Cần chủ động nguồn cung xăng dầu

H.Vũ 14/02/2022 07:27

Tình trạng “găm” hàng xăng dầu làm nóng dư luận những ngày qua. Điều này tiếp tục bộc lộ những hạn chế trong công tác điều hành giá. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đã đến lúc cần tính đến những yếu tố dài hơi trong dự trữ xăng dầu và thời gian điều chỉnh giá.

Chủ động được nguồn cung, các bất cập của thị trường xăng dầu sẽ được giải tỏa.

PV: Thưa ông, tình trạng “găm” xăng dầu trước đây cũng đã từng xảy ra và nay lại tái diễn. Phải chăng do hành lang pháp lý hiện nay còn nhiều kẽ hở, chế tài xử phạt chưa nghiêm?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thực tế, nguồn cung ứng xăng dầu của chúng ta ra thị trường đạt 75%, tuy nhiên, vừa qua Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (đảm bảo 35% lượng xăng dầu của cả nước) gặp trục trặc, chỉ hoạt động 60-70% sản lượng nên xảy ra tình trạng “thiếu cung”.

Theo cơ quan quản lý thị trường qua việc kiểm tra tại các địa phương cho thấy, số cây xăng dầu đóng cửa là không nhiều. Trong số những cây xăng đóng cửa có lý do hết xăng. Ví như tại tỉnh Đắk Lắk, cơ quan quản lý thị trường trực tiếp kiểm tra thì có 19 đơn vị tạm ngừng hoạt động, nhưng chủ yếu là do hết xăng dầu và không còn nguồn để bán.

Hay tại TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra phát hiện trong 548 cây xăng có 2 cây xăng đóng cửa. Điều đó cho thấy đa phần là chấp hành tốt.

Còn nếu trong số hơn 500 cây xăng mà có 70 cây găm hàng mới là “có vấn đề”, cần phải kiểm tra và xử lý nghiêm.

Khách quan mà nói, những ngày qua, tuy có việc găm hàng nhưng là rất ít, chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Vì vậy yếu tố tiêu cực là có nhưng không nhiều. Cái chính là điều hành giá chưa nhịp nhàng và vấn đề dự trữ xăng dầu chưa đủ độ “chín”. Vì theo đúng lịch 10 ngày điều chỉnh giá một lần thì giá xăng phải được điều chỉnh vào ngày 1/1/2022. Thế nhưng ngày đó trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên phải chờ đến ngày 11/2 mới đến kỳ điều hành tiếp theo.

Trong vụ việc “găm” hàng, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

- Ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ rõ, để cửa hàng xăng dầu đóng cửa là trách nhiệm của Bộ Công thương. Nhưng qua đây cũng cho thấy, yếu tố cung - cầu và điều hành thị trường có vấn đề. Cung có lúc không đủ cầu, nên một số thương nhân bán buôn xăng dầu đã “găm” hàng lại. Như tôi đã nói ở trên, hiện tượng cây xăng “găm” hàng vẫn có nhưng không đến mức phổ biến. Nhất là việc giá xăng bị nén 10 ngày, không điều chỉnh theo mức tăng giá của thị trường thế giới chính là một trong những nguyên nhân khiến xăng dầu khan hiếm trên diện rộng.

Ông Vũ Vinh Phú.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc “găm” hàng có sự bất cập trong cách tính giá xăng, dầu. Quan điểm của ông thế nào, thưa ông?

- Hiện trong Quỹ bình ổn giá xăng dầu có 300 đồng/lít là tiền của người dân. Khi người dân mua xăng là đã có phần nộp vào quỹ bình ổn. Trong quá trình điều hành, nhà quản lý cũng có lúc xả quỹ để điều hòa giá xăng song có lúc quỹ cũng âm. Vì thế nếu việc dự trữ xăng dầu với sản lượng đủ lớn là giải pháp tốt nhất. Bởi chúng ta có thể tự sản xuất, tự cung được 75% xăng dầu.

Trong điều hành giá xăng dầu, dư luận thường hay băn khoăn về việc khi điều chỉnh tăng thì giá tăng giá cao, còn khi giảm lại rất nhỏ giọt. Việc tăng, giảm giá này nếu đúng theo quy luật của thị trường thì chúng ta phải chấp nhận.

Điều đáng nói nằm ở vấn đề điều chỉnh giá hiện nay. Trước đây chúng ta quy định thời gian đều chỉnh giá là 1 tháng, sau đó rút xuống 15 ngày. Còn bây giờ theo Nghị định 95 là 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu một lần. Thực tế, ở các nước chỉ 3-4 ngày là họ đã điều chỉnh. Tôi đã từng kiến nghị điều này. Vừa qua Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất về thời gian điều chỉnh nên ngắn hơn. Theo tôi, như thế mới cập nhật được tình hình thực tế.

Hiện cách điều hành thị trường xăng dầu của chúng ta đang nặng về hành chính. Nhất là xăng dầu vẫn còn độc quyền, chưa có cạnh tranh. Phải làm sao để có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, như vậy mới tránh được tình trạng độc quyền. Bên cạnh đó, cần tăng cường dự trữ xăng dầu, có nhiều nhà phân phối để tăng sức cạnh tranh.

Như vậy, theo ông với thị trường này, cần tính đến việc dự trữ xăng dầu dài hơi hơn?

- Đây là vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Xăng dầu ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế vì đây là mặt hàng “đầu vào” của sản xuất, đụng chạm tới túi tiền của người dân trong khi dịch Covid-19 vẫn đang khó khăn.

Dự trữ xăng dầu là vấn đề rất quan trọng. Trước đây quy định là 30 ngày để các thương nhân dự trữ, bây giờ rút xuống còn 20 ngày. Nếu không có dự trữ sẽ rất dễ bị động. Tại các nước trên thế giới, họ dự trữ 2-3 tháng, có nước lên đến 6 tháng nên họ rất chủ động mặt hàng xăng dầu và cũng không cần đến quỹ bình ổn giá. Dự trữ xăng dầu còn có ý nghĩa khi có biến động, có thể dùng lượng dự trữ xả ra, góp phần bình ổn giá cho thị trường.

Đặc biệt nhà quản lý cần xem xét, tính toán đến việc giảm thuế phí trong cơ cấu giá xăng dầu khi mà giá mặt hàng này đang chiếm tới hơn 40% trong giá bán lẻ. Như vậy có thể giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần chủ động nguồn cung xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO