Lo ngại sốt rét

Nguyễn Thanh Đức 10/07/2018 08:00

Ở nhiều địa phương, bệnh sốt rét còn được bà con gọi là “ngã nước”. Thực tế cho thấy, sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng. Với nhiều nỗ lực, bệnh sốt rét dần được đẩy lùi. Tuy nhiên, tới nay, sốt rét vẫn còn là mối đe dọa, nhất là với bà con miền núi cao.

Lo ngại sốt rét

Ảnh minh họa.

1. Theo các bác sĩ, biểu hiện và triệu chứng của sốt rét đặc biệt bắt đầu thể hiện từ ngày thứ 8 đến 25 sau khi nhiễm. Đối với những người từng điều trị sốt rét trước đó thì biểu hiện này diễn biến kéo dài hơn.

Nhưng khi phát bệnh, nó lập tức bùng phát, xuất hiện các cơn lạnh đột ngột sau đó run rẩy và đổ mồ hôi. Người bệnh rét run cầm cập, phải đắp nhiều lần chăn vẫn không chịu nổi. Có khi, cơn giật quá mạnh, người nhà phải nằm đè lên bệnh nhân. Nếu không được chữa trị kịp thời tại bệnh viện thì nguy cơ tử vong cao. Nhiều trường hợp dù đã được chữa khỏi nhưng vẫn tái phát và để lại di chứng nặng nề.

Đáng tiếc là nhiều người dân, nhất là bà con ở vùng núi cao, nơi đi lại khó khăn, đã không đưa người nhà bị bệnh tới bệnh viện mà tự chữa bằng thuốc lá hái trong rừng. Cách này khiến bệnh kéo dài, người bệnh mất sức và nguy cơ bị bệnh trở lại rất cao. Có người bị sốt rét đeo đuổi cả đời cũng chỉ do tự chữa.

Lo ngại sốt rét - 1

Bệnh nhân sốt rét được điều trị tại bệnh viên Krông Pa, Gia Lai.

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra. Ở nhiều nơi, bà con thường gọi chúng là “muỗi rừng”. Chúng sinh sối nảy nở nhanh chóng khi gặp điều kiện thời tiết phù hợp. Trong những dòng suối, những chum vại đựng nước, và trong ao nước trước nhà, loài muỗi này tồn tại một cách dai dẳng, gây nhiễm trùng nhanh chóng khi hút máu. Chất độc từ vòi của chúng đi vào trong máu và di chuyển đến gan, phá vỡ tế bào gan, và quay trở lại dòng máu. Sau đó, lây sang các hồng cầu, phá hủy hồng cầu, gây bệnh.

Một con muỗi Anopheles cái (vật chủ trung gian truyền bệnh) trong vòng đời của mình có thể đẻ ra cả ngàn con muỗi con. Tuy nhiên, tiêu diệt chúng không khó, cùng với việc sử dụng các loại thuốc y tế thì việc tự chủ động khử trùng làm sạch nguồn nước thì bà con cũng làm dễ dàng.

Sốt rét không chỉ gặp ở người lớn, mà trẻ em cũng là đối tượng dễ bị muỗi tấn công, dẫn đến bệnh. Đáng chú ý, với trẻ nhỏ, bệnh sốt rét thường đưa đến những biến chứng nặng nề, như gây chứng mất máu trong thời kỳ phát triển não, từ đó khiến não bị tổn thương, có nguy cơ gia tăng suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi, và lên cơn động kinh.

Lo ngại sốt rét - 2

Hình một con Plasmodium đang di chuyển trong nước bọt của một con muỗi cái.

2. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm toàn thế giới có khoảng 200 triệu ca sốt rét, làm 650.000 người tử vong. Sốt rét xuất hiện ở hầu khắp các châu lục, nhưng nhiều nhất ở châu Phi, Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh này phổ biến ở những vùng nông thôn, dọc theo biên giới giữa các quốc gia và ven rừng. Bệnh sốt rét khi xuất hiện, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời trong cộng đồng sẽ lây lan rộng rãi.

Đáng sợ nhất là sốt rét ác tính. Đây là trường hợp bệnh nhân sốt rét trở nặng, có những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh, với các biểu hiện đặc biệt. Người bệnh sẽ bị sốt cao liên tục, rối loạn ý thức, tiêu chảy, bau bụng cấp. Cho đến nay vẫn chưa có các loại vắc-xin phòng tránh sốt rét.

Tháng 9/2017, các nhà khoa học cảnh báo, dịch “siêu sốt rét” do một loại vi khuẩn sốt rét có khả năng kháng thuốc đang lây lan nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có thể tạo ra mối đe dọa toàn cầu. Nhóm Nghiên cứu y khoa nhiệt đới Oxford ở Bangkok (Thái Lan) đánh giá, điều nguy hiểm nhất của dịch sốt rét này là nó đang dần trở nên không thể điều trị được. Đáng sợ nhất là tác nhân gây bệnh lại có khả năng kháng thuốc artemisinin- loại thuốc thường dùng để điều trị sốt rét.

Phác đồ điều trị sốt rét được lựa chọn đầu tiên thường là sử dụng artemisinin kết hợp với piperaquine. Nhưng trong khi artemisinin đang dần trở nên thiếu hiệu quả, ký sinh trùng cũng đã bắt đầu có khả năng kháng cả piperaquine. Chính vì thế, tỷ lệ các ca điều trị thất bại đã lên tới 1/3, có khi còn hơn 1/2 Theo Giáo sư Dondrop, nhân loại đang chạy đua với thời gian trong việc loại bỏ dịch sốt rét trước khi nó trở nên không thể điều trị nổi. Nhưng cuộc đua đó vẫn chưa tới đích.

Còn theo Giáo sư Michael Chew (Quỹ Nghiên cứu y khoa Wellcome Trust) thì cho rằng sự lây lan của chủng “siêu vi khuẩn” sốt rét có khả năng chống lại các loại thuốc hiện có, là một hồi chuông báo động và có tác động lớn tới sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

Lo ngại sốt rét - 3

Trẻ cần được chăm sóc chu đáo, không để bị muỗi đốt.

Cuối tháng 4/2018, ngành Y tế nước ta cũng đã lại một lần nữa cảnh báo về dịch sốt rét. Theo đó, trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều điểm nóng về sốt rét, trong đó có các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Đắc Lắc, Khánh Hòa.

Tại hội thảo Tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, so với năm 2011, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân đã giảm 84,6%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 57,1%. “Một nửa số ca mắc sốt rét tại Việt Nam là sốt rét ngoại lai, chủ yếu tập trung ở những vùng có sự di dân lớn tại khu vực giáp ranh biên giới”- ông Long nói.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Long, mặc dù Việt Nam đã có được kết quả rất tốt và được WHO ghi nhận, nhưng kết quả này chưa bền vững và nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương. Vì thế, việc tăng cường năng lực chẩn đoán điều trị cần phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các địa phương phải áp dụng phương thức quản lý điều trị dự phòng mới nhất để đối phó với diễn biến phức tạp của sốt rét tại các điểm nóng.

Được biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy lùi sốt rét, loại trừ sốt rét vào năm 2025 và loại trừ hoàn toàn sốt rét vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại sốt rét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO