Cội nguồn sức mạnh

Ái Châu 25/01/2020 08:00

Nguồn lực lớn nhất của dân tộc không phải là “rừng vàng biển bạc” mà đó là sức mạnh của hơn 100 triệu người ở trong và ngoài nước đồng lòng, muôn người như một. Cội nguồn của sức mạnh đó chính là tinh thần đoàn kết. Và sứ mệnh tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn thuộc về Mặt trận trong 90 năm qua.  Điều này đã được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khẳng định khi mỗi lần trở về dưới mái nhà Mặt trận.

Cội nguồn sức mạnh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Kỳ Anh .

Đối với bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, khi bước đến mái nhà Mặt trận đều cảm nhận được tinh thần đoàn kết. Vì sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò cũng như sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh. Mặt trận luôn nêu cao sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc để thực hiện các mục tiêu chung của dân tộc, của đất nước, tới mỗi cộng đồng dân cư cho đến mỗi cá nhân - con người.

Nhiều năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian để trở về mái nhà Mặt trận trong Ngày hội Đại đoàn kết hay trong các cuộc gặp gỡ lắng nghe ý kiến của các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, các vị trong Đoàn Chủ tịch.

Ở đó, người đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn đề cao tinh thần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại cuộc gặp mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vào hồi đầu tháng 4/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay. Để đạt được thành tựu đó, bài học đầu tiên là sự đoàn kết, thống nhất, sự gặp nhau của lòng dân, ý Đảng. Và ở đó có vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ của các nước trên thế giới.

Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên quan trọng của MTTQ Việt Nam. Đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thực hiện trách nhiệm là thành viên gương mẫu để thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động do MTTQ đề ra. Do đó, Mặt trận gắn bó với Đảng một cách rất mật thiết. Nhưng bên cạnh sự gắn bó, đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì Mặt trận luôn có vị trí đặc biệt và duy nhất trong tất cả những tiến trình đó.

Cội nguồn sức mạnh - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX. Ảnh Quang Vinh.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Mặt trận có sứ mệnh tổ chức đoàn kết, tạo ra các phong trào đoàn kết trong mọi tiến trình phát triển của đất nước. Do vậy, trong giai đoạn nào của Đảng cũng có sự song hành của Mặt trận.

Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể ngay từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI diễn ra hồi đầu năm 2017.

Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng, Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.

Việc Mặt trận đứng ra đóng vai trò chủ trì vận động, tổ chức để nhân dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) sẽ có hiệu quả và tác động trực tiếp đến tham nhũng, đồng thời sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động PCTN của các thiết chế khác trong hệ thống chính trị.

Trên tinh thần này, Mặt trận đã ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018-2020 và thành lập Ban tham mưu về chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018-2020.

Đặc biệt, hơn 5 năm qua, từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Mặt trận đã vào cuộc giám sát quyết liệt từ những bức xúc của nhân dân, góp phần phát huy dân chủ cơ sở, dựng xây làng quê đổi mới, yên bình.

Trong chặng đường hình thành và phát triển, Mặt trận vận động không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói. Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của dân. Lắng nghe nhân dân nói và đi thẳng vào những vấn đề con người là một cách để Mặt trận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết.

Tất cả những mục tiêu lớn lao ấy, đều được người Mặt trận bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhưng rất cụ thể từ mỗi cộng đồng dân cư. Có đi đến Ngày hội Đại đoàn kết ở các khu dân cư mới thấm thía hơn những điều nhỏ bé ấy.

Ngày hội Đại đoàn kết năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, được tổ chức trong thời điểm cả nước hướng tới Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; chào mừng thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Cội nguồn sức mạnh - 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn về dự Ngày hội Đại Đoàn Kết với bà con ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc Trung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong những lãnh đạo thường xuyên về dự với người dân trong Ngày hội Đại đoàn kết. Bản thân người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ông thường sinh hoạt ở cơ sở và dù ở cương vị nào ông cũng thấy rất rõ vai trò cán bộ Mặt trận ở cơ sở vì “các đồng chí nói là dân tin, dân nghe”.

Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, có những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết rốt ráo từ mỗi địa bàn cơ sở, việc nhỏ sẽ “góp gió thành bão” khiến lòng dân “dậy sóng”, địa bàn không thể yên ổn.

Nếu địa bàn dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Vì mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Vì thế, từ Ngày hội Đại đoàn kết, Thủ tướng cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến nhân dân hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, ở cơ sở. Cho nên, theo Thủ tướng, cán bộ, đảng viên ngoài năng lực, phẩm chất hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phong cách, tư tưởng, tinh thần đoàn kết là một tiêu chuẩn quan trọng.

Bây giờ, trong rất nhiều hoạt động của Mặt trận ở khu dân cư, Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành ngày hội của lòng dân để hướng về kỷ niệm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11). Ở đó có sự sẻ chia ấm áp mà làng xóm láng giềng dành dụm cho nhau, là những cuộc hạnh ngộ thân tình. Cứ thế, dưới mái nhà Mặt trận, mối quan hệ gia đình - làng xã - quốc gia lại thêm bền chặt. Bức tranh hội tụ mang đậm màu sắc Mặt trận như một biểu tượng sinh động cho khối đại đoàn kết, trở thành chất keo gắn kết, nhân lên sức mạnh từ mỗi cộng đồng dân cư.

Tại Ngày hội Đại đoàn kết ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm, sau 16 năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa, đưa công tác Mặt trận gắn liền với cộng đồng dân cư.

Đây là dịp để các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương trở về với dân. Hoà chung một chén rượu nồng, bắt nhịp một bài ca, kết nối tình thân chan chứa. Ngày hội đã trở thành nơi hội tụ của lòng dân.

Cội nguồn sức mạnh - 3

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm hỏi bà con nhân dân thôn Nà Tẳng, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn trong Ngày hội Đại đoàn kết.

16 năm trước, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy Ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư.

Mục đích ban đầu của Ngày hội là ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, là dịp để báo cáo những kết quả hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhưng sau 16 năm, Ngày hội không chỉ là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ của một số người tích cực trong hoạt động xã hội mà trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi bạn bè thân hữu gặp gỡ, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân.

Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết càng thêm ý nghĩa hơn khi có sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết Ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt…

Bức tranh hội tụ ấy chính là biểu hiện sinh động nhất biểu dương cho lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ tính đúng đắn, ý nghĩa chính trị, xã hội một cách sâu sắc về chủ trương thực hiện. Chính vì vậy, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ trương tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam từ năm 2003 đến nay luôn được Mặt trận các cấp triển khai có hiệu quả, tạo ra một diễn đàn dân chủ của hơn 100 ngàn khu dân cư trong cả nước.

Trên cương vị là người đứng đầu MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ sự xúc động mỗi lần về với khu dân cư trong Ngày hội Đại đoàn kết là thêm một lần cảm nhận được sự hân hoan, hồ hởi, rạng rỡ trên từng gương mặt từ em nhỏ cho đến các cụ già.

“Ngày hội chính là cầu nối để nhân dân ở các khu dân cư tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tạo sự đồng lòng, nhất trí để đưa mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động cùng đi đến thắng lợi” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Cội nguồn sức mạnh - 4

Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao quà cho các gia đình tiêu biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết trên địa bàn dân cư số 10, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ảnh: Tiến Đạt.

Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 89 năm qua đã minh chứng.

Đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.

Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - một không gian sinh động, nơi giới thiệu, bảo tồn di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em vào đúng ngày 18/11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cầu nối tin cậy giữa nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn, một trong những nhiệm vụ tiên quyết của Mặt trận cần làm là tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc để Tổ quốc ta, nhân dân ta đi tới được bến bờ thành công và thịnh vượng, để đồng bào 54 dân tộc anh em không kể miền xuôi hay miền ngược phát triển đồng đều, không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Thủ tướng, nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em. Truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay.

Vì vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cần phải tiếp tục đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh trong dân để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Cội nguồn sức mạnh - 5

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quà cho các hộ dân trong Ngày hội Đại đoàn kết tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quốc Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cội nguồn sức mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO