Cần khẳng định chỗ đứng của văn học nghệ thuật Việt Nam

PV 24/11/2021 08:00

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng: Để lĩnh vực văn học nghệ thuật của Việt Nam phát triển tương xứng với sự phát triển của đất nước và khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học nghệ thuật của thế giới, tôi nghĩ cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn phẩm chất đạo đức. Trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt cần đề ra tiêu chuẩn bắt buộc là am hiểu văn hóa, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, nhận thức đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội.

Hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong ngành văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, một lĩnh vực mà nhân lực đòi hỏi phải có năng khiếu. Vậy nên việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn cán bộ lĩnh vực này cần có lộ trình sớm để có kế hoạch đầu tư ngân sách xứng đáng. Vì mọi thành công hay yếu kém của nền văn học nghệ thuật nước nhà đều do chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ quyết định.

Văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay có tất cả 9 chuyên ngành, gồm: Văn học, Sân khấu, Âm nhạc, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Múa, Kiến trúc và Văn nghệ dân gian. Mỗi chuyên ngành có đặc thù riêng và tất cả các chuyên ngành đều xứng đáng được tôn vinh. Nhưng hiện nay, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật chỉ trao các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực biểu diễn, như vậy là bất cập. Vì vậy cần sớm bổ sung việc xét tặng các danh hiệu này cho cả các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định, nhằm góp phần động viên, khích lệ, tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật.

Lịch sử Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường gần 70 năm hình thành và phát triển, để lại một kho tàng tư liệu lịch sử bằng ảnh vô giá cho đất nước. Nhiều bức ảnh là dấu mốc lịch sử chói lọi của dân tộc, là những biểu tượng đi vào lòng người. Rất nhiều bức ảnh chân thực, xúc động được chụp ngay tại hiện trường, có tầm khái quát, điển hình cao, đều là những tác phẩm ảnh quý, có giá trị lâu dài, thuộc di sản văn hóa dân tộc. Thời gian trôi qua, người ta có thể viết lại lịch sử bằng văn tự, nhưng không ai chụp lại được sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử của quá khứ. Vì vậy những bức ảnh chân thực ấy mãi mãi là văn bản nghệ thuật bất di, bất dịch, đáng tin cậy của lịch sử đất nước.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có các Bảo tàng Mỹ thuật tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; đã có Bảo tàng Văn học Việt Nam; Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhưng lại chưa có Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong khi nhiếp ảnh đã du nhập vào Việt Nam trên 150 năm, và nhìn ra thế giới chúng ta thấy có rất nhiều nước có bảo tàng nhiếp ảnh như ở Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc, Anh, Pháp, Italia, Australia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Bỉ, Phần Lan… Để tiếp tục lan tỏa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý của lịch sử phát triển dân tộc, Đảng và Nhà nước cần đầu tư xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam.

Sự nghiệp đổi mới của Đảng và dân tộc đang vươn tới tầm cao mới trong bối cảnh thế giới đang tiến những bước khổng lồ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Toàn dân tộc đang chung sức đồng lòng, chung tay gắng sức vượt qua đại dịch Covid-19 với mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Quan tâm tới hành lang pháp lý, chế tài xử phạt tranh giả

Thị trường tranh giả ở Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục là một vấn nạn chưa có hồi kết. Hành lang pháp lý, chế tài xử phạt vẫn mong manh. Ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng luật về mỹ thuật thì chưa, chỉ có nghị định và các văn bản dưới luật.

Tôi ủng hộ việc hình thành các sàn đấu giá nghệ thuật nội địa. Nhưng thời gian qua, cũng có nhiều tai tiếng từ các sàn đấu giá trong nước. Đó là chuyện tranh giả lên sàn, chuyện “quân xanh, quân đỏ” tạo ra các giá trị ảo. Đây là nỗi buồn khó dứt của cả giới mỹ thuật. Còn để xây dựng lại thị trường tranh Việt Nam thế kỷ XXI lành sạch và chuyên nghiệp, tất nhiên chúng ta phải dọn sạch thị trường tranh giả, trả lại lòng tin cho các nhà sưu tập, những người yêu tranh Việt ở trong và ngoài nước.

Minh Quân (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần khẳng định chỗ đứng của văn học nghệ thuật Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO