Cách mạng công nghiệp 5.0: Quá trình đào thải khắc nghiệt hơn sắp bắt đầu

A.D. 26/12/2020 09:36

Mục tiêu của cuộc cách mạng 5.0 là giảm bớt chú trọng vào công nghệ và máy móc và tập trung phát triển nâng cao tương tác giữa người và máy.

Nguồn: furniturkonline.com.

Thế giới đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp, khởi đầu từ khoảng những năm 1750 và chúng ta không chắc chắn rằng đâu sẽ là điểm kết thúc, khi con người không còn gọi những đột phá về khoa học công nghệ làm thay đổi xã hội loài người là cuộc cách mạng công nghiệp nữa. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, khoảng cách của các cuộc cách mạng công nghiệp ngày càng ngắn lại và sự đào thải với những kẻ chậm chân càng trở nên nghiệt ngã hơn.

Con người đã mất hàng thế kỉ để khởi đầu với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ 2 và thứ 3 xảy ra sau mỗi gần 100 năm nhưng chỉ mất khoảng 40 năm để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 sẽ xảy ra trong tương lai gần hơn nữa.

Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp đầu tiên, con người đã hiểu được tiềm năng của việc áp dụng công nghệ như một phương tiện tiến bộ. Máy móc hơi nước, dây chuyền lắp ráp tự động và máy tính là một số tiến bộ đã diễn ra trong vài thế kỷ qua, tất cả đều hướng đến thúc đẩy năng suất và hiệu quả công việc.

Trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và 4.0, ngành công nghệ số đã nổi lên để dẫn dắt sự phát triển thay vì những ngành công nghiệp truyền thống trước đây. Những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, big data, điện toán đám mây đã giúp tạo ra rất nhiều tri thức dựa trên dữ liệu và cũng đồng thời giúp nâng cao hiệu suất. Điều đó đã giúp hình thành nhiều mô hình như sản xuất thông minh, năng lượng thông minh, thành phố thông minh ...

Trong bối cảnh đó, mục tiêu phát triển là giảm thiểu sự tham gia của con người và ưu tiên quá trình tự động hóa. Ở một mức độ nhất định, con người đang phải cạnh tranh với máy móc trong một số công việc.

Tuy nhiên, viễn cảnh về cách mạng công nghiệp 5.0 lại là một xu hướng khác. Mục tiêu của cuộc cách mạng này là giảm bớt chú trọng vào công nghệ và máy móc và tập trung phát triển nâng cao tương tác giữa người và máy. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa tính sáng tạo không có giới hạn của con người với mức độ chính xác tuyệt đối của máy móc.

Chính phủ và giới công nghệ ở các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ đã bắt đầu nghiên cứu thiết kế những nguyên tắc và giới hạn của tương tác người - máy để chuẩn bị cho tương lai không xa.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định, Cách mạng công nghiệp 5.0 là điều tất yếu sẽ diễn ra, và mốc thời gian đã được xác định rất gần: 2035 hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là toàn bộ lao động sẽ bị thay thế bởi robot, hay Cobot như cách gọi hiện nay về kết hợp giữa người và máy.

Theo một báo cáo gần đây của Harvard Business Review, khoảng từ 20% và 80% công việc nhất định có thể được thay thế bằng máy móc, nhưng không có công việc nào có thể tự động hóa 100%. Điều này có nghĩa là ngay cả với viễn cảnh phát triển trong tương lai, robot sẽ không thay thế con người hoàn toàn.

Thực tế là robot giúp tăng năng suất và các công ty có thể tuyển dụng nhiều người hơn. Do đó, robot sẽ tạo ra việc làm thay vì loại bỏ chúng. Tuy nhiên, những ngành sản xuất truyền thống thâm dụng lao động sẽ phải rất nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới khi nền tảng tương tác người - máy được phát triển ở mức độ cao hơn. Các nhà máy sản xuất sẽ dần dịch chuyển sang mô hình sản xuất mà ở đó họ có thể cung cấp lượng hàng hóa nhiều hơn, nhanh hơn với chi phí rất thấp và cần ít nhất can thiệp của con người. Khi đó, con người sẽ chỉ còn đảm nhiệm các vị trí lao động mang lại giá trị gia tăng cao dựa trên sáng tạo và trong công việc quản lý các hệ thống robot trong dây chuyền sản xuất với sự hỗ trợ của các Cobot.

Trong tương lai không xa, những lao động trong các nhà máy sản xuất sẽ phải là những người mang lại giá trị gia tăng cao trong sản phẩm. Họ phải có kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Họ cần sử dụng các giác quan tinh tế để đánh giá và điều chỉnh công việc. Họ có thể có hiểu biết đặc biệt về vật liệu và quy trình sản xuất. Họ có thể là chuyên gia sáng tạo. Những người sẽ bị loại bỏ là những người lao động dành cả ngày để thực hiện các công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại hoặc công việc nguy hiểm. Robot và Cobot có thể và sẽ làm công việc này tốt hơn. Cùng với đó là những lợi thế cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ của các quốc gia đang phát triển sẽ nhanh chóng mất đi.

Có thể thấy rằng, những quốc gia nào có thể chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và 5.0 trong tương lai sẽ có nhiều lợi thế phát triển so với các quốc gia chậm chân hơn. Và hơn thế nữa, cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 trong tương lai với tương tác người - máy ở mức độ cao sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị trước cho những thay đổi trong tương lai, dựa trên những nền tảng chúng ta đang tích cực xây dựng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để Việt Nam có thể tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cũng như tạo ra những nền tảng vững chắc làm động lực để chúng ta tham gia với vai trò chủ động hơn trong tương lai.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với quan điểm: chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy tinh thần chủ động bứt phá, với khát vọng về một Việt Nam hùng cường, chúng ta không chỉ nên tận dụng tốt những cơ hội về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn phải sẵn sàng cho cuộc đua khốc liệt hơn trong tương lai - Cách mạng công nghiệp 5.0 đang ở rất gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách mạng công nghiệp 5.0: Quá trình đào thải khắc nghiệt hơn sắp bắt đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO