Cách nào để giảm tai nạn lao động?

Khanh Lê 24/09/2022 14:05

Dù tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra nhiều nhưng ngành chức năng rất khó nắm bắt hết số vụ vì đa số doanh nghiệp không báo cáo theo quy định, thay vào đó đã tìm cách thương lượng, đền bù với gia đình người bị nạn. Vậy cách nào để kéo giảm TNLĐ?

Người lao động cần phải tuân thủ đúng các quy định, nội quy và biện pháp an toàn lao động.

Đã gần 4 năm trôi qua, TNLĐ vẫn để lại những nỗi ám ảnh và mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần đối với anh Trần Văn Bảo (công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội). Năm 2018, trong quá trình vệ sinh máy cuốn thép, do sơ suất, trục máy vẫn tiếp tục hoạt động nên cuốn theo cả hai bàn tay của anh vào. Sự cố đã khiến tay anh bị thương nặng, tỷ lệ thương tật 57%. Mặc dù đã được phẫu thuật nối gân, nhưng đến nay đôi bàn tay anh Bảo vẫn khó cử động. Thời gian đầu, anh buồn nản, mặc cảm, định trở về quê, từ bỏ cuộc đời công nhân. May mắn được sự hỗ trợ, động viên của công ty, anh Bảo tiếp tục kiên trì điều trị và nay sức khỏe đang dần ổn định.

Nỗi ám ảnh do TNLĐ không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình anh Bảo mà là nỗi ám ảnh của biết bao gia đình trước thực trạng TNLĐ ngày càng gia tăng. Mới đây, ngày 15/9/2022, xảy ra sự cố sập đổ tường tại Nhà máy Savvy Seafood Việt Nam thuộc dự án xây dựng giai đoạn 2 của Công ty TNHH Savvy Seafood VietNam tại khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định khiến 11 người thương vong.

Báo cáo tình hình TNLĐ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 5.797 vụ tai nạn lao động làm 5.910 người bị nạn, làm 602 người chết, 1.226 người bị thương nặng. Các tai nạn thường xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện tử. Đáng nói là dù số vụ TNLĐ nhiều nhưng ngành chức năng rất khó nắm bắt hết số vụ tai nạn lao động, vì thường xảy ra ở loại hình công ty cổ phần và công ty TNHH (trên 72% số vụ và số người chết) do không được báo cáo, đặc biệt có những địa phương số biên bản nhận được chỉ chiếm 23,5% tổng số vụ tai nạn lao động chết người.

Đề cập đến nguyên do khiến TNLĐ vẫn hiện hữu, tại hội nghị đối thoại Hội đồng An toàn vệ sinh lao động năm 2022, Phó trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai Lê Hồng Quang cho biết, qua các đợt kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và thiết bị sản xuất không đảm bảo an toàn lao động. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động không chú trọng huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động. Nhiều người lao động còn chủ quan, vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động…

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, bên cạnh ý thức của người lao động và chủ sử dụng lao động, quá trình thực thi Luật An toàn vệ sinh lao động vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Xây dựng ban hành các quy chuẩn chuyên ngành vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, cập nhật; Còn quá nhiều thông tư, quy định của các bộ gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng Luật…

Theo ông Thắng, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đều đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập huấn việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chấp hành quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động về trách nhiệm của UBND các cấp trong báo cáo HĐND cùng cấp về công tác an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương; Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát có lúc có nơi còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn,...Chính vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế để thực thi và xử lý những vi phạm là rất cần thiết.

Việt Nam là một trong những quốc gia đã có bước tiến lớn trong việc xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần phải sớm có các giải pháp tháo gỡ trong đó có vấn đề liên quan đến báo cáo về số liệu các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Số vụ TNLĐ chỉ có thể giảm khi số vụ TNLĐ được báo cáo nghiêm túc, chính xác để từ đó có những giải pháp xử lý cũng như phòng tránh hiệu quả.

(Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào để giảm tai nạn lao động?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO