Cách làm nông thôn mới ở một xã vùng sâu

Tùng Lâm 22/08/2020 00:00

Bằng sự quyết tâm, đồng lòng và nỗ lực vượt khó của người dân thôn Điện Tân đã đổi thay và trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương vùng sâu của huyện Krông Bông.

Gia đình ông Nguyễn Hùng luôn có 10 con bò nuôi nhốt.

Thôn Điện Tân, xã Cư Pui (Krông Bông- Đắk Lắk) là thôn có đa số là người dân ở các tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Thái Bình… vào lập nghiệp. Tuy điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, bằng sự quyết tâm, đồng lòng và nỗ lực vượt khó của người dân thôn Điện Tân đã đổi thay và trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương vùng sâu của huyện Krông Bông.

Thay đổi rõ nhất là sự phát triển kinh tế của người dân trong thôn với nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế như: trồng và chăm sóc cà phê, ngô lai, cao su, trồng rừng, nuôi chim yến, gà thả vườn… Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò mấy năm gần đây đã đem đến lợi nhuận cao và trở thành phong trào của nhiều gia đình trong thôn.

Điển hình về mô hình nuôi bò nhốt chuồng là gia đình ông Trần Phú Đồng, anh Dương Văn Vinh, ông Nguyễn Hùng, chị Nguyễn Thị Chính, chị Trần Thị Thược…Những gia đình này có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi bò nhốt. Thời gian gần đây, nhiều hộ đã chuyển đổi sang nuôi các loại bò lai Sind, bò lai siêu thịt kem Pháp (Charolais), bò lai 3B (Blanc Bleu Belge) cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Hùng, trưởng thôn Điện Tân cho biết: “Mấy năm gần đây chăn nuôi bò đem lại hiệu quả cao, ổn định nên nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò nhốt. Một số hộ khó khăn cũng đã mượn tiền ngân hàng chính sách- xã hội, mượn quỹ các chi hội để mua bò về nuôi. Trước đây cả thôn chỉ có khoảng dăm hộ nuôi bò nhưng hiện tại trong thôn đã có gần 40 gia đình nuôi bò nhốt chuồng. Thấy chăn nuôi hiệu quả nên mô hình nuôi bò lai đang được nhân rộng trong thôn”.

Điện Tân cũng là thôn điển hình trong phong trào lập các nhóm, hội, câu lạc bộ góp vốn nhằm hỗ trợ các gia đình khó khăn mượn vốn, lãi suất thấp để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Đến nay nguồn quỹ lên đến gần 1,3 tỉ đồng. Mỗi hộ được vay khoảng 20 triệu đồng/lần. Nhiều nguồn vốn đã đem lại hiệu quả như nguồn vốn Chi hội phụ nữ với gần 800 triệu đồng, nguồn vốn Câu lạc bộ gia đình văn hóa với 82 triệu đồng, quỹ hội đồng hương các tỉnh trên 100 triệu đồng, quỹ Hội Cựu chiến binh trên 50 triệu đồng… giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Chị Trần Thị Thược, Chi hội phụ nữ thôn Điện Tân cho biết: “Những chị em trong diện khó khăn của thôn có nhu cầu mượn vốn được chi hội cho mượn khoảng 20 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn của chi hội, nhiều chị em đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế”.

Hiện nay tất cả các trục đường của thôn Điện Tân đều đã được lắp điện thắp sáng bằng bóng đèn LED từ nguồn vốn người dân đóng góp và địa phương hỗ trợ. Các trục đường giao thông nội vùng, nội đồng trong thôn cũng được bê tông hóa bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhiều gia đình trong thôn tự nguyện hiến đất làm đường mà không yêu cầu đền bù. Các trục đường nội vùng được các nhóm chị em phụ nữ trong thôn đảm nhận trồng, chăm sóc các loại hoa và vệ sinh thường xuyên nên thôn Điện Tân có những con đường hoa sạch, đẹp.

Thôn Điện Tân giờ đã không còn nhà tạm. Nhiều gia đình đã làm được nhà kiên cố. Hiện nay 100% hộ gia đình thôn Điện Tân được dùng nước sạch tự chảy và điện lưới quốc gia. Là thôn Văn hóa tiêu biểu nên các hoạt động thể dục- thể thao ở đây rất phát triển...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách làm nông thôn mới ở một xã vùng sâu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO