Cần cơ chế thu hút nhân tài

M.Loan - H.Vũ 30/03/2021 06:35

Ngày 29/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu,

Nhiều cải cách chưa đến nơi đến chốn

ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đánh giá cao báo cáo của Chính phủ trong thời gian qua, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên theo bà Châu, nhiều cải cách vẫn chưa “đến nơi đến chốn”, trong đó có giáo dục đào tạo. “Đến nay giáo dục đào tạo vẫn lưng chừng, chưa có dấu hiệu dừng việc học sinh tiểu học phải đi học thêm”- bà Châu nói và đề nghị cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Bà Châu kiến nghị trong nhiệm kỳ tới cần đẩy mạnh Chính phủ điện tử, những kiến nghị mà nhân dân gửi đến nếu chậm trả lời phải có cơ chế xin lỗi. Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho giao thông Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời quan tâm hơn nữa tới chất lượng công tác quy hoạch đào tạo cán bộ nữ cấp chiến lược.

Còn ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng: Thực hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Tuy nhiên việc huy động vốn thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Bà Mai dẫn chứng: “Nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển, một số dự án BOT tại các địa phương đã phải chuyển từ hình thức đối tác công-tư sang sử dụng 100% vốn nhà nước”. Theo bà Mai, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách là không dễ dàng, nhưng Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải tạo được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực từ người dân cho phát triển.

Về thực hiện phân cấp trong đầu tư công, bà Mai đánh giá nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm phát huy tính tự chủ của địa phương. Tuy nhiên, thực tế, không ít địa phương đưa vào danh sách nhiều dự án chưa phù hợp trong khi nguồn lực có hạn, tạo gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến những dự án trọng điểm khác. Do đó cần chấp hành nghiêm Luật Đầu tư công. Theo đó, Quốc hội chỉ phê chuẩn danh sách đầu tư công trung hạn và Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ chi tiết, tránh tình trạng dàn trải, manh mún.

Bên cạnh đó, hạch toán ngân sách theo kết quả đầu ra cần phải lấy kết quả cụ thể làm thước đo sử dụng ngân sách, do đó Quốc hội trong nhiệm kỳ tới cần làm rõ chi tiết số lượng dự án, số ngân sách được phân bổ, đã chi bao nhiêu, chi cho những dự án nào. Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp). ĐB này nói thêm: Khi một cỗ máy vận hành thì chỉ một chi tiết nhỏ lỡ nhịp sẽ ảnh hưởng tới cả cỗ máy. Do đó trong nhiệm kỳ tới phải hiểu điều dân muốn, làm điều dân cần, khắc phục bệnh hình thức trong đánh giá.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa.

Kiên quyết xóa bỏ lối mòn tư duy

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), nhiệm kỳ này Chủ tịch nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt, việc Chủ tịch nước kêu gọi cả nước đoàn kết trước đại dịch Covid-19 có ý nghĩa rất cao; đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo công tác cải cách tư pháp. Còn trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có một số thành công rất quan trọng như thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, khắc phục các khó khăn, tồn tại từ các nhiệm kỳ trước...

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, tình trạng khiếu nại tố cáo còn nhiều, việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế. Về nhiệm kỳ tới, ông Nhưỡng đề nghị, cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế thu hút nhân tài.

Thống nhất và đánh giá cao báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) mong muốn, Chính phủ trong nhiệm kỳ tới dành thời gian rà soát chính sách sử dụng nhân tài bởi vấn đề con người có ý nghĩa quyết định đến năng lực của bộ máy.

Theo bà Hiền, bộ máy của chúng ta có hai nhóm chuyên gia gồm: nhóm chuyên gia thông thái và nhóm chuyên gia thông minh. Trong đó, nhóm chuyên gia thông minh nắm bắt tốt lĩnh vực của mình nhưng khi có trở ngại hoặc vướng mắc, họ chỉ muốn giữ “an toàn” trong lĩnh vực quen thuộc của mình. Do đó, khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn thì khả năng sáng tạo sẽ không còn.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, theo bà Hiền, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua “là bài học xương máu cho các nhà quản lý giáo dục”. Điều đáng nói là khi xã hội đã thấy rõ những hậu quả mà nhiều học sinh và gia đình đang phải đối mặt thì vấn đề cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm này lại chưa rõ ràng. Do đó, “đừng xem trách nhiệm là trái bóng” và Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế tăng thêm kỷ cương quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần cơ chế thu hút nhân tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO