Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS

Đức Trân 21/11/2019 08:00

Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, khẳng định vai trò của tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS

Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

HIV/AIDS tiếp tục giảm

Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, gần 30 năm đại dịch HIV xuất hiện tại Việt Nam cũng như 5 năm Việt Nam cam kết hưởng ứng mục tiêu 90 – 90 – 90 của LHQ (90 % người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp)- dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Với hơn 131 nghìn bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 52 nghìn người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm. Những thành tựu trên có được là do các tổ chức dựa vào cộng đồng đã và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ước tính ở Việt Nam, các tổ chức xã hội đã đóng góp từ 25-50% trong một số các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh 10 sự kiện nổi bật trong phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24%. Dẫu thế vẫn còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS.

90% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằ­­­ng thẻ BHYT

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến ngày 30/9/2019, đã có 54 tỉnh có tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong điều trị HIV/AIDS đạt được trên 90%. Trong số này, 9 tỉnh đạt 100% gồm: Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hưng Yên. Thấp nhất là TPHCM, mới đạt được 80%. Việc mở rộng bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS có nhiều thuận lợi: 40/63 tỉnh bố trí ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT với tổng kinh phí 13 tỷ đồng cho hơn 16.000 thẻ BHYT; bên cạnh ngân sách địa phương, thì các dự án viện trợ quốc tế cũng sẵn sàng hỗ trợ mua thẻ BHYT như Quỹ toàn cầu mua gần 8.000 thẻ.

Bên cạnh thuận lợi thì việc mở rộng bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS cũng không tránh khỏi khó khăn: bệnh nhân không muốn sử dụng BHYT vì lo ngại kỳ thị và phân biệt đối xử; chưa có cơ chế mua thẻ BHYT cho bệnh nhân ngoại tỉnh không đăng ký thủ tục tạm trú; người nhiễm HIV không có bất kỳ giấy tờ tùy thân để mua thẻ BHYT; nhiều bệnh nhân không bộc lộ danh tính. Việc sử dụng và thanh toán tiền thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019 còn rất thấp. Số tiền thanh toán mới gần 40% tổng số hợp đồng đã ký. Vấn đề đấu thầu thuốc cho năm 2020 còn chậm. Vấn đề điều phối thuốc vẫn còn khó khăn. Hiện đang có các nguồn thuốc khác nhau, từ nguồn Chương trình mục tiêu, nguồn ngân sách, nguồn viện trợ của QTC, nguồn BHYT. Nguồn Chương trình mục tiêu và viện trợ còn có thể điều phối, nhưng nguồn từ BHYT thì không thể điều phối. Không thể dùng thuốc bảo hiểm cho các bệnh nhân khác, cũng không thể dùng thuốc nguồn khác cho bệnh nhân đã chuyển sang BHYT...

Tính đến nay, đã có 41.000 bệnh nhân trong tổng số hơn 140.000 đã bắt đầu nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT trong năm nay. Có thể nói đây là thành công ban đầu rất lớn, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, công tác điều trị ARV phải tiếp tục mở rộng hơn nữa để đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được phát hiện và đưa vào điều trị thuốc ARV; phấn đấu năm 2020, sẽ tăng lên 100.000 bệnh nhân dùng thuốc ARV qua BHYT. Các nguồn khác vẫn tiếp tục huy động, tuy nhiên, trong thời gian tới nguồn BHYT vẫn là nguồn cơ bản để duy trì và mở rộng công tác điều trị HIV/AIDS.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO