Cách sơ cứu khi bị bỏng da cần nắm được

Lan Anh 05/04/2021 14:14

Các nguyên nhân gây bỏng thường là bỏng nước sôi và bỏng lửa. Việc sơ cứu khi bị bỏng, nếu làm sai cách có thể khiến vết thương ăn sâu thêm, bị bội nhiễm và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy từng mức độ bỏng mà có các cách giải quyết khác nhau.

Bỏng da có nhiều mức độ khác nhau, vì vậy cũng cần những cách sơ cứu và chăm sóc ban đầu khác nhau.

Bỏng mức độ 1, da sẽ bị đỏ, đau, sưng nhẹ. Vết bỏng trở thành màu trắng khi ấn lên, da trên vết bỏng sẽ lột sau 1-2 ngày.

Bỏng mức độ 2, vết bỏng dày hơn, rất đau và tạo mụn nước trên da. Da tấy đỏ, sưng nhiều và loang lổ.

Bỏng mức độ 3 gây tổn thương cho tất cả lớp da, da chuyển màu trắng hoặc cháy xém. Vết bỏng có thể đau rất ít hoặc không đau vì dây thần kinh và mô da đã bị tổn thương.

Các bước sơ cứu

Nếu vết bỏng không được sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe. Do đó, dù nạn nhân bị bỏng nhẹ hay nặng thì việc sơ cứu là rất cần thiết. Nếu không sơ cứu kịp thời hoặc xử lý sai, vết bỏng sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc.

Ảnh minh họa

Bất kể bỏng do lửa hay nước sôi thì bước sơ cứu đầu tiên là đưa người bị nạn tránh xa khỏi khu vực xảy ra tai nạn. Sau đó xả nước trực tiếp vào vết bỏng càng sớm càng tốt, liên tục trong vòng 20 - 30 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da và giúp giảm độ sâu của vết bỏng. Tuyệt đối không sử dụng nước đá, chỉ sử dụng nước mát thông thường và sử dụng gạc hoặc khăn bông thấm nước đắp vào chỗ bỏng để bớt đau.

Tùy vào tình trạng của vết bỏng mà bạn có thể mua thuốc trị bỏng bôi tại nhà hoặc đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.

Bỏng mức độ 1 nên ngâm phần bị bỏng vào nước lạnh ít nhất năm phút, nước lạnh làm giảm sưng, hạ nhiệt khỏi vết bỏng. Bạn có thể thoa lên vết bỏng những sản phẩm dưỡng da có tác dụng bảo vệ, làm lành da như lô hội, thuốc mỡ kháng sinh. Sau đó, có thể quấn vết thương bằng băng gạc lỏng để bảo vệ vùng bị thương hoặc dùng thuốc giảm đau nếu cần.

Bỏng mức độ 2 thì hãy nhúng vết bỏng vào nước ít nhất 15 phút. Nếu vết bỏng nhỏ, có thể đắp vải ướt lạnh chừng vài phút mỗi ngày và thoa thuốc mỡ kháng sinh. Băng vết bỏng bằng băng gạc khô không dính, thay băng và thoa thuốc mỡ mỗi ngày.

Bạn cũng cần kiểm tra vết bỏng hàng ngày để xem có dấu hiệu bị viêm nhiễm như sưng đau, đỏ hơn hay không. Không gãi hoặc bóc da lột từ vết bỏng để tránh nhiễm trùng. Vết bỏng sẽ trở nên nhạy cảm với ánh sáng trong khoảng một năm sau đó, vì vậy, cần dùng kem chống nắng khi ra ngoài.

Bỏng mức độ 3 là khi bị bỏng nặng, nên tới bệnh viện ngay lập tức. Lúc này, cần tránh bất cứ vải vóc, quần áo nào dính vào vết thương, không nhúng vết bỏng vào nước hay bất cứ loại thuốc mỡ nào. Nếu có thể, hãy nâng phần bị bỏng cao hơn tim.

Sơ cứu khi bỏng lửa

Riêng với sơ cứu khi bị bỏng lửa, bước đầu nên sử dụng cát, nước hoặc áo khoác, áo choàng, chăn hay mảnh vải lớn... đập dập lửa đang cháy. Cởi bỏ hoặc xé ngay phần áo quần còn hiện tượng âm ỉ cháy. Nếu quần áo không cháy, nhanh chóng choàng mảnh vải lớn, chăn, áo choàng chất liệu vải thô... lên người để tránh da thịt bị tiếp xúc lửa.

Ảnh minh họa

Nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng ngâm vào nước nguội sạch để vệ sinh vết thương tránh nhiễm khuẩn, sau đó xả nhẹ nước mát trong vòng ít nhất 15 phút. Sử dụng gạc sạch, vô khuẩn hoặc miếng vải nhỏ sạch để băng vùng da bị bỏng, tránh tiếp xúc bụi bẩn lên vết bỏng.

Trường hợp bỏng nhẹ và diện tích bỏng nhỏ, bạn vẫn có thể tự chăm sóc, điều trị tại nhà. Còn trường hợp vết bỏng có diện tích lớn, bỏng nặng hơn, nên sơ cứu ban đầu rồi nhanh chóng chuyển người bị bỏng tới cơ sở y tế nơi gần nhất để kịp thời điều trị.

Trường hợp bỏng nặng, cháy quần áo, hãy giữ cho người bị nạn không hốt hoảng. Đặt nạn nhân trong tư thế nằm yên trên sàn, hướng phần bỏng lên trên. Dùng một cái áo lớn hoặc tấm chăn lớn chất liệu thô, len hoặc dạ để bọc người bị nạn và dập lửa. Để người đó lăn trên sàn cho lửa tắt hẳn. Dội nước lên người và tuyệt đối không cởi đồ người bị nạn ra. Quần áo lúc đó có thể bị sát vào da, việc cởi đồ ra sẽ khiến lửa có cơ hội tiếp xúc da và càng gây thương tổn nhiều hơn.

Lưu ý khi xử lý vết bỏng

Quan niệm bôi ngay kem đánh răng hay kem trị bỏng, mỡ trăn... lên vết bỏng sẽ chỉ khiến vết thương ngay lúc đó trở nên tệ hơn, có khả năng viêm nhiễm nhiều hơn.

Ảnh minh họa

Chỉ nên dùng nước mát chứ không nên chườm đá hoặc nước đá lên vết thương, khiến vết thương trở nên tệ hơn. Khi đột ngột gặp lạnh, biểu bì da sẽ bị co rút lại, vết bỏng sẽ càng lâu khỏi và dễ viêm loét. Tuyệt đối vết bỏng phải được giữ vệ sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách sơ cứu khi bị bỏng da cần nắm được

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO