Tái dương tính với virus SARS-CoV-2: Không nên hoang mang

Minh Hằng 10/05/2020 08:00

Ngày 7/5, Việt Nam ghi nhận thêm 17 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 288, đồng thời cũng gia tăng số người tái dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã được công bố khỏi bệnh, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Tái dương tính với virus SARS-CoV-2: Không nên hoang mang

Người dân Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) trong thời khắc dỡ bỏ phong tỏa. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều trường hợp tái dương tính

Những ngày gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện tình trạng tái dương tính với virus SARS-CoV-2, riêng tại TP Hồ Chí Minh có 10 người tái dương tính trong tổng số 53 trường hợp được công bố khỏi bệnh. Điều đó làm gia tăng tâm lý lo ngại về nguy cơ tái nhiễm ở những bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, cũng như cộng đồng.

Ngày 27/4, lần đầu tiên TP HCM ghi nhận hai trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn sau khi đã được công bố khỏi bệnh. Đây là 2 ca bệnh liên quan đến ổ dịch quán bar Buddha ở Quận 2 và tái dương tính sau 7-9 ngày xuất viện. Liên tiếp những ngày sau đó, các trường hợp tái dương tính tiếp tục được phát hiện và lên đến con số 10 vào ngày 5/5.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM thì những bệnh nhân này tái dương tính sau 5 đến 30 ngày sau khi được công bố khỏi bệnh (trước đó nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Đáng chú ý, trong số các trường hợp tái dương tính có đến 7/10 người liên quan đến ổ dịch ở quán bar Buddha. Theo đó, tất cả các ca tái mắc đều không có triệu chứng bệnh và không lây lan cho người khác. Tất cả các trường hợp tái dương tính đều được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi ngay sau đó.

Theo các chuyên gia y tế, 10 trường hợp tái dương tính tại TP HCM trong tổng số 53 ca được công bố khỏi bệnh là tỷ lệ khá cao khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Bệnh nhân số 271 (người Anh) cũng là một trường hợp tái dương tính vì đã mắc Covid-19 tại Anh và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Hiện Bộ Y tế có quy định tất cả bệnh nhân tái dương tính phải được tiếp nhận, cách ly, điều trị như bệnh nhân mới.

Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng tái dương tính của các bệnh nhân mắc Covid-19 được báo cáo tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc… Cụ thể, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo đã có hơn 100 ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tháng trước. Cho đến nay câu trả lời cho hiện tượng này vẫn làm đau đầu cho các nhà khoa học.

Khó lây lan ra cộng đồng

Trao đổi với báo chí về tình trạng này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM) cho rằng tái dương tính không phải là vấn đề xa lạ đối với các bệnh lý truyền nhiễm. Hiện tượng tái dương tính đã xảy ra với các virus cúm, sởi… trước đó. Cụ thể, trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 có rất nhiều trường hợp dù đã được điều trị khỏi bệnh nhưng sau đó xét nghiệm vẫn còn tồn tại virus dù ở nồng độ thấp.

“Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, trong số 10 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 không có trường hợp nào có triệu chứng, do đó, chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp đó chỉ là “xác virus” hoặc “người lành mang trùng”, nghĩa là virus vẫn tồn tại với nồng độ thấp trong cơ thể và không có triệu chứng bệnh, không phát tán ra ngoài, không lây bệnh cho người khác”- bác sỹ Khanh nhận định.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, bản chất của phương pháp xét nghiệm RT-PCR chỉ lấy 1 đoạn mồi để phát hiện gen của virus SARS-CoV-2. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, khoảng 98% trong khi phương pháp xét nghiệm này chỉ phát hiện mật mã di truyền của con virus chứ không thể phát hiện toàn bộ con virus. Muốn phát hiện virus còn hoạt động hay không, chúng ta phải nuôi cấy virus. Hiện nay, Việt Nam là một trong số 4 nước trên thế giới có thể nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2.

“Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để nuôi cấy virus của những người tái dương tính. Điều đáng mừng là tất cả các trường hợp đều cho kết quả âm tính, tức là virus không hoạt động”, GS Kính nhấn mạnh. Như vậy, giả thuyết đặt ra là các test dương tính kia đã phát hiện những phần, mảnh của ARN của virus, có thể coi là xác virus trong quá trình cơ thể thải loại. Theo dõi về mặt dịch tễ ở cả trong và ngoài nước với những ca tái dương tính trở lại, không phát hiện sự lây nhiễm cho bất cứ người nào, dù một số bệnh nhân đã có tiếp xúc với người thân trong khi về cộng đồng cách ly. Vì vậy, GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định về phía y tế công cộng, chúng ta không cần e ngại với người tái dương tính.

Cũng liên quan đến hiện tượng tái dương tính, TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) lại nghĩ đến giả thuyết tái phát (hay tái nhiễm).

Bác sỹ Hùng lý giải, hiện nay thế giới chưa có thuốc diệt virus đặc hiệu, do vậy việc số lượng virus bị giảm đi và biến mất trong cơ thể người bệnh là do vai trò của kháng thể. Khi khỏi bệnh cũng có nghĩa là kháng thể do cơ thể người bệnh tạo ra đã đủ để tiêu diệt virus.

Thông thường kháng thể được tạo ra sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh một khoảng thời gian nào đó, kháng thể này giúp tiêu diệt nốt số virus còn “vương vãi” trong một số tế bào và làm cho những virus còn sót lại này không thể phát triển mạnh cũng như đảm bảo nếu có một số virus mới xâm nhập do người khỏi bệnh lại tiếp xúc với nguồn lây cũng không thể “tái nhiễm”.

Tuy nhiên, trong thực tế có một số virus đột biến qua các vòng phát triển, những virus đột biến này có thể trốn thoát được kháng thể để tồn tại và phát triển thành bệnh ở những người đã khỏi bệnh, dẫn tới các trường hợp tái phát hay tái nhiễm.

Giả thuyết thứ hai mà bác sỹ Hùng đưa ra là bệnh nhân tái dương tính do “xác virus” trong cơ thể. Khi kháng thể được cơ thể sản sinh ra, phần lớn virus trong cơ thể sẽ bị tiêu diệt và đào thải ra ngoài.

Song, vẫn xác của các virus đã bị tiêu diệt còn nằm vương vãi đâu đó trong cơ thể và dần được “thu gom” trong thời gian hồi phục và việc xét nghiệm RT-PCR vẫn cho kết quả là dương tính với virus.

Song, các giả thuyết chỉ là giải thuyết, để biết chính xác về bản chất vấn đề tái dương tính các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về bản chất của SARS-CoV-2.

Không phải tái nhiễm mới

Những bệnh nhân mắc Covid-19 được tuyên bố khỏi bệnh nhưng lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 thực tế đang trong quá trình đào thải các tế bào phổi đã chết chứ không phải tái nhiễm mới. Đây là kết luận do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 6/5 khi đề cập đến một số ca tái dương tính sau khi xuất viện tại Hàn Quốc.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể những người mắc Covid-19 sẽ tạo ra kháng thể bắt đầu từ khoảng một tuần hoặc lâu hơn sau khi nhiễm bệnh hoặc xuất hiện các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ liệu cơ thể có tạo ra khả năng miễn dịch đủ mạnh để không bị lây nhiễm trở lại hay không và hoặc nếu có, hệ miễn dịch này sẽ có tác dụng trong bao lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái dương tính với virus SARS-CoV-2: Không nên hoang mang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO