Ca nhạc thời hội nhập: Ngẫm từ vài hiện tượng internet

Minh Quân (ghi) 01/11/2017 08:05

Nếu dứt khoát nói “không” với internet và kiên quyết quay lưng lại mạng xã hội, thì đời sống ca nhạc thời hội nhập không thể mở rộng hơn xưa. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu- phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chúng ta đã tự tước bỏ cơ hội thưởng thức tác phẩm qua một thư viện âm nhạc khổng lồ.

Môi trường internet đang tạo cơ hội cho khán giả tiếp nhận ca nhạc. (Ảnh minh họa).

Sức mạnh của internet

Không thể phủ nhận rằng nhờ mạng xã hội mà dân tình biết đến nhiều hơn các chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM…

Không có mạng chắc gì nhiều người đã biết tới sự ra mắt của opera “Lá đỏ” - một thể loại nghệ thuật chuyên nghiệp tổng hợp đã hoàn toàn vắng bóng nhiều thập niên.

Được trình diễn tới 3 đợt và có gần 2.000 lượt xem sau nửa năm trên trang web của Hội Nhạc sĩ. “Lá đỏ” đã nhen lên hi vọng nhạc kịch đúng nghĩa opera chưa hẳn đã hết đất sống.

Không có mạng càng ít người biết đến nhưng chương trình “áo gấm đi đêm” giới thiệu tác phẩm thính phòng giao hưởng. Rất cần quảng bá những đêm nhạc chuyên nghiệp như “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho.

Rất cần đầu tư tổ chức thêm nhiều chương trình như thế tôn vinh thể loại romance, bởi ca khúc nghệ thuật có phần piano đang là cái đích hướng tới của các tác giả muốn vượt lên trên lối viết romance, bởi ca khúc nghệ thuật có phần piano đang là cái đích cần hướng tới của các tác giả muốn vượt lên trên lối viết ca khúc đại chúng thiếu phần đệm.

Trở thành sự kiện được quảng bá và chờ đón trên mạng xã hội còn nhiều đêm hòa tấu do cá nhân hoặc đơn vị tư nhân tổ chức, các show ca nhạc công phu của một tác giả, như Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo… hoặc của các ca sĩ như Thanh Lam, Tùng Dương, Đăng Dương…

Vẫn còn nhiều chữ “nếu”

Thấy rõ ngày càng có thêm nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, yêu nghề, biết tự thân vận động. Chỉ tiếc môi trường hoạt động chưa đủ, điều kiện tổ chức biểu diễn chưa đáp ứng, nhất là với khí nhạc chuyên nghiệp.

Sẽ hiệu quả hơn khi có người (gọi nôm na là “ông bầu”) đứng ra lo toàn bộ khâu tổ chức biểu diễn cho nghệ sĩ, để họ dồn toàn tâm toàn ý vào sáng tạo nghệ thuật.

Tổ chức biểu diễn là một nghề cần có sự chuyên nghiệp. Đã thiếu người đại diện tổ chức biểu diễn, liên hệ truyền thông, quảng bá hình ảnh, lại thêm bao rắc rối do sự mông lung và tắc trách về quy chế cấp phép và tổ chức biểu diễn.

Cấp phép biểu diễn là một đề tài gây nhiều phản ứng cho cộng đồng mạng. Những chỉ trích về biện pháp chạy theo chữa cháy, về cách vận hành theo cơ chế xin cho, theo tôi, là phản ứng tích cực từ phía công chúng, bởi chính họ luôn là nạn nhân của trăm thứ thủ tục hành chính vốn “hành là chính”.

Và họ muốn thấy Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải tổ chức đồng hành cùng nghệ sĩ, nhạc sĩ hỗ trợ và khích lệ tổ chức biểu diễn, chứ không phải vật cản, nhăm nhe bắt lỗi và gây khó dễ.

Gần đây còn vụ việc nữa không kém ồn ào liên quan đến dòng nhạc bolero. Ai đúng ai sai giữa nhiều ý kiến trái chiều là câu chuyện dài khiến các nhà quản lý biểu diễn lúng túng.

Có một điểm chung là gần như cả hai phía ủng hộ cũng như phản đối đều mặc định công nhận cái tên gọi rất kêu – rất Tây, bộc lộ sự thiếu hiểu biết về chuyên ngành âm nhạc và tâm lý sính ngoại, sính hình thức.

Cũng như trước đây từng nảy sinh những cụm từ không chuẩn xác như nhạc tiền chiến, nhạc trẻ… dù các nhà chuyên môn cố điều chỉnh mãi mà chẳng được.

Cũng thuộc phạm trù văn hóa ứng xử là các cuộc tranh cãi về bản quyền âm nhạc, từ đạo nhạc cho đến sử dụng ca khúc không xin phép, kể cả ca khúc được mua bán độc quyền, tự tiện đặt lời mới trên giai điệu bài hát cũ hoặc đặt lời Việt cho nhạc ngoại…

Internet như con dao hai lưỡi, vừa tạo thêm cơ hội cho hành vi đạo nhạc, nhưng cũng là nơi giúp công chúng phát hiện và lật tẩy hành vi này dễ dàng hơn.

Hơi nhiều câu giả định “nếu…” này để nói tới thị hiếu giới trẻ. Không thể quản lý ca nhạc thời hội nhập bằng biện pháp hạn chế ảnh hưởng của internet.

Được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc lành mạnh, thì tự nhiên mỗi người đã có thể là một bộ lọc tốt, biết tự bảo vệ mình trước mọi nhiễu loạn thông tin, biết cảm nhận cái hay, cái đẹp trong thế giới “vàng thau lẫn lộn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca nhạc thời hội nhập: Ngẫm từ vài hiện tượng internet

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO