Chặn nguy cơ lây lan cúm gia cầm

Hạnh Nhân - Bắc Vũ - Hạnh Nguyên 17/02/2020 07:40

Tới thời điểm này, 5 địa phương trên cả nước đã xuất hiện cúm gia cầm.Tuy chưa bùng phát, nhưng đó là một thực tế cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch; không để dịch lay lan.

Chặn nguy cơ lây lan cúm gia cầm

Khử trùng ngăn chặn dịch cúm gia cầm tại Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Nguy cơ lây lan cao từ các nhóm nhỏ, lẻ

Về diễn biến dịch cúm gia cầm trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) Phạm Văn Đông cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine trên đàn gia cầm ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp, đáng chú ý ở nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm chủng virus A/H7N9 nhưng nguy cơ virus này và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.

Đến thời điểm này cả nước đã ghi nhận 5 địa phương có ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra gồm: Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh, với tổng số gia cầm phải tiêu hủy trên 43.000 con. Mới nhất là tỉnh Bắc Ninh, đã ghi nhận 2 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại phường Hòa Long (TP Bắc Ninh) và xã Việt Thống (huyện Quế Võ) làm chết và tiêu hủy 8.731 con vịt.

Thống kê của Cục Thú y cho thấy cúm gia cầm do virus A/H5N6 gây ra xảy ra nhiều nhất trên đàn gà với tỷ lệ 94%, vịt chiếm 5% và ngan là 1%. Cho đến ngày 11/2, chỉ có 1 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại hộ chăn nuôi tại xã Dực Yên (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) đã qua 21 ngày không ghi nhận có gia cầm chết mới; 9 ổ dịch còn lại chưa qua 21 ngày.

Đáng chú ý, đến ngày 15/2, theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa, địa bàn tỉnh này tiếp tục phát sinh các ổ dịch cúm gia cầm H5N6. Theo đó, cúm gia cầm H5N6 đã xảy ra tại 10 thôn, 7 xã của các huyện: Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân và TP Thanh Hóa với số gia cầm bị mắc bệnh trên 3.900 con, buộc phải tiêu hủy trên 37.000 con. Trong đó, huyện Nông Cống có 20 hộ chăn nuôi ở 6 thôn thuộc 3 xã, với số gia cầm buộc phải tiêu hủy trên 28.500 con.Tỉnh Thanh Hóa đã cấp trên 1,2 triệu liều vaccine cúm A/H5N6 tiêm phòng cho gia cầm; 8.500 lít hóa chất, 11 tấn vôi để các huyện bị dịch tiêu độc khử trùng. Tại huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) cũng đã xuất hiện ổ dịch cúm H5N6 thứ 4 tại xã Quỳnh Hưng, trước đó là các xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Bá và Quỳnh Hồng.

Là địa phương xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhận định, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm là rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như hiện nay.

Nghệ An: Cấp 2 triệu liều vaccine cho 9 huyện, thị

Chiều ngày 16/2, thông tin từ ông Đặng Văn Minh- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến thời điểm hiện nay tỉnh Nghệ An đã phát hiện 4 điểm dịch cúm gia cầm H5N6 (đều tại huyện Quỳnh Lưu).

Chặn nguy cơ lây lan cúm gia cầm - 1

Tiêm phòng cúm cho gia cầm tại Nghệ An.

4 điểm dịch cúm gia cầm này chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và vừa. Từ ngày 7 – 14/2, tổng đàn gia cầm bị dịch buộc phải tiêu hủy là 464 con gồm ngan và vịt; ngoài ra tổng lượng hóa chất phun phòng bệnh trên đàn gia cầm hơn 100 lít và hiện đang tiếp tục cấp bổ sung cho các địa phương chủ động phun phòng bệnh.

Để đối phó với dịch cúm gia cầm A/H5N6, tỉnh Nghệ An đã cấp 2 triệu liều vaccine cho 9 huyện, thành, thị tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, số lượng 2 triệu liều vaccine đã cung ứng cho 9 địa phương chủ yếu dùng tiêm trên đàn gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ. Đối với các trại gia cầm, thủy cầm từ 2.000 con trở lên, chủ trang trại phải chủ động tiêm phòng.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi. Theo thông báo của Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An, tính từ đầu tháng 1 năm 2020 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại đàn lợn của 178 hộ và 3 gia trại, tổng số lợn tiêu huỷ trên 1.100 con. Dịch bệnh xuất hiện và tái phát tại các huyện Diễn Châu, Hoàng Mai, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Đô Lương, Quế Phong, Kỳ Sơn, Yên Thành.

Hà Tĩnh: Triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường

Hà Tĩnh có tổng đàn gia cầm hơn 9 triệu con, trong khi đó dịch cúm H5N6 đã “tấn công” gia cầm ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), nguy cơ lây lan đến Hà Tĩnh rất cao, người nông dân Hà Tĩnh như “ngồi trên đống lửa”. Can Lộc là huyện có đàn gia cầm khá lớn (khoảng 1 triệu con), ngay từ đầu tháng 2/2020, UBND huyện đã chỉ đạo cho các hộ nuôi gia cầm chủ động thực hiện các biện phòng dịch.

Chặn nguy cơ lây lan cúm gia cầm - 2

Kiểm tra ngăn chặn cúm gia cầm ở Hà Tĩnh. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Huyện Cẩm Xuyên cũng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch cúm gia cầm, triển khai đến từng hộ nuôi. Bà Trương Thị Công - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi Phú Hòa (huyện Cẩm Xuyên) cho biết: Tổ đã nhận hóa chất để khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi và nhờ thú y tiêm vaccine cho toàn bộ số gia cầm lên đến hàng nghìn con. Tất cả các tổ viên đều lo lắng, chăm lo phòng dịch để đảm bảo dịch cúm không lây lan đến.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh lo lắng: Điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhiệt độ, độ ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho dịch cúm gia cầm phát triển. Hà Tĩnh là địa phương có lượng xe trung chuyển gia cầm nhiều, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao, rất khó kiểm soát vì thế nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm ở Hà Tĩnh rất cao.Mặc khác, việc tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ, do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm phát sinh là điều khó tránh khỏi.

Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào địa bàn, gây lây lan dịch bệnh, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm. Trong đó đặc biệt là tổ chức triển khai “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 1 năm 2020” tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao trên địa bàn, thời gian thực hiện đồng loạt từ tháng 2 đến tháng 3/2020.

Thịt gà rẻ hơn rau muống

Thông tin từ các trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết giá gà, vịt từ sau Tết đến nay giảm liên tục. Trước Tết giá gà trắng (gà công nghiệp) tiêu chuẩn (2-2,5 kg/con) dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg, sau Tết rớt còn 21.000-22.000 đồng/kg, đến nay giảm còn 12.000-13.000 đồng/kg, tức giảm 50% trong chưa đầy 1 tháng và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng gà quá lứa, vượt trọng lượng chuẩn, khoảng 3-4 kg/con hiện có mức giá rất thấp, chưa tới 10.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau muống đang bán ở chợ (khoảng 15.000 đồng/kg). Tương tự, giá gà màu hay còn gọi là gà thả vườn trước Tết từ 55.000-65.000 đồng/kg, nay giảm mạnh còn 25.000 đồng/kg, gà tam hoàng từ 50.000-60.000 đồng cũng giảm còn 17.000-18.000 đồng/kg. Giá vịt tại các trại chăn nuôi ở Đồng Nai trước Tết từ 46.000-51.000 đồng/kg, nay giảm còn 18.000 đồng/kg.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn nguy cơ lây lan cúm gia cầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO