Mới đây, ngày 27/8, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra và phát hiện lô hàng từ Nga về sân bay Nội Bài (Hà Nội) chứa 330 hộp thuốc Arbidol và nhiều bộ kit test nhanh Covid-19. Trên thị trường, sản phẩm Arbidol được quảng cáo dùng trong điều trị Covid-19 (Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc).

Tuy nhiên, trên thông tin vận đơn và khai báo hải quan hàng hóa thể hiện là hàng gom, quà tặng, thiết bị rèn luyện thể chất, lọ hoa bằng thủy tinh, đầu đọc đĩa CD, khung tranh bằng gỗ, đèn trang trí, rèm…

Theo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, mặt hàng thuốc và kit test Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, nhưng thời điểm kiểm tra, 4 lô hàng trên không có giấy phép theo quy định.

Trước đó, ngày 17-18/8, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội kiểm tra một kho hàng ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện hàng hóa thuộc 2 tờ khai có dấu hiệu nghi vấn, được vận chuyển trên chuyến bay từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo khai báo hải quan, hàng hóa là hàng mẫu và thực phẩm bổ sung. Trong đó một tờ khai được mở theo loại hình phi mậu dịch, một tờ khai mở theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng.

Tuy nhiên, tiến hành kiểm tra, lực lượng Hải quan phát hiện và thu giữ gần 1.500 hộp thuốc Favipiravir Tablets (thuốc kháng virus do Ấn Độ sản xuất ) không có giấy tờ theo quy định.

Cũng liên quan đến tình hình buôn lậu thiết bị y tế, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu tháng 8/2021, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, đã kiểm tra, phát hiện 1.000 bộ van máy thở không có nguồn gốc đang chuẩn bị phân phối ra thị trường.

Trước đó, tại đường nội bộ khu đất dịch vụ thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, lực lượng liên ngành đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 12C-062.xx, phát hiện trên xe có một lượng lớn hàng hóa gồm 50 thùng, mỗi thùng có 20 bộ van máy thở.

Toàn bộ số thiết bị y tế này đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế và không được cấp phép lưu hành, không ghi nguồn gốc xuất xứ trên thân vỏ hộp.

Làm việc với cơ quan chức năng, lái xe thừa nhận, số hàng hóa trên được một công ty thuê chở về trụ sở Công ty Dathaso (địa chỉ tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức). Ước tính giá trị tổng số hàng hóa khoảng 700 triệu đồng.

Đáng chú ý, những sản phẩm thuốc, thiết bị y tế không được nhập khẩu chính ngạch hoặc không đạt chất lượng đều được hợp thức hóa bằng rất nhiều phương thức, phân phối thông qua các kênh tiêu thụ đa dạng, linh hoạt, nhất là qua mạng internet hay khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo thường trà trộn cùng với hàng thật, bằng các thủ thuật tinh vi...mập mờ đánh lừa khách hàng.

Cần xử lý nghiêm để răn đe

Việc mua bán những sản phẩm thuốc, thiết bị y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp người dân, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sử dụng phải những trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sẽ trực tiếp bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe,… làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên cả nước.

Bên cạnh đó, những hành vi nói trên không chỉ gây khan hiếm nguồn hàng trong nước, mà việc vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp còn tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo các chuyên gia y tế, Bộ Y tế - cơ quan quản lý Nhà nước đối với các mặt hàng vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất, nhập khẩu các loại thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân khiến cho người dân không khỏi bức xúc và đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh tay để xử lý.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hiện nay, pháp luật nước ta đã có những quy định chi tiết, đầy đủ về việc xử lý vi phạm đối với hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Chế tài áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm rất nghiêm minh, mang tính răn đe, giáo dục cao. Cụ thể, theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền có thể lên tới 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.Trong trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu là trang thiết bị y tế, mức phạt trên có thể sẽ tăng gấp 2 lần.

Mức phạt tiền này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu; hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu; hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Ngoài ra, người vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh chế tài hành chính, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu. Theo Điều 188 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào buôn bán hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt thì bị phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 3 năm, thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Luật sư Tiền cũng chia sẻ thêm, để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Hải quan cần chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, cơ quan Quản lý thị trường các địa phương cần tăng cường công tác quản lý tại địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đồng thời góp phần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buôn lậu thuốc, thiết bị y tế trong mùa dịch: Cần xử lý nghiêm để răn đe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO