Ngày 2/8, tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã nhắc tới bản lĩnh, ý chí người Việt Nam từ việc sản xuất và tiêu dùng hàng Việt, góp phần xây dựng một nền kinh tế tự lực tự cường.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Trung ương CVĐ; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện CVĐ 10 năm qua.
Phát huy nguồn nội lực to lớn
Cách đây 10 năm, Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được ban hành. Thông báo số 264 đã khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong khâu tổ chức thực hiện khi quyết định thành lập ban chỉ đạo cuộc vận động ở 2 cấp: cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành phố và tương đương. Ban Chỉ đạo Trung ương do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban, các thành viên là đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp.
Sau 10 năm thực hiện, thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. CVĐ đã phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Những con số cho thấy dấu ấn thành công từ một CVĐ. Kết qủa này có được là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp, ngành Công thương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp…nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.
Cũng từ sự chuyển mình của CVĐ trong 10 năm qua, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Dù hiện nay, còn nhiều bất cập như công tác tuyên truyền chưa rộng khắp, công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để, thậm chí có doanh nghiệp đã lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi...thì hành trình 10 năm của CVĐ đã tạo nên một dấu mốc quan trọng để khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực tận tâm của Mặt trận các cấp trong việc vận động ưu tiên dùng hàng Việt.
Tinh thần này chính là động lực để CVĐ bước tiếp với những thử thách mới nhất là trong thời điểm nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, nhiều hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới và sức ép sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng quyết liệt hơn.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.
Tháo gỡ những khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện CVĐ có kết quả”.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, việc triển khai CVĐ vẫn còn nhiều gặp khó khăn, thách thức. Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết.
Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả CVĐ, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ.
Đồng thời, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung – cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Không để đánh mất niềm tin của người tiêu dùng
Trong nhiều năm qua, với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các đồng chí trong Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam là thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều cuộc làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương để nêu cao tinh thần chủ đạo của cuộc vận động.
Trong đó nhấn mạnh các Ban chỉ đạo, các đơn vị liên quan cần tiếp tục cố gắng, sáng tạo, tìm ra cách làm phù hợp với thực tiễn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng hóa Việt Nam và không để đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm CVĐ, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, CVĐ đã thể hiện ý Ðảng hợp với lòng dân, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian tới Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát chính sách, nghiên cứu đánh giá thực tiễn đối với việc tiêu dùng hàng hóa trong nước, chính sách nào hiệu quả, chính sách nào còn vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thị trường, thuế và hải quan; xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa; các doanh nghiệp thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối để đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, nhất là vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất.
“Mỗi địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, phối hợp và tiếp tục đổi mới phương thức vận động để CVĐ hiệu quả hơn nữa. Từ đó huy động được tất cả đoàn viên, hội viên và người Việt ở trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng CVĐ”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao bằng khen cho Báo Đại Đoàn Kết và các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền về CVĐ.
* Báo Đại Đoàn Kết nhận Bằng khen trong tuyên truyền ưu tiên dùng hàng Việt
Hội nghị cũng đã biểu dương 82 tập thể, 147 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Báo Đại Đoàn Kết và Phóng viên Lai Vũ Mạnh, Ban Công tác Mặt trận vinh dự được nhận bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền về CVĐ.
* Phó Thủ tướng Chính phủTrịnh Đình Dũng: Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể
CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là động lực, yêu cầu khách quan để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt cần phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.
* Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thiết lập chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa
Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 về việc tăng cường CVĐ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu và xây dựng Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020”. Đến nay, sau 5 năm triển khai, Đề án đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy giải quyết các bất cập trong bối cảnh khi Đề án được phê duyệt. Việc thực hiện hiệu quả Đề án đã đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, từ đó thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất – người tiêu dùng, Trung ương – địa phương, doanh nghiệp – cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.
* Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế: Ưu tiên sử dụng thuốc Việt
Bộ Y tế luôn xác định chất lượng thuốc là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị bệnh và quyết định việc lựa chọn thuốc, kê đơn thuốc. Bộ Y tế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiền kiểm và hậu kiểm để nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước để phục vụ nhân dân. Đến nay, trên cả nước đã có 198 nhà máy sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc – WHO-GMP; 11 nhà máy trong đó đã đạt Nguyên tắc tiêu chuẩn GMP của các nước EU, Nhật Bản, Mỹ hay PIC/S. Đặc biệt hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm thuốc đã lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường. Nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng ở Việt Nam trong những năm gần đây ở mức rất thấp (năm 2018 là 1,32%).
* Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op): Sứ mệnh đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng
Là doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển hàng Việt, Saigon Co.op không chỉ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa hàng Việt đến tận tay người Việt, mà còn chứng minh cam kết của Saigon Co.op trong việc hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển với các nhà sản xuất Việt Nam, đồng thời góp phần tác động tích cực trong việc nâng cao mối quan hệ tiêu dùng giữa doanh nghiệp Việt và khách hàng theo định hướng chung của CVĐ. Tính đến hiện tại, 690 điểm bán thuộc hệ thống của Saigon Co.op đã trải dài khắp 43 tỉnh thành trên cả nước được người tiêu dùng hàng Việt tín nhiệm và ủng hộ nhiệt tình. Tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op hiện nay đã đạt hơn 90%.
* Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang: Khẳng định nỗ lực từ Ban chỉ đạo các cấp
Bắc Giang được biết đến như một điển hình trong xúc tiến hàng nông sản, nhất là công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều những năm gần đây không ngừng được nâng tầm về quy mô, sáng tạo và mỗi năm lại có cách làm mới. Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực được tổ chức hằng năm đã có sức lan tỏa lớn, tiêu thụ thuận lợi; được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao. Thông qua diễn đàn đã nhận được sự chia sẻ, cam kết mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tôi đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Để làm được điều này, hằng năm, Ban Chỉ đạo các cấp đều xây dựng Kế hoạch hoạt động gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị; việc tổng kết hằng năm, đề ra nhiệm vụ cho năm tiếp theo được thực hiện nề nếp.