Cân bằng lợi ích và nguy cơ

Nam Việt 17/04/2021 07:46

Tới thời điểm này, người ta bàn nhiều về “hộ chiếu vaccine”- được hiểu là nếu người nào đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 thì được coi là an toàn, có thể đi lại thoải mái. Điều này đồng nghĩa với việc thiên hạ rất nóng lòng với việc mở cửa trở lại, vì rằng đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các nền kinh tế lao đao, lún sâu vào khủng hoảng.

Hàng không Việt Nam sẵn sàng cho những chuyến bay thương mại quốc tế.

Với Việt Nam ta, kể từ đầu năm 2020 đến nay, đã qua hơn 1 năm chúng ta phòng, chống dịch rất tốt. Số người nhiễm SARS-CoV-2 ít, số ca tử vong do Covid-19 cũng rất ít. Chủ trương “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế được triển khai đã đưa đến nhiều thành công.

Sau đợt bùng phát dịch thứ ba, tới nay đã hơn 1 tháng không phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Số ca mắc Covid-19 mới đều là từ bên ngoài vào và đã lập tức được cách ly, kiểm soát y tế một cách chặt chẽ, chặt đứt nguồn lây lan ra cộng đồng. Trong khi đó, vaccine AstraZeneca nhập khẩu cũng đã được tiêm trên diện rộng, không có ca biến chứng. Vaccine điều chế trong nước đang được đẩy nhanh tiến độ, để sắp tới chúng ta sẽ có vaccine do chính chúng ta sản xuất.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải mở cửa, khôi phục và tăng cường các đường bay quốc tế. Nếu không, cơ hội sẽ đi qua. Đặc biệt, khi mùa hè tới càng nên sớm “mở cửa bầu trời”.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng từ kết quả dập dịch thời gian qua, đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Rõ thấy nhất là ở nhiều địa phương, người dân khi ra đường đã “nhất loạt” bỏ khẩu trang. Những dịch vụ “nhạy cảm” cũng đã hoạt động trở lại như trước dịch. Trong khi mối lo thì vẫn còn đó. Rõ nhất là với nước láng giềng Campuchia, mới đây đã phải phong tỏa Thủ đô Phnom Penh. Một quốc gia láng giềng nữa là Thái Lan số ca nhiễm trong cộng đồng phát hiện vẫn nhiều. Như vậy, ở thời điểm này, khả năng lây nhiễm từ bên ngoài vào, cụ thể là qua ngả biên giới Tây Nam chưa được loại trừ.

Nhiều người còn cho rằng, “vũ khí vaccine” cũng đang gặp vấn đề. Trước hết, đó là vaccine AstraZeneca: Không ít quốc gia đã phải tạm ngừng tiêm do phát hiện một số người sau khi tiêm bị mắc chứng máu đông (huyết khối). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải vào cuộc, tuy không khuyến cáo dừng tiêm nhưng cũng cho rằng phải cẩn thận.

Mới đây nhất, vaccine ngừa Covid-19 chỉ cần tiêm 1 mũi của Hãng Johnson & Johnson cũng lại có vấn đề. Cho nên, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chưa thể nói là đã an tâm khi có nhiều loại vaccine. Vì, virus SAR-CoV-2 cho thấy biến chủng khá nhanh và rất có thể sẽ “né” được những loại vaccine hiện có.

Nhìn chung, những người ủng hộ sớm mở cửa (trong đó có biện pháp áp dụng “hộ chiếu vaccine”) có lý của họ; nhưng những người cho rằng phải hết sức thận trọng, “nghe ngóng tiếp”, cũng không phải không có lý. Vậy, lựa chọn trong thời điểm này là gì?

Rõ ràng bây giờ chính là lúc cần có những ý kiến từ giới chuyên môn y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho rằng việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là rất cần thiết. Theo ông Phu, hiện nhiều nước trên thế giới đưa ra vấn đề “hộ chiếu vaccine” nhưng họ cũng chưa thực hiện. Trong khi đó tỷ lệ tiêm vaccine ở ta chưa cao nên nếu có vài trường hợp nhập cảnh mắc Covid-19 để lọt vào thì nguy cơ dịch bùng phát dịch trở lại là không tránh khỏi.

Vì thế, vị chuyên gia này cho rằng, “nên làm thấu đáo” giữa hai việc không để dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng và phát triển kinh tế. Trước mắt nước ta có thể áp dụng mô hình “du lịch ít tiếp xúc”. Ông Phu nêu vấn đề, ngành du lịch và y tế nên có sự thống nhất. Và nhìn chung, vị chuyên gia này cho rằng đi du lịch, tiếp xúc nhiều thì nguy cơ chúng ta sẽ mất thành quả chống dịch bấy lâu nay.

Cũng về vấn đề này, theo PGS.TS Vũ Đình Thiểm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), chúng ta nên triển khai hộ chiếu vaccine vì hai năm qua ảnh hưởng dịch Covid-19 gây thiệt hại kinh tế quá lớn. Tuy nhiên, ông Thiểm cũng cẩn thận cho rằng với người tiêm vaccine đủ ngày, sau tiêm liều 2 từ 14 ngày trở ra mới được cấp hộ chiếu vaccine và cho nhập cảnh. “Cần phải có biện pháp phòng, chống dịch cho nhóm người này, tuy nhiên có thể không chặt chẽ khắt khe bằng nhóm chưa có “hộ chiếu vaccine”. Nếu mình cứ chần chừ thì sẽ đi ngược thế giới”, PGS Thiểm nêu ý kiến.

Còn nói như Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thì Bộ này vẫn đang nghiên cứu phương án để triển khai “hộ chiếu vaccine”. Trước hết, là các phương án cách ly phù hợp đối với những người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 theo quy định. Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” trong tương lai. “Những phương án này đang được bàn thảo rất kỹ vì chúng ta phải cân bằng lợi ích và nguy cơ”, Thứ trưởng Cường cho biết.

Có thể nói rằng, nếu như ngành du lịch, hàng không rất “sốt ruột” được phép hoạt động trở lại một cách bình thường, thì ngành y tế vẫn còn những đắn đo. Qua 3 ý kiến nêu trên của các vị chuyên gia cùng trong ngành y tế thì cũng thấy không hẳn đã thống nhất.

Như vậy, đây là thời điểm rất quan trọng cho một quyết định quan trọng. Cá nhân người viết bài này ủng hộ việc sớm mở cửa trở lại, nếu như chúng ta tiếp tục thực hiện tốt Thông điệp 5K + vaccine như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân bằng lợi ích và nguy cơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO