Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Thanh Giang 20/07/2019 06:32

6 tháng đầu năm, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Đặc biệt, các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bệnh sốt xuất huyết thời gian qua, Bộ Y tế cho rằng, do nền nhiệt độ trung bình năm nay cao hơn những năm trước, lượng mưa trung bình cũng tăng hơn. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ có nhiều dụng cụ chứa nước nhưng không được quan tâm xử lý.

Hiện đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết (SXH). Dự báo, dịch bệnh SXH vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Đó là thông tin được Bộ Y tế đưa ra trong hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH năm 2019, ngày 19/7, tại Viện Pasteur, TP HCM.

Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Bệnh nhân SXH tăng mạnh.

Theo Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm tình hình dịch SXH đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh – thành miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 7/2019, cả nước có hơn 96.000 ca mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, có 7 người tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam. Đơn cử, từ đầu năm đến nay TP HCM ghi nhận có 27.153 ca SXH tăng 166.7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tương tự, tỉnh Đồng Nai cũng có số ca mắc SXH cao. 6 tháng qua, tỉnh Đồng Nai ghi nhận có 5.093 ca mắc SXH, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bệnh SXH thời gian qua, Bộ Y tế cho rằng, do nền nhiệt độ trung bình năm nay cao hơn những năm trước, lượng mưa trung bình cũng tăng hơn. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước không được quan tâm xử lý.

Đồng thời, đuôi dịch năm 2018 kéo dài sang cả mấy tháng đầu năm 2019. Bên cạnh đó, sự thay đổi của vi rút gây bệnh khiến cho số ca bệnh cộng dồn của năm 2019 tăng cao. Đánh giá cao nỗ lực phòng bệnh SXH của các tỉnh, song Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ ra những điểm yếu. Theo đó, nhược điểm lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay là công tác truyền thông chưa đúng, chưa trúng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, trước giờ truyền thông địa phương thường tuyên truyền phòng bệnh SXH bằng thông điệp như: khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường. Thế nhưng, đối với muỗi Aedes truyền bệnh SXH thường sinh sôi, phát triển trong môi trường nước sạch, vì thế việc khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm không hiệu quả. Cần tuyên truyền người dân súc rửa dụng cụ chứa nước như bể, bình hoa, loại bỏ các vật phế phải chứa nước mưa.

Hiện đang là cao điểm của mùa dịch SXH. Dự báo, dịch bệnh SXH trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc ở những đô thị có mật độ dân cư như khu vực miền Nam, Tây Nguyên. Nếu không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống thì nguy cơ dịch bùng phát mạnh. Bộ Y tế yêu cầu, các địa phương tổ chức các đợt truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh SXH.

Ngoài băn khoăn về công tác phòng chống SXH của các tỉnh, thành, Bộ Y tế cũng lưu ý đến việc điều trị bệnh nhân SXH. Bộ Y tế lo ngại tình trạng dồn bệnh về các bệnh viện tuyến trên quá nhiều. “Bệnh nhân SXH nằm la liệt ở BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Bệnh Nhiệt đới. Trong khi, đối với bệnh nhân SXH độ 3, độ 4 có thể điều trị tại bệnh viện địa phương”- Bộ trưởng Bộ Y tế băn khoăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, công tác phân luồng, lọc bệnh trong điều trị bệnh nhân SXH chưa thực sự tốt. Vì vậy, rất nhiều bệnh viện tuyến cuối rơi vào tình trạng quá tải. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng, ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ khoảng 10-20% bệnh nhân mắc bệnh SXH ở tình trạng nặng như sốc hoặc chuẩn bị sốc. 80% còn lại là bệnh nhân mức độ nhẹ có thể điều trị tại địa phương hoặc tự khỏi bệnh.

“Bệnh nhẹ mà cứ nhập viện ồ ạt lên tuyến trên là không cần thiết. Vấn đề này cần xem lại”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bệnh viện tuyến trên phân loại, phân luồng bệnh nhân. Bệnh viện tuyến dưới điều trị tốt, không để quá tải ở tuyến trên nhằm giảm trường hợp tử vong do SXH.

* Đà Nẵng: Gia tăng số người mắc sốt xuất huyết

Ngày 19/7, thông tin từ UBND TP Đà Nẵng cho biết ngày 17/7, UBND thành phố đã chính thức yêu cầu ngành y tế TP tăng cường hơn nữa công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), không để bệnh SXH lây lan bùng phát thành dịch và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Ghi nhận tình hình bệnh SXH đang có dấu hiệu gia tăng ở mức báo động trên toàn TP với hơn 3.000 trường hợp mắc SXH, tăng khoang 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, chưa có trường hợp tử vong.

Sở Y tế đảm bảo nhu cầu thuốc, vật tư, hóa chất triển khai các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả. Huy động lực lượng tham gia công tác phòng chống bệnh, khoanh vùng và xử lý các vùng nguy cơ cao. Đồng thời, phối hợp các sở ngành, địa phương triển khai các biện pháp truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch bệnh. B.Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO