Cần cách chức thay vì giáng chức

H.Vũ 24/05/2019 23:00

Chiều 24/5, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật trên. Nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc Chính phủ đề nghị bỏ quy định “giáng chức”.

Liên quan đến việc Dự thảo luật không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, Bộ trưởng Tân cho biết: Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về 2 phương án. Theo đó, Phương án 1: Không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.

Mặt khác, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi vì, hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

Phương án 2 theo Bộ trưởng Tân là: “Giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật Cán bộ công chức hiện hành vì cho rằng quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý”. Ông Tân cũng cho biết “Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1 là không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức”.

Tuy nhiên qua tiến hành thẩm tra Dự án luật trên, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 2 tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”, vì cho rằng về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.

Một vấn đề nữa được nhiều ĐB quan tâm cũng là sự bức xúc của dư luận xã hội trong thời gian qua chính là phân loại đánh giá cán bộ, công chức. Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở cho việc bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, loại bỏ những người không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, đề nghị nội dung đánh giá cần mang tính định lượng với các tiêu chí rõ ràng hơn; việc đánh giá cần được dựa trên kết quả, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức và tính đến sự gắn kết, liên thông giữa kết quả đánh giá với công tác thi đua, khen thưởng cán bộ, công chức.

* Giảm 10-15% số lượng đại biểu HĐND các cấp: Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo Bộ trưởng Tân, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Dự thảo luật nghiên cứu sửa đổi giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong cơ cấu của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước, giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính khoảng từ 10% đến 15% mỗi đơn vị hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần cách chức thay vì giáng chức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO