Ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài

Hải Hà 31/05/2020 07:00

Ngày 30/5, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, đánh dấu 43 ngày Việt Nam không lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm là 327, trong đó 278 người khỏi bệnh. Hiện có 49 bệnh nhân đang điều trị tại 9 cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định. Tuy nhiên, khi sắp mở lại các đường bay quốc tế thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là không thể coi thường.

Ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài

Hành khách về nước trên chuyến bay từ Singapore tới sân bay Cần Thơ (chiều 24/4).

WHO cảnh báo đỉnh dịch Covid-19 thứ hai

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch Ccovid-19 diễn biến khó lường và trái chiều, nhiều nơi bắt đầu xuất hiện biểu hiện của làn sóng dịch thứ 2 và buộc các quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc xã hội.

TS Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp, nhấn mạnh nhân loại vẫn đang ở giữa đợt bùng phát đầu tiên. Trong khi tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia đã suy yếu, số ca nhiễm mới ở nhiều nước Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi có chiều hướng gia tăng.

Ông Ryan cho biết các đại dịch thường kéo đến theo đợt. Như vậy, Covid-19 có thể quay lại vào cuối năm nay, tại những nơi “làn sóng” đầu tiên đã lắng xuống. Nếu các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ quá sớm, tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng trở lại. “Chúng ta không thể mặc định rằng căn bệnh sẽ tiếp tục suy yếu chỉ vì nó đang tạm thời được khống chế ở một số quốc gia. Thế giới có vài tháng để sẵn sàng đối phó với làn sóng thứ hai, và dịch có thể tiếp tục đạt đỉnh một lần nữa”, ông nói.

Trước đó, TS Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cảnh báo những quốc gia đang nới lỏng lệnh hạn chế rằng “giờ là thời gian để chuẩn bị, không phải ăn mừng”. Ông nhấn mạnh các trường hợp dương tính ở Anh, Pháp, Italy bắt đầu giảm không có nghĩa đại dịch sắp kết thúc. Hiện Covid-19 đã chuyển hướng sang Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan.

Ngoài ra, TS Ryan nhận định đỉnh dịch hoặc làn sóng lây nhiễm tiếp theo có thể đến trong mùa cúm thông thường. Sự cộng hưởng của hai căn bệnh sẽ khiến công tác kiểm soát trở nên vô cùng phức tạp. Bở theo bà đặc điểm nổi bật của nCoV là khả năng khuếch tán cực nhanh trong một số điều kiện nhất định, tạo ra các cụm siêu lây nhiễm. Chúng ta đã chứng kiến một số trường hợp tiêu biểu.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vaccine điều trị Covid-19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm.

Covid-19 được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), hiện gần 9.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 49 người, tại cơ sở tập trung hơn 7.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.

PGS Nguyễn Huy Nga- nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết hiện Covid-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao), thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày; thời gian không phát hiện ca nhiễm mới là 28 ngày (tính từ ngày người mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Theo ông Nga, dù đã khống chế được dịch bệnh trong cộng đồng, Việt Nam vẫn còn nguy cơ lây nhiễm. Thời gian tới, nhà chức trách sẽ tiếp tục đón người Việt Nam về nước, đều được cách ly ngay, nhưng vẫn có nguy cơ lây chéo trong khu cách ly và ra cộng đồng. Những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, không được cách ly, vẫn có thể là nguy cơ lây nhiễm.

Về vấn đề này, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 ngày 28/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế chia sẻ: Chúng ta đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trong nước nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp. Trong bối cảnh chúng ta đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn.

“Với những người làm công tác phòng, chống dịch, chúng tôi lại cảm thấy lo ngại hơn. Vì chỉ cần để lọt 1 ca bệnh xâm nhập vào trong nước mà không kịp thời phát hiện sẽ dẫn tới tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định”- ông Long nói.

Nói về phương pháp phòng dịch quan trọng lúc này, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch (bao chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong) để tổ chức thực hiện cách ly thành viên tổ bay quốc tế, chuyên gia, lưu học sinh vào Việt Nam theo đúng quy định, vì nguy cơ xâm nhập rất cao.

Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế; đặc biệt phải quản lý chặt chẽ các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, mặc dù trong 43 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn.

Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.

Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Vì vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến. Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước.

Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, đánh giá bệnh nhân 91- phi công là ca nặng nhất hiện nay. Hiện tình trạng bệnh còn rất nặng, song đã có tiến triển về mặt tri giác, các thông số oxy máu và chức năng thận của bệnh nhân đã cải thiện. Bệnh nhân đã tỉnh, có phản xạ ho và cử động được các ngón tay khi ngưng thuốc giãn cơ và an thần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO