Hưởng ứng cam kết cùng đồng hành bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều tôn giáo trên cả nước đã tích cực vào cuộc với những hành động thiết thực. Nhiều mô hình hiệu quả ra đời đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các tín đồ, chức sắc tôn giáo, cùng chung tay BVMT tại mỗi địa bàn dân cư.
Các tôn giáo trên địa bàn TP Hà Nội phát động trồng cây, bảo vệ môi trường.
Nhiều mô hình sáng tạo
Năm 2016, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH” tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015-2020 với 5 nội dung, 7 mục tiêu, giải pháp.
Sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổ chức NCA Việt Nam tổ chức Hội nghị Toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.
Chia sẻ kinh nghiệm BVMT và ứng phó với BĐKH, Mục sư Trần Thanh Truyện- Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam cho biết, Giáo hội đã hướng dẫn các Hội Thánh, điểm nhóm hưởng ứng lời kêu gọi của UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ động triển khai bằng những hành động cụ thể. Giáo hội cũng nhận thức được rằng thiếu niên là thế hệ tương lai của đất nước, nên việc giáo dục phải bắt đầu từ các cháu thiến niên. Do đó, Giáo hội đã in ấn và xin giấy phép phổ biến 12 cuốn sách viết về môi trường, chất lỏng, không khí dành cho các cháu thiếu nhi. Ban Thiếu nhi đã tổ chức Kinh Thánh hè trong năm 2019 trên 34 tỉnh thành cả nước.
Thượng Chánh Phối Sư Huỳnh Thanh Phong- Phó Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên (ấp Chánh Đồng, xã Tiên Thủy, Huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: Để BVMT và ứng phó với BĐKH, các Hội Thánh Cao Đài đã thống nhất hướng dẫn toàn đạo cùng cộng đồng BVMT, triển khai trong các khóa học hạnh đường của chức sắc, các buổi đạo tràng… “Thông qua những buổi họp đạo chính là mô hình tuyên truyền hiệu quả nhất hiện nay, như vận động bổn đạo không bỏ rác bừa bãi, không vứt động vật chết ra môi trường, khai thông cống rãnh, xử lý rác đúng nơi quy định, không xả thải ra môi trường khi chưa xử lý; tuyên truyền bà con mua bồn chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhất là vùng bị nhiễm mặn”-Thượng Chánh Phối Sư Huỳnh Thanh Phong chia sẻ.
Ở góc độ khác, Sư cả Thường Xuân Hữu- Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Bàlamôn, tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong sinh hoạt hằng ngày, Hội đồng Chức sắc đã vận động tín đồ giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác, xả thải bừa bãi ra ngoài đường và nơi công cộng. Bên cạnh đó, các chức sắc phải giảm thiểu sử dụng túi nylon, bao bì, vật đựng bằng nhựa khó tiêu hủy. Trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, các tín đồ đạo Bàlamôn cũng luôn giữ vệ sinh môi trường mỗi khi tổ chức các lễ hội, lễ nghi tôn giáo. Trong lễ hỏa táng chỉ dùng củi khô, không kéo dài để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
“Do đó nạn chặt phá rừng bừa bãi để khai thác gỗ, làm rẫy, hầm than không còn. Nông dân giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại, việc giữ gìn nguồn nước sạch được tốt hơn. Đường nội thôn ở các địa hạt trong cộng đồng Bàlamôn giáo dần dần được bê tông hóa, mô hình con đường Xanh- Sạch- Đẹp được nhân rộng. Hiện nay, hầu hết các thôn của đạo Bàlamôn đều có các công trình nước sạch, nhà tiêu nhà tắm hợp vệ sinh. Tình trạng vứt rác, xả nước thải bừa bãi ra đường không còn phổ biến như trước đây. Gia súc đều được nuôi nhốt trong các chuồng trại, không thả rông làm mất vệ sinh môi trường”- Sư cả Thường Xuân Hữu nói.
Nhận thức đã đổi thay
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cách thức triển khai các chương trình phối hợp có nhiều sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo, đặc điểm tình hình các địa phương và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Bên cạnh đó, các tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ký chương trình phối hợp hoặc kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ… đã triển khai ký kết chương trình phối hợp ở cấp huyện giữa 3 bên.
Khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, đã có nhiều mô hình, nhiều kinh nghiệm được rút ra, được áp dụng sâu rộng, hiệu quả vào các lĩnh vực. Điều này đã tạo nên sự đoàn kết trong việc phối hợp giữa các bên, qua đó nhân lên những giá trị sống tốt đẹp. Nhiều người lâm vào hoàn cảnh éo le do thiên tai gây ra đã được giúp đỡ kịp thời, hiệu quả.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là không đánh đổi về môi trường để phát triển kinh tế mà sự phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường, kiên quyết nói không với dự án kinh tế gây ô nhiễm, đó là cách phát triển kinh tế bền vững. Thông qua thực hiện chương trình đã khẳng định đường hướng sống “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể; tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị thời gian tới, nhiệm vụ này cần được xã hội hóa, rất cần sự trợ giúp nhiều hơn của các tổ chức quốc tế, thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động được tổng lực thì mới đem lại hiệu quả tốt nhất. “Ngoài ra, việc xây dựng các khu dân cư văn hóa thực chất, cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân”- Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.
Hội nghị Toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong 2 ngày 14-15/10. Hội nghị sẽ đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các tôn giáo và các mô hình trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thống nhất cam kết tăng cường trách nhiệm của tôn giáo về thúc đẩy việc thực hiện Chương trình phối hợp; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương trình phối hợp. Ngoài các phiên toàn thể và phiên chuyên đề trong hội trường, hội nghị còn có hoạt động Hội trại của các tôn giáo với các gian trưng bày kết quả thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bên ngoài hội trường.