Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Cần thêm những bộ phim xứng tầm

Từ Khôi 02/09/2021 07:00

Cách mạng tháng Tám giành chính quyền, rồi Quốc khánh lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Thế nhưng, mốc son đó thể hiện trên phim chưa xứng tầm. Ngành điện ảnh như “vẫn còn nợ” lịch sử một đề tài lớn.

Nổi bật qua ca khúc

Những bức ảnh lịch sử về Cách mạng tháng Tám ở thủ đô Hà Nội đã được ghi lại rõ nét qua nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An. Sau nhiếp ảnh, có lẽ âm nhạc có nhiều thành tựu nổi bật nhất trong các ngành nghệ thuật sáng tác xoay quanh chủ đề về cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Chúng ta có thể thấy những ca khúc “đi cùng năm tháng” như: Ca khúc “19 tháng 8” của Xuân Oanh; “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu; “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước, “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Phất cờ Nam Tiến” của Hoàng Văn Thái, “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao; “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Đoàn Vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu…

Tuy nhiều ca khúc sáng tác quanh chủ đề Cách mạng tháng Tám, nhưng bài “19 tháng 8” là viết “trực diện” hơn cả. Đó là lẽ tất yếu. Bởi bài hát được nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác ngay tức thì khi cùng dòng người như thác đổ kéo về Bắc Bộ phủ.

Trong thời điểm lịch sử hào hùng 19/8/1945, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa đi vừa viết lời hát lên trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày thì bài hát được in lại và phổ biến rộng rãi. Ca khúc có những ca từ thật hào sảng: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hô: “Mau diệt tan hết quân thù chung…”. Đến nay, ca khúc này vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc.

Còn về ngày Quốc khánh (2/9/1945), có lẽ ca khúc “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch là ca khúc hay và “trực diện” nhất về chủ đề này. Bài hát được sáng tác năm 1947 ở Phú Thọ khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn gay go. Ca từ uyển chuyển giàu tình cảm: “Gió vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh…”. Ca khúc Ba Đình nắng đã chiếm một vị trí quan trọng mỗi khi nhắc nhớ kỷ niệm ngày Quốc khánh.

Phim tài liệu Ngày độc lập 2/9/1945

Bộ phim “Ngày độc lập 2/9/1945” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, sản xuất năm 1975 là một phim tiêu biểu.

Bộ phim sử dụng 5 phút phim tư liệu vô giá của một người quay phim mà đến nay chưa ai biết rõ. Chỉ có thể phỏng đoán đó là tay máy của hiệu ảnh Hương Ký - Hiệu ảnh được mời tới quay phim ngày độc lập.

Năm 1974, đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Pháp để thực hiện bộ phim về Bác thời kỳ hoạt động ở Pháp. Trước khi đi, trưởng đoàn - nhà báo Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và quay phim Nguyễn Như Ái được Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, phụ trách Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trường Chinh dặn dò cố gắng tìm phim tư liệu về 2/9/1945. Nếu phải mua bao nhiêu tiền Đảng và Nhà nước cũng mua. Tại Pháp, đoàn đã nhờ đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens giúp đỡ. Và đạo diễn Joris Ivens cuối cùng cũng đã giúp được đoàn mang những hình ảnh quý báu về ngày độc lập về nước.

Một cảnh trong phim “Sao tháng Tám”. Ảnh tư liệu: Hãng Phim truyện Việt Nam.

Phim truyện, vẫn chỉ là Sao tháng Tám

Cho đến nay, vẫn chỉ có bộ phim “Sao tháng Tám” là thực hiện trực tiếp về đề tài Cách mạng tháng Tám. Phim hoàn thành sản xuất năm 1976. Kịch bản do Đào Công Vũ viết. Trần Đắc đạo diễn. Quay phim Đỗ Mạnh Hùng.

Ít ai biết bộ phim “Sao tháng Tám” lại lấy cốt truyện chính từ tác phẩm văn học. Đạo diễn Trần Đắc tình cờ đọc được cuốn hồi ký “Nắng Hưng Yên” NXB Phụ nữ 1967 do nhà văn Hà Ân thể hiện. Hồi ký ghi lại lời kể của bà Nguyễn Thị Hưng (Nguyễn Thị Ức (1920-1993). Đạo diễn Trần Đắc đã lấy nguyên mẫu bà Hưng để xây dựng hình tượng chiến sĩ cách mạng Nhu. Còn vai phản diện Kiều Trinh là lấy nguyên mẫu từ nữ gián điệp Nga Thiên Hương bị Đội tuyên truyền thành Hoàng Diệu tiêu diệt ngày 2/7/1945 trên phố Hàm Long.

Phim Sao tháng Tám gồm 2 tập, tập 1: Mùa xuân báo bão, tập 2: Mùa thu hồi sinh.

Bên cạnh phim “Sao tháng Tám”, nếu mở rộng ra bối cảnh lịch sử của năm 1946 và 1947, điện ảnh có thêm hai bộ phim nữa là: “Sống mãi với Thủ đô” (phim truyền hình) và “Hà Nội mùa Đông 1946” (phim truyện nhựa). Bộ phim “Sống mãi với Thủ đô” do Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã viết kịch bản, Lê Đức Tiến và Nguyễn Thế Vĩnh đạo diễn. Nội dung phim dựa trên tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô” và kịch “lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Bộ phim “Hà Nội mùa Đông 1946” do Hoàng Nhuận Cầm, Đặng Nhật Minh viết kịch bản, Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang, Thái Ninh đồng đạo diễn. Vũ Quốc Tuấn quay phim.

Mốc son lịch sử

Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Để làm được bộ phim truyện xứng tầm về đề tài này trước hết phải có kịch bản chất lượng. Kịch bản thông qua các hình tượng nhân vật làm nổi bật lên các sự kiện lịch sử.

Với bộ phim “Sao tháng Tám”, bộ phim tuy có bối cảnh năm 1945, nhưng chỉ là hoạt động của một cán bộ chiến sĩ cách mạng trong lòng địch, chứ chưa xây dựng được hình tượng các lãnh tụ của Đảng. Những quyết sách quan trọng và thời cơ cách mạng cần được xây dựng cụ thể qua hình tượng nhân vật lịch sử.

Phim về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cần làm nổi bật cuộc cách mạng của tầm vóc lãnh đạo biết nhìn nhận và chớp thời cơ lịch sử. Từ cuối năm 1942, tình hình thế giới đã có biến chuyển. Cho nên từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Hà Nội) đã chủ trương: “Toàn bộ công tác của Đảng lúc này là phải nhằm vào chỗ chuẩn bị khởi nghĩa, để một khi cơ hội đến kịp thời đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu”. Và đến tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dự liệu: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”.

Rồi khi Nhật đảo chính Pháp thì Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) để ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” rồi quyết định “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa… và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”.

Thời điểm đó, quân Nhật tuy đầu hàng Đồng minh nhưng tại Việt Nam vẫn rất mạnh. Quân Nhật vẫn nắm quyền chứ không phải có một khoảng trống quyền lực…

Sau khi giành được chính quyền, Chính phủ lâm thời mau chóng tổ chức “Ngày độc lập”. Đó là thông điệp tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập dân tộc. Đồng thời là “chủ nhân” của Quốc gia đón tiếp Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật…

Với khối tư liệu lịch sử đầy ăm ắp, nếu ngành điện ảnh quyết tâm, không lẽ nào lại không thực hiện được những bộ phim xứng với tầm vóc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9?.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Cần thêm những bộ phim xứng tầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO