Sức sống từ những phong trào mang 'màu sắc' Mặt trận

Trần Duy Hưng 16/09/2019 19:00

Công tác Mặt trận ở Nam Định gắn liền với các phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không”, “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”, “Chùa tinh tiến”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”...

Đây là những phong trào mang đậm “màu sắc” công tác Mặt trận ở địa phương, được nhiều thế hệ lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, đội ngũ cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở dầy công chăm lo xây dựng, đến nay vẫn đang ngày càng thấm sâu, lan tỏa ở khắp các làng quê, xứ đạo trong tỉnh...

Sức sống từ những phong trào mang 'màu sắc' Mặt trận

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định, ngành chức năng và đại diện các tổ chức tôn giáo ở Nam Định ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Lương Hùng Tiến- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định, các phong trào trên được Mặt trận tỉnh xây dựng, phát động trên cơ sở vận dụng, cụ thể hóa các CVĐ lớn do Mặt trận Trung ương xây dựng, phát động vào tình hình thực tế ở địa phương. Tên gọi khác nhau, nhưng các phong trào trên đều hướng vào mục đích chung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hành đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền…

Trong rất nhiều hành động thiết thực nhân dân Nam Định hưởng ứng tuyên tuyền, vận động của Mặt trận thời gian qua, việc người dân ở khắp các làng quê, xứ đạo trong tỉnh thực hiện hiến, góp đất cùng Nhà nước mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông cùng nhiều công trình phúc lợi công cộng khác trên địa bàn KDC thể hiện rất rõ “lòng dân”, tinh thần chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định chia sẻ, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương, mục tiêu có tính chiến lược, là khát khao không chỉ của riêng tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, làm thế nào để có đủ kinh phí để hiện thực hóa mục tiêu cần thiết nhưng tốn kém này là bài toán rất khó giải với tỉnh. Trong bối cảnh đó, Nam Định chủ trương phát triển hạ tầng giao thông theo phương châm xây dựng nông thôn mới, cụ thể là nhân dân góp, hiến đất, Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường.

Thực hiện chủ trương này, những năm qua, cùng với hệ thống chính trị trong tỉnh, Mặt trận và các tổ chức thành viên ở Nam Định đã tích cực nhập cuộc, vừa tuyên truyền, vận động, giải thích; vừa động viên, phát huy vai trò gương mẫu của gia đình các cán bộ, đảng viên; tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín trong công đồng, chức sắc các tôn giáo..., qua đó giúp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa to lớn của chủ trương này; chung sức, đồng lòng, hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể thiết thực.

Đặc thù của Nam Định là có rất đông tín đồ các tôn giáo (đạo Phật có trên 800 ngôi chùa, trên 30 vạn Phật tử đã quy y tam bảo; Công giáo có 172 nhà thờ xứ, 490 nhà thờ họ, trên 47 vạn giáo dân, chiếm 25% dân toàn tỉnh). Xây dựng, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, hòa hợp trong các tôn giáo, giữa các tôn giáo; làm tốt vai trò cầu nối giữa các tôn giáo với cấp ủy, chính quyền địa phương là nhiệm vụ luôn được đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở ở Nam Định chú trọng, chăm lo.

Các phong trào xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”, xây dựng “Chùa tinh tiến”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”... từ đó lần lượt được Mặt trận tỉnh xây dựng, phát động, duy trì thực hiện. Mục đích, nội dung các phong trào đều mang những ý nghĩa thiết thực nên kể từ khi được Mặt trận tỉnh phát động đến nay, các phong trào luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tôn giáo ở địa phương, làm nên sức sống, sức lan tỏa lâu bền, mạnh mẽ. Theo đó, ở Nam Định, chuyện các nhà sư, linh mục đi quyên tiền giúp người nghèo xây nhà, mua bảo hiểm y tế; giúp làng quê, xứ đạo làm đường, xây trường, xây nhà văn hóa; dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động tín đồ làm những việc hữu ích như bảo vệ môi trường; phòng chống tội phạm, tệ nạn; chăm lo xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình...có rất nhiều.

Ở Chùa Quế Phương (xã Hải Tây, Hải Hậu), Thượng tọa Thích Thanh Cần không chỉ được biết đến là nhà tu hành đã cưu mang, nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi mà còn được biết đến là người có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương.

Chuyện rằng, khi nhân dân xóm 12 (xã Hải Hà, cùng huyện Hải Hậu-NV) tổ chức làm con đường bê tông dài hơn 1 km, Thượng tọa đã đứng ra vận động, quyên góp ủng hộ toàn bộ vật liệu. Rồi, cũng nhờ có Thượng tọa “xắn tay”, nhiều hộ nghèo ở địa phương được dọn về ở trong những ngôi nhà mới. Ấy là khi Hội Phụ nữ xã Hải Tây phát động quyên góp trong hội viên giúp một hội viên xây mới lại ngôi nhà đã cũ nát. Khổ nỗi, cố lắm Hội cũng chỉ quyên góp được một nửa số tiền, số còn lại chưa biết vận động thêm ở đâu? Biết chuyện, Thượng tọa không ngần ngại đi quyên góp để ủng hộ Hội số tiền còn thiếu. Không chỉ có vậy, nhiều năm qua, hằng tháng Thượng tọa còn duy trì việc ủng hộ tiền cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở ba xã Hải Tây, Hải Đông, Hải Long mỗi em 50.000 đồng/tháng. Vào đầu năm mới, Thượng tọa đều tổ chức gặp mặt con em quê hương đang theo học tại các trường Cao đẳng, Đại học, trao quà, khích lệ, giúp các em và gia đình ý thức rõ hơn tầm quan trọng của việc phải nỗ lực học hành...

Cũng với tinh thần “tốt đạo, đẹp đời”, khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, linh mục Đỗ Văn Thực- Chánh xứ Đền Thánh Hưng Nghĩa (xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) cũng có những việc làm rất thiết thực. Khi đó, xã có kế hoạch mở rộng toàn bộ hệ thống đường trong ngõ, trong đó có 2.400m đường ngang trong địa bàn giáo xứ. Việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, vi phạm vào 700m2 đất thổ cư của 68 gia đình giáo dân trong khi không có nguồn đền bù. Không đứng ngoài cuộc, Linh mục Đỗ Văn Thực đã họp bàn với giáo dân, phân tích thiệt hơn, động viên bà con hiến đất phục vụ việc chung, thiết thực thể hiện vai trò, trách nhiệm. Đáp lời linh mục, chỉ trong ít ngày các hộ dân thuộc diện giải tỏa đã tự nguyện tháo dỡ công trình, bàn giao đầy đủ mặt bằng. Khó khăn mới lại phát sinh khi địa phương không có đủ tiền thực hiện, Linh mục lại tham gia tháo gỡ bằng cách vận động giáo dân, con em giáo xứ xa quê ủng hộ, số tiền thu được sau đó lên tới 600 triệu đồng, bản thân Linh mục ủng hộ thêm 200 triệu đồng. Nhờ vậy con đường trên sớm được hoàn thành, rộng tới 9 m, có đủ cây xanh, vỉa hè, đường thoát nước, điện chiếu sáng, được xem là con đường nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặt trận Nam Định thống kê được rằng, chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã quyên góp, xây mới và hỗ trợ sửa chữa hơn 200 nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương tặng người nghèo. Đồng bào Công giáo trong tỉnh hiến trên 20.000 m2, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông, và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Những việc làm cụ thể, thiết thực trên của đồng bào có đạo trong tỉnh đã góp phần quan trọng để đến nay Nam Định là tỉnh đã có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

Nhưng trên hết, điều ý nghĩa nhất các phong trào thi đua trong đồng bào có đạo ở Nam Định mang lại là sự gắn kết, hòa hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tôn giáo và giữa các tôn giáo. Điều đó, được thể hiện qua hình ảnh: vào các ngày lễ trọng của Phật giáo, Công giáo không khi nào vắng mặt lãnh đạo tỉnh tới thăm hỏi, chúc mừng các vị chức sắc và tín đồ. Sự đoàn kết, hòa hợp còn thể hiện qua nhiều hoạt động thể thao, văn hóa do Mặt trận tỉnh tổ chức. Ở đó, lãnh đạo tỉnh và các nhà tu hành cùng ra sân đá bóng, đánh cầu; đứng chung sân khấu hát chung những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước...

Nhân dân ở các làng quê, xứ đạo trong tỉnh Nam Định đã hiến, góp cho Nhà nước, cho làng, cho xã, cho xứ đạo gần 3.200 ha đất (2.916 ha đất nông nghiệp; 242 ha đất thổ cư) cùng nhiều ngày công để làm mới, nâng cấp hệ thống hạ tầng. Giá trị hiến, góp ước tính lên tới trên 6.000 tỉ đồng... “Thực tế, không phải ở đâu, lúc nào người dân cũng sẵn sàng hiến, trả, góp đất. Đây là tâm lý rất dễ hiểu vì đất đai là tài sản quý. Khi đó, không có cách nào khác ngoài việc cán bộ Mặt trận, cán bộ các đoàn thể phải kiên trì, dày công tuyên truyền, vận động”- ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức sống từ những phong trào mang 'màu sắc' Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO