Các bến xe vẫn ‘cửa đóng then cài’

Việt Đoàn 13/10/2021 06:25

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định số 1777 kèm theo hướng dẫn về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và bắt đầu thí điểm từ ngày 13/10.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết tại các bến xe của Hà Nội, chiều ngày 12/10, mọi hoạt động vẫn chưa có dấu hiệu trở lại.

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, Sở cũng đã gửi quy định của Bộ GTVT về việc thí điểm hoạt động hành khách liên tỉnh đến các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nắm được các yêu cầu, quy định làm cơ sở chuẩn bị nhân lực, vật lực quay trở lại hoạt động.

Chiều 12/10, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng đã ký văn bản về việc đề xuất UBND thành phố cho mở lại vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải công cộng hoạt động từ ngày 13/10. Cụ thể, các tuyến đề xuất gồm: đi đến các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Tuy nhiên trên thực tế, do vẫn chưa nhận được thông báo chính thức của thành phố Hà Nội cho phép các bến xe mở cửa trở lại, nên các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn “án binh, bất động”. Đó cũng là lý do vì sao, bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm - 2 bến xe lớn của Hà Nội đều trong tình trạng im lìm, “cửa đóng then cài”.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát sở hữu hãng xe Sao Việt cho hay: “Các doanh nghiệp vận tải rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc khôi phục lại giao thông vận tải hành khách liên tỉnh, đây cũng là biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp”.

Tuy nhiên, theo ông Bằng, cũng có nhiều vấn đề, vướng mắc khiến các doanh nghiệp chưa thể hoạt động trở lại, như phần lớn nhân viên của công ty do dịch bệnh, tạm dừng công việc nên trở về địa phương ở các tỉnh khác, để họ quay trở lại Hà Nội làm việc cũng là một vấn đề. Bên cạnh đó, với các quy định yêu cầu bắt buộc hành khách và nhân viên (tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm PCR còn hiệu lực trong 72 giờ) trong quá trình hoạt động vận tải liên tỉnh, thì chi phí cho mỗi chuyến xe cũng sẽ tăng lên, số tiền mà hành khách mua vé cũng sẽ bị cộng dồn các chi phí phát sinh khác cho mỗi chuyến xe (tiền vé + tiền xét nghiệm), mà công suất vận hành của các doanh nghiệp lại giảm. Điều này khiến cho doanh nghiệp lại phải chịu lỗ thêm.

Bến xe Nước Ngầm vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại.

“Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm có chủ trương thống nhất, đồng bộ về cách kiểm soát dịch giữa các địa phương, nếu không dù có nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp cũng khó hoạt động được”- ông Bằng nói.

Tình trạng của hãng xe Sao Việt cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp vận tải hành khách đang hoạt động tại Hà Nội khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh chia sẻ, họ đang lao đao vì xe phải nằm bãi do dịch bệnh kéo dài, nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cố gắng cầm cự, doanh nghiệp vận tải cũng chưa có cách gì khác. Nhiều đơn vị mất khả năng duy trì sản xuất, hoạt động.

Hiện tại, mỗi một chuyến xe doanh nghiệp vận tải phải chịu “kha khá” khoản phí khiến giá cước vận chuyển bị đẩy cao. Doanh thu khi trở lại hoạt động cũng khó có thể bù lại các khoản chi.

Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng, khi vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động trở lại, cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, những nhà xe không thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho rằng, quy định của Bộ GTVT yêu cầu nhân viên trên phương tiện hành khách liên tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ, nhưng nhiều chuyến xe đường dài có thời gian di chuyển nhiều hơn 72 giờ, nên giấy xét nghiệm của lái xe và phụ xe không thể đáp ứng đúng các quy định này. Đây cũng là một cái khó mà nhiều doanh nghiệp vận tải nêu.

Theo đề xuất của Sở GVVT Hà Nội, đơn vị kinh doanh vận tải cần tổ chức vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi, yêu cầu người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chỉ dừng đỗ dọc đường, phối hợp với lực lượng chức năng của thành phố khi có yêu cầu. Đề xuất của Sở GTVT cũng yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng Covid-19. Đặc biệt, đội ngũ tham gia vận tải hành khách công cộng bắt buộc chấp hành nghiêm, tuân thủ “Thông điệp 5K”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các bến xe vẫn ‘cửa đóng then cài’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO