Các tỉnh, thành phía Nam: Không để dịch bùng phát trở lại

ĐỊNH VINH - TRÍ GIANG 05/11/2021 10:56

Thời điểm này, các tỉnh, thành phía Nam đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chủ quan, lơ là, dịch bệnh có thể bùng phát mạnh trở lại bất kỳ lúc nào. Do đó, người dân cần cẩn trọng và thực hiện tốt 5K.      

Nhìn chung, các tỉnh Đông Nam bộ như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh,... cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, vài ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 ở một số địa phương có dấu hiệu tăng trở lại. Lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành khuyến cáo người dân không nên chủ quan lơ là.

F0 tăng ở gia đình, doanh nghiệp

Khoảng 3 ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Đồng Nai có dấu hiệu tăng. Ngày 4/11, thông tin với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong vòng 24h (tính đến 22h ngày 3/11) toàn tỉnh ghi nhận thêm 944 ca mắc Covid-19. Một số địa phương có ca mắc mới cao như tại thành phố Biên Hòa với 388 ca; Trảng Bom 136 ca, Nhơn Trạch 135 ca, Vĩnh Cửu 111 ca…Về số ca mắc mới trong cộng đồng, lũy kế trong 7 ngày là 1.101 ca (tăng 51,0% so với 7 ngày trước đó).

Theo ông Vũ, liên tục khoảng nửa tháng, tỉnh Đồng Nai ghi nhận số ca nhiễm thấp, nhưng đến ngày 2/11 vượt cả TP HCM và Bình Dương về số ca mắc mới trong ngày.

Trong khi đó, ngày 1/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận, số ca mắc mới ở TP HCM là 927 ca mắc mới, giảm 114 ca trong 24 giờ. Ngày 2/11, thành phố tiếp tục ghi nhận ca nhiễm giảm với 682 ca nhiễm. Tuy nhiên, đến ngày 3/11, số ca nhiễm mới ở thành phố lại đột ngột tăng lên con số 985 ca.

Tại Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 (tầng 3 trong tháp điều trị Covid-19), lượng bệnh nhân cũng tăng liên tục trong 5 ngày qua. Từ cuối tháng 10 đến nay bệnh nhân nhập viện tăng rõ rệt, trung bình khoảng 30 ca nhiễm mỗi ngày.

Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, ngày 30/10 ghi nhận 665 ca, ngày 31/10 có 672 ca, ngày 1/11 có 682 ca, ngày 3/11 có 773 ca. Riêng ngày 2/11 có thêm 780 ca (tăng 14,4% so với ngày 1/11) và 19 bệnh nhân tử vong. Địa phương có trường hợp dương tính nhiều nhất là ở thị xã Bến Cát, thành phố Dĩ An, thị xã Tân Uyên.

Khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre cũng đồng loạt tăng trở lại. Thậm chí, ở nhiều ngày số ca nhiễm được ghi nhận cao gấp 2 lần so với thời gian trước.

Tại tỉnh Tây Ninh, số mắc mới cũng ghi nhận tăng rất nhanh. Ngày 2/11, có 131 F0, ngày 3/11 lên 272 F0. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh quan ngại, những ngày tới tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh Tây Ninh đang phong toả 167 khu vực liên quan đến các ca F0, thực hiện cách ly tập trung tổng cộng gần 2.000 người và cách ly tại nhà, nơi cư trú 3.836 người.

Tây Ninh tích cực tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Quốc Định.

Không lơ là phòng, chống Covid-19

Chia sẻ về nguyên nhân số ca F0 nhập viện còn cao, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM phân tích, có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, khi các cơ sở thu dung tại địa bàn quận huyện thu gọn lại, những bệnh nhân đang điều trị tại những nơi này sẽ được đưa vào các bệnh viện.

Thứ hai, khi các công ty, xí nghiệp, nhà máy bắt đầu hoạt động, việc xét nghiệm nhanh định kỳ được triển khai. Từ đó, phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính nằm trong lực lượng lao động từ các tỉnh thành đổ về.

Tuy nhiên, do các xí nghiệp, nhà máy không đủ điều kiện cách ly, phần lớn người lao động sẽ được đưa vào bệnh viện để đảm bảo an toàn. Thứ ba, đối với trường hợp lao động nghèo mắc Covid-19, sống tại khu nhà trọ, khu lưu trú không đủ điều kiện cách ly tại nhà, những đối tượng này cũng được đưa vào bệnh viện để điều trị chăm sóc tốt hơn.

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, thời gian gần đây do tỉnh không thực hiện kiểm tra phong tỏa, kiểm soát việc người dân di chuyển khiến số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh. Đặc biệt việc truy vết các ca nhiễm rất khó do lịch trình di chuyển phức tạp, khó xác định nguồn lây lan. Ngoài ra, nhiều công ty, doanh nghiệp làm việc trở lại với số lượng đông công nhân tiềm ẩn nguy cơ mắc Covid-19…

Trước tình hình số ca mắc mới đang có diễn biến tăng, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị, các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, công nhân và chủ doanh nghiệp nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Về giải pháp căn cơ, các huyện và thành phố Biên Hòa định kỳ đánh giá cấp độ dịch hàng tuần theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm sớm nhất đạt mục tiêu 100% người dân toàn tỉnh được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.

Tại TP HCM, chính quyền yêu cầu, người dân ngay khi trở về TP HCM từ các tỉnh khác cần khai báo y tế với Trạm Y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đồng thời, lực lượng chức năng rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của người dân từ các tỉnh, thành khác trở về cư trú trên địa bàn. Tổ chức tiêm chủng ngay cho người chưa được tiêm đầy đủ, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp…

Nhiều biện pháp để “sống chung với dịch”

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 (tính đến hết tháng 10/2021), Bình Dương là một trong những nơi có tỷ lệ ca mắc cao nhất nước so với số dân. Thế nhưng tỷ lệ tử vong lại khá thấp và việc kiểm soát dịch bệnh tại địa phương này được đánh giá là nhanh hơn so với nhiều địa phương khác. Đồng thời cũng là địa phương xây dựng nhiều mô hình, giải pháp hay để phục hồi kinh tế và sống chung an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình dịch lại có vẻ căng thẳng tại Bình Dương với số ca mắc và tử vong tăng nhanh.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân số ca mắc dịch Covid-19 tăng là do người lao động bắt đầu trở lại làm việc tập trung, trong đó có không ít người trở về địa phương sau thời gian về quê. Ngoài ra, việc người dân được tự do đi lại, buôn bán,…cũng là nguyên nhân làm phát sinh những ca mới.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, tỉnh Bình Dương đang thực hiện chủ trương cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Tỉnh đã sắp xếp và tinh gọn lại các bệnh viện dã chiến trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, để “sống chung với dịch” mỗi huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Bình Dương đều giữ lại một khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Các Trung tâm y tế được giữ lại bộ phận điều trị Covid-19 tầng 2 với 10 - 20 giường ICU để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh có triệu chứng. Đồng thời, duy trì 153 trạm y tế lưu động trong khu dân cư, khu công nghiệp để đưa y tế đến gần với người dân, công nhân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tỉnh, thành phía Nam: Không để dịch bùng phát trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO