Các nước đang tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ra sao?

Hà Anh 21/10/2021 06:59

Việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từng không được chú trọng trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, thế nhưng với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, đặc biệt là biến thể Delta, nhóm đối tượng này cũng rất cần được bảo vệ trước sự tấn công mạnh mẽ của virus.

Nhận thấy sự cần thiết

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, trẻ em được xếp vào nhóm ít tổn thương, hiếm có khả năng diễn biến nặng khi mắc virus hơn so với người lớn. Tuy nhiên, điều này không còn đúng nữa kể từ khi biến thể Delta xuất hiện. Bằng chứng là số trẻ em nhập viện và tử vong vì Covid-19 gia tăng ở nhiều nước. Thực tế này khiến hàng loạt nước trên thế giới đã đưa ra quyết định hạ độ tuổi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên nhằm bảo vệ thế hệ trẻ cũng như bảo vệ cả cộng đồng.

Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, sau khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta. Cùng thời điểm, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. EMA khẳng định tiêm chủng cho trẻ em sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro. Kể từ đó, các nước thành viên EU đã thực hiện tiêm cho trẻ em với tốc độ khác nhau.

Ông Chris Whitty, Trưởng ban Cố vấn khoa học Chính phủ cho biết, giới chức y tế nước này khuyến nghị tiêm một liều vaccine cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi và chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Ông Whitty nhận định, vaccine là “công cụ quan trọng và hữu ích” trong việc mở cửa trở lại trường học.

Nhiều nước Đông Nam Á cũng đã tiêm chủng cho trẻ em kể từ tháng 5. Philippines ngày 26/5 quyết định sử dụng vaccine Pfizer cho người từ 12 đến 15 tuổi theo chương trình khẩn cấp, các em được tiêm chủng kể từ ngày 15/10. Indonesia ngày 28/6 khuyến nghị tiêm vaccine Sinovac cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Singapore cũng mở rộng chương trình tiêm chủng cho đối tượng này trong tháng 6.

Tháng 6, Trung Quốc bắt đầu tiêm vaccine Sinovac cho trẻ từ 3 đến 17 tuổi. Quốc gia này đặt mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số 1,4 tỷ người vào cuối năm nay. Tháng 9, Cuba trở thành nước đầu tiên tiêm chủng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Chính phủ sử dụng vaccine nội địa. Nước này vẫn chưa công bố dữ liệu về vaccine, song đã nộp đơn xin phê duyệt lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 15/9.

Chile, El Salvador và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã phê duyệt vaccine cho trẻ nhỏ. Tại Chile, trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể tiêm vaccine Sinovac. Trong khi đó, UAE đang tiêm vaccine Sinopharm cho người từ 3 tuổi trở lên.

Thời điểm hiện tại, giới chức y tế Mỹ đang lên kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi 5-11, khuyến nghị giới chức các bang đặt mua vaccine trước khi chúng được phê chuẩn sử dụng cho nhóm này. Vaccine Pfizer/BioNTech hiện được sử dụng cho nhóm công dân Mỹ từ 12 tuổi trở lên. Trong 2 tuần tới, giới chức liên bang sẽ thảo luận kế hoạch cung cấp các phiên bản vaccine với liều lượng thấp hơn cho 28 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-11 trên toàn quốc.

Covid-19 đặc biệt nguy hiểm với người lớn tuổi - những người có tỉ lệ nhập viện và tử vong cao hơn trẻ em. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa trẻ em không có nguy cơ mắc bệnh nặng. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), đến nay, đã có hơn 540 trẻ em thiệt mạng vì Covid-19 tại nước này. Ngành y tế tin rằng tiêm phòng cho trẻ em cũng có vai trò quan trọng trong việc hạn chế virus lây lan sang nhóm dân số trưởng thành dễ mắc Covid-19.

Những khó khăn

Khi trường lớp mở cửa trở lại, hạn chế thời Covid-19 đã nới lỏng, phụ huynh lo lắng về việc đưa con cái đi học một cách an toàn trong bối cảnh biến thể Delta vẫn lây lan. Dữ liệu trước đó cho thấy người trẻ ít có nguy cơ chuyển nặng sau nhiễm virus. Song tình hình thay đổi sau khi biến thể Delta xuất hiện.

Trong khi đó, vì tình trạng bất bình đẳng toàn cầu hoặc thái độ hoài nghi, một số nước vẫn chật vật để tiêm liều đầu cho người trưởng thành, việc chủng ngừa cho trẻ nhỏ còn gặp nhiều khó khăn

Hiện chỉ 1,9% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vaccine. Như vậy, hàng tỷ người vẫn có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao nếu tiếp xúc với virus.

Đến nay, chưa có nước nào phê duyệt hoàn toàn vaccine cho trẻ nhỏ. Các em được tiêm chủng theo chương trình khẩn cấp. Song tại nhiều quốc gia, vaccine cho đối tượng này thậm chí là giấc mơ xa vời, bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung nói chung. Số khác gặp trở ngại với thái độ hoài nghi của người dân.

Haiti mới khởi động tiêm vaccine vào tháng 7, sau khi nhận được 500.000 liều do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế Covax. Đến nay, dưới 1% trong số 11,4 triệu dân của đất nước đã tiêm chủng, trong đó một phần ba là dưới 14 tuổi.

Cộng hòa Dân chủ Congo mới tiêm hơn 120.000 liều vaccine, bảo vệ cho 0,1% của dân số 90 triệu người. Tháng 9, quốc gia nhận được 250.000 liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ thông qua cơ chế Covax.

Tuy nhiên, thái độ hoài nghi vaccine tại Congo còn cao, thậm chí ở cả các nhà lãnh đạo. Tháng 3, hơn 1,7 triệu liều AstraZeneca được chuyển đến Kinshasa, nhưng chính phủ trì hoãn tiêm chủng vì các ca đông máu hiếm gặp trên thế giới, sau đó bán khoảng 75% lô hàng này cho nước khác.

Tổng thống Congo Félix Tshisekedi đã tiêm vaccine Covid-19 và nói “bằng hành động này, tôi muốn cho người dân thấy rằng tiêm vaccine là điều thực sự cần thiết”. Tổng thống Tshisekedi cho biết, vợ ông cũng đã tiêm vaccine và kêu gọi những người khác đi tiêm chủng, vì điều này cứu sống chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các nước đang tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO