Cải thiện lương giáo viên

Vi Cầm 27/10/2020 09:30

Vừa rồi, tại lễ khai giảng năm học mới 2020- 2021 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, câu chuyện lương giáo viên – được đưa ra trong buổi giao lưu giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ với sinh viên, giảng viên của nhà trường đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cũng bởi lâu nay, vấn đề thu nhập của giáo viên luôn “nóng”. Hiện lương giáo viên trả theo thâm niên, giáo viên dạy tiểu học, dù tốt nghiệp cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương trung cấp (1,86).

Việc trả lương này bộc lộ nhiều bất cập như giáo viên có bằng ĐH hoặc cao hơn nhưng dạy ở mầm non, tiểu học… thì chỉ được xếp lương ở hạng thấp nên mức lương khởi điểm rất thấp; hay việc chuyển xếp thăng hạng giáo viên cũng gặp nhiều bất cập về điều kiện, tiêu chuẩn...

Trước những băn khoăn của sinh viên sư phạm, tại buổi giao lưu vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ trưởng Bộ GDĐT không có quyền quyết định lương. Để quyết định mức lương có hội đồng rất lớn mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ.

Theo lộ trình, việc đổi mới lương sẽ thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình này chậm lại. Phó Thủ tướng cũng cho hay: Lương mới có khởi điểm cao hơn hiện nay.

Dự kiến lương giáo viên mới ra trường lúc đó tương đồng với ngành khác, thay vì hơn 3 triệu/tháng như hiện nay, lúc đó là 6 triệu đồng/tháng. Muốn thế nền kinh tế nhất định phải tăng trưởng, phát triển mới có tiền cải cách lương…

Khẳng định một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục là đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực hiện lộ trình xây dựng chính sách tiền lương mới theo nhiệm vụ Ban chỉ đạo của Chính phủ giao, Bộ GDĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành giáo dục, với tinh thần đổi mới, công bằng, tạo được động lực, tránh bình quân, cào bằng.

Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ngoài được hưởng lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp theo ngành nghề, ưu đãi đặc thù cũng phải được bảo đảm.

Mới đây Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Những hỗ trợ thiết thực này sẽ giúp các em sinh viên yên tâm học tập và nỗ lực học tập tốt.

Thật ra, không riêng gì ngành sư phạm, khi tất thảy mọi ngành đều sống được bằng lương thì sẽ bớt đi những hiện tượng tiêu cực này nọ…

Nếu vẫn còn những điều mong mỏi để “giáo viên sống được bằng lương”, có nghĩa là những ngành nghề khác họ đang sống ổn bằng lương cả.

Những nhà giáo có thâm niên trong nghề chia sẻ, dù thế nào những quan tâm đến ngành giáo dục nói chung, nghề giáo viên nói riêng cần thiết thực, công bằng trong mối tương quan với những ngành nghề khác.

Những người đứng trên bục giảng mong nhận được sự chia sẻ của xã hội về mọi áp lực, trong đó có áp lực cuộc sống, nhưng không có nghĩa là sự thương hại… Hay nói khác đi, nhà giáo cần được trả lương đúng với đóng góp - đó cũng chính là sự đầu tư để phát triển đội ngũ nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải thiện lương giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO