Cần biết chấp nhận cái mới

Tinh Anh 14/02/2021 09:00

Liên quan đến vấn đề sân khấu những năm qua vắng khách, trao đổi với Đại Đoàn kết, PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhiều người chưa chấp nhận cái mới, chưa tin vào lớp nghệ sĩ trẻ với những sáng tạo thử nghiệm. Ông Thi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không đổi mới sẽ không thể phát triển.

PGS.TS Nguyễn Đình Thi.

PV:Ông đánh giá thế nào về thực trạng sân khấu những năm qua?

PGS.TS Nguyễn Đình Thi: Thực tế thì sau thời kỳ hoàng kim của sân khấu vào những năm 80 của thế kỷ trước, những năm qua sân khấu nước nhà gặp không ít khó khăn. Vì thế, nhiều nhà hát, các sân khấu tư nhân không thể liên tục sáng đèn dẫn tới đời sống của nhiều nghệ sĩ khá vất vả. Nhất là từ đầu năm trở lại đây, sự bùng phát của các làn sóng đại dịch Covid-19 cũng là một yếu tố ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến nền sân khấu nước nhà.

Các nhà hát do không sáng đèn nên khó có thể duy trì được đời sống của các nghệ sĩ. Còn bản thân các nghệ sĩ lâu không diễn sẽ mai một nghề, dẫn đến khả năng thẩm thấu, hóa thân vào nhân vật dần thiếu nhạy bén. Song, cái khó ló cái khôn, một vài nhà hát, sân khấu nhỏ và một số nghệ sĩ đã cố gắng sáng tạo, đổi mới để kịp thời thích ứng với bối cảnh xã hội. Điều đó đã được minh chứng rõ nét tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội vừa qua.

Ngoài đại dịch Covid-19, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng sân khấu vắng khách, thưa ông?

-Phải nói thẳng với nhau rằng, giờ những người thực sự “mê” sân khấu không còn nhiều. Điều đó cũng phải, bởi trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta bị quá nhiều thứ chi phối như cơm áo gạo tiền, thăng quan tiến chức. Bên cạnh đó, rất nhiều hình thức giải trí sẵn có trên không gian mạng, truyền hình phát triển như vũ bão cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sân khấu.

Song, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân khá cốt lõi của thực trạng sân khấu vắng khách là nhiều người chưa thể chấp nhận được cái mới, sự sáng tạo thể nghiệm, chưa tin vào các nghệ sĩ trẻ. Đến như các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu gạo cội, là những “cây đa cây đề” của làng sân khấu còn không chấp nhận được thì làm sao khán giả có thể chấp nhận.

Ông có thể nói rõ hơn về cái mới, sáng tạo thử nghiệm của các nghệ sĩ trẻ như thế nào mà chưa được khán giả và các nhà nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu chấp nhận không, thưa ông?

-Mọi người đều biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến sân khấu vắng khách là do không ít nhà hát vẫn dàn dựng vở diễn theo lối cũ, sáo mòn nên không thu hút được khán giả. Vậy thì chỉ có cách đổi mới, sáng tạo trong thủ pháp dàn dựng vở diễn mới có thể tạo ra sự mới mẻ, gây sự chú ý của người xem. Đơn cử như việc mới đây đã có nghệ sĩ dựng một vở tuồng, nhưng hậu cảnh thay vì phông trang trí cách điệu, họ đã cho dựng một màn hình plasma lớn tả thực khiến nhiều người bị sốc.

Với những người được đào tạo kiến thức sân khấu từ nhiều năm trước, hay các nghệ nhân dân gian thì không thể chấp nhận được việc vác cả cái màn hình plasma to tổ chảng lên sân khấu tuồng. Các nhà nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu cho rằng đó là phá tuồng chứ không phải là sáng tạo. Song, cá nhân tôi lại cho rằng sáng tạo cũng cần sự thử nghiệm, nếu không thực hiện làm sao biết hiệu quả sẽ như thế nào. Để phá vỡ thế bế tắc hiện nay của sân khấu, tôi cho rằng chúng ta cần biết chấp nhận cái mới, sự thử nghiệm sáng tạo, nhất là cần có niềm tin vào lớp trẻ. Nếu không, chúng ta khó có thể hy vọng sân khấu trở lại thời hoàng kim như trước.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần biết chấp nhận cái mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO