Các tôn giáo chung tay vì hạnh phúc của cộng đồng

Phương Liên - Nguyễn Quốc - Lam Hồng 17/11/2020 16:00

Là đất nước có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, trong những năm qua, triết lý nhân sinh “tốt đời đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo và nhân dân Việt Nam sống trong mái nhà chung Mặt trận. Vì vậy, mái nhà Mặt trận luôn ấm áp tình nghĩa đồng bào.

Mái nhà ấy luôn rộng mở với bất cứ ai là con dân nước Việt có chung một mục tiêu, khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần đó, các tổ chức tôn giáo đều có những đóng góp sôi nổi trong các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận khởi xướng nhằm đem lại những giá trị lợi ích vì hạnh phúc của cộng đồng và sẵn sàng chia sẻ khó khăn chung của xã hội.

Một hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, được Giáo hội Phật giáo tổ chức tại An Giang. Ảnh: Quốc Định.

Nêu cao vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường

Hà Nội là trung tâm kinh tế của cả nước. Hà Nội cũng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Việc này kéo theo nhiều sức ép trong việc bảo vệ môi trường. Trước thực trạng đó, các tổ chức tôn giáo đã đưa ra các biện pháp chung tay bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu bằng những việc làm cụ thể nhất.

Để giảm thiểu tác động tới môi trường, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết với 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố để huy động sự tham gia của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, từ 3 mô hình điểm cấp thành phố, đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thêm nhiều mô hình bảo vệ môi trường, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở thờ tự; vận động các tín đồ tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên…

Là địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất huyện Mê Linh (hơn 250ha), trước đây, nhiều người dân ở xã Tiền Phong có thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng. Để thay đổi thói quen xấu này, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, trụ trì chùa Trung Hậu (huyện Mê Linh) đã kiên trì tuyên truyền cho phật tử hiểu rõ hành vi trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Nhà chùa còn gương mẫu trồng nhiều cây xanh, lắp đặt hơn 30 thùng rác để giữ gìn cảnh quan môi trường. Nhờ đó, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường đã được nâng lên một bước đáng kể.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Trị sự GHPG Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay Giáo hội đã đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình Phật sự hàng năm để triển khai đến toàn thể tăng, ni, phật tử. Một trong những đơn vị làm tốt các hoạt động này, điển hình như Ban Trị sự GHPG Việt Nam quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và huyện Sóc Sơn đã vận động nhân dân giảm đốt vàng mã. Các xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên trồng các tuyến đường hoa. Người dân huyện Mê Linh đặt các thùng rác ở khu dân cư. Bà con nhân dân huyện Đông Anh vận động nhân dân thực hiện hỏa táng đạt 86,3%… nên ý thức người dân trong bảo vệ môi trường được nâng lên một bước đáng kể.

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, từ nhiều năm nay Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô xác định việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi tín đồ. Do đó, Giáo hội luôn chú trọng tuyên truyền đến từng cá nhân, từng lớp học, từng nhóm sinh hoạt của các tín hữu.

Các tôn giáo cùng đoàn kết tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Ảnh Quốc Định.

Ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng ban Điều phối Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô cho biết, trong mỗi nhà hội Giáo hội đều có các thùng rác tái chế và rác hữu cơ được đặt trước cửa ra vào; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động về cách ứng xử nơi công cộng cũng như có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh… nên ý thức của các tín hữu trong bảo vệ môi trường có sự thay đổi cơ bản.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, với phương châm gắn đạo với đời, MTTQ thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tín đồ tôn giáo tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.

“Để hoạt động này hiệu quả hơn nữa, Mặt trận các cấp cần thực hiện công khai, dân chủ về chính sách dân tộc, tôn giáo. Cán bộ Mặt trận cần tăng cường gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các chức sắc, chức việc, người tiêu biểu trong tôn giáo; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo, người dân tộc thiểu số” - bà Lan Hương chia sẻ.

Lan tỏa những mô hình điểm

Thời gian qua, các tôn giáo ở các tỉnh, thành phía Nam cũng rất tích cực tham gia chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Kết quả đã xuất nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm, có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng.

Thượng tọa Thích Duy Trấn - Trụ trì Chùa Liên Hoa (phường 8, quận 11, TP HCM) cho biết, ngay từ khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 và Phòng Tài nguyên - Môi trường quận phát động Chương trình “Tôn giáo cùng chung tay tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Tăng chúng và Phật tử chùa đã tham gia quét dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, tuyến hẻm, khai thông cống rãnh, trồng thêm cây xanh trên địa bàn phường 8, dưới sự tham gia, trực tiếp hướng dẫn của Thượng tọa. Công việc này được triển khai hơn 4 năm qua và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Phật tử và người dân.

“Lúc đầu khởi việc, tôi đi vận động bà con, họ nói không tham gia vì cho rằng đó là chuyện của Nhà nước. Nhưng tôi vẫn cứ làm, và kết quả thật bất ngờ, chỉ sau hơn 4 tuần, số lượng người tham gia tăng lên 20 người, rồi 30 người và đến nay đều đặn có khoảng 40 – 60 người. Trong số đó có những người đến từ các quận, phường khác” - Thượng tọa Thích Duy Trấn chia sẻ.

Mặc dù tuổi cao nhưng Thượng tọa Thích Duy Trấn - Trụ trì Chùa Liên Hoa (TP HCM) vẫn cùng người dân dọn vệ sinh đều đặn vào các sáng chủ nhật. Ảnh: Quốc Định.

Công việc của đội dọn vệ sinh bắt đầu từ lúc 5h sáng chủ nhật, kết thúc lúc 6h, đi qua 10 tuyến đường thuộc khu phố 1, khu phố 2 và khoảng một nửa khu phố 3 thuộc phường 8, quận 11. “Trước đây vào tối thứ 7 người dân hay ăn nhậu ngoài vỉa hè, họ xả thức ăn, lon bia, khắp nơi, gây ô nhiễm. Nhưng từ khi thấy tôi và bà con đi dọn vệ sinh, tình trạng xả bừa bãi đó không còn nữa. Tôi rất vui vì từ việc làm của đội mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở đây cũng được nâng lên” - Thượng tọa Thích Duy Trấn khẳng định.

Một hoạt động mang ý nghĩa nữa của chùa Liên Hoa là từ ngày 30/6/1998, Thượng tọa trụ trì chùa yêu cầu tất cả mọi người đến đây không nên đốt nhang, vàng mã, bởi việc này gây tốn kém và làm ảnh hưởng tới môi trường.

Thời gian đầu, quyết định này đã không nhận được sự ủng hộ của bà con vì việc này đã thành thói quen tâm linh. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cùng với sự nỗ lực kiên trì vận động của các thầy trong chùa, bà con đã đồng thuận nghe theo. 20 năm qua, chính nhờ việc không đốt vàng mã mà chùa đã tiết kiệm được khoản kinh phí là 18 tỷ đồng để ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Thành phố Cần Thơ cũng đã tổ chức triển khai đến các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành ở tất cả cơ sở thờ tự và tín đồ của tôn giáo; phát động đăng ký mô hình điểm; tổ chức nhiều buổi lễ phóng sinh thả cá về môi trường. Đồng thời, trồng cây xanh, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các tự viện, nhà thờ, thánh thất, thánh tịnh, nhà ở; xây dựng lò đốt rác, bếp ăn không khói; trang bị thùng rác, thu gom và xử lý rác thải trong sinh hoạt hàng ngày đúng nơi quy định; hạn chế khói nhang khi lễ Phật; thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn.

Trong khi đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức phát động BVMT và ứng phó với BĐKH cho cộng đồng tôn giáo tại Tổ đình Long Khánh và Giáo xứ Gò Thị nhân ngày Môi trường thế giới. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 12/12 huyện, thành phố đăng ký xây dựng mô hình điểm tôn giáo tham gia bảo BVMT, ứng phó với BĐKH. Nhiều mô hình được đánh giá hoạt động hiệu quả được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp ghi nhận đánh giá cao như: Mô hình “Tuyến đường không rác của Giáo xứ Thánh Mẫu; mô hình “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” của Giáo xứ Lạc Viên; “Khu dân cư đoàn kết bảo vệ môi trường” của Hội thánh Tin Lành cơ đốc Phục Lâm; “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” của Hội thánh Tin Lành Cơ đốc Phục lâm huyện Đức Trọng.

Địa chỉ tin cậy của người nghèo

Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (8/180 Phan Bội Châu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là đơn vị y tế từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, được xây dựng trong khuôn viên chùa Hải Đức vào năm 2003. Từ đó đến nay, Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức đã duy trì hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong suốt hơn 15 năm qua.

Đại đức, ThS, Bác sĩ Thích Tâm Quang, Phó Giám đốc điều hành Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức cho biết, năm 2003 với chủ trương trả lại nguyên vẹn cho Quốc tự Diệu Đế, được sự giúp đỡ về mặt bằng từ quý chư tăng chùa Hải Đức và sự hỗ trợ về kinh phí xây dựng, trang thiết bị y tế khám chữa bệnh từ các tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức đã xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ 2004 cho đến nay.

Mỗi năm, Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (Huế) đều tổ chức đi đến các khu vực vùng sâu vùng xa ở các tỉnh miền Trung để thăm khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Phòng khám cũng nhận được sự hợp tác không chỉ của những bác sĩ, y tá, điều dưỡng là những quý tăng ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn có sự chung tay góp sức của cả những cán bộ ngành y đã nghỉ hưu hay đang công tác với trình độ chuyên môn giỏi.

“Hầu hết, các y, bác sĩ, lương y làm việc tại Phòng khám đều là những người đã nghỉ công tác hay làm các công việc khác nên họ không nhận lương tại Phòng khám. Những cán bộ ở đây luôn làm việc với y đức của người thầy thuốc, tận tâm với người bệnh là “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” - Đại đức Thích Tâm Quang chia sẻ.

Bà Trần Thị Lài (71 tuổi, trú tại thành phố Huế) cho biết, do nhà ở gần Phòng khám, tuổi cao nên mỗi khi có ốm đau bà thường xuyên đến đây để khám và bốc thuốc về uống.

“Ngoài việc được miễn phí khi khám bệnh, các bác sĩ, sư thầy, sư cô ở đây đều rất ân cần, tận tình với người bệnh. Thật sự tôi cảm thấy rất an tâm khi đến đây điều trị bởi cơ sở vật chất hiện đại, các y, bác sĩ đều là những có chuyên môn giỏi và rất tận tâm” - bà Lài chia sẻ.

Với tinh thần “Người thầy thuốc từ thiện của Phật giáo”, các y, bác sĩ, lương y của Tuệ Tĩnh đường Hải Đức luôn hết lòng phục vụ bệnh nhân để góp phần đem lại sự bình an cho những bệnh nhân nghèo.

Theo Đại đức Thích Tâm Quang, trung bình mỗi năm, Phòng khám đã khám và chữa bệnh cho hơn 50.000 lượt bệnh nhân, chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh với chi phí hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, đối với những người thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, những người đang sinh sống tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 70 tuổi sẽ được hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí hoàn toàn.

Riêng đối với những bệnh nhân là người có điều kiện, phòng khám sẽ tiến hành thu một phần phí từ các bệnh nhân này để tạo nguồn thu, phục vụ lại cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với công tác thiện nguyện, trong tháng 10 vừa qua khi tình hình lũ lụt tại các tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, các cán bộ và tình nguyện viên của Phòng khám phối hợp với Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Hải Đức đã tổ chức nhiều chuyến đi đến với người dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Với tinh thần đem lại hạnh phúc cho cộng đồng, chia sẻ những khó khăn chung của xã hội, Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức những năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tỉnh miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban MTTQ Việt Nam và Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành phố hoàn thiện việc ký kết Chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình. Cũng theo ông Thanh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã lồng ghép đưa Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH vào Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” của UBTƯ MTTQ Việt Nam và thông qua kế hoạch dành nguồn lực từ chương trình này để hỗ trợ xây dựng được hàng chục mô hình điểm thuộc nhiều tôn giáo tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tôn giáo chung tay vì hạnh phúc của cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO