Cần lắm bữa ăn an toàn

An Thái 16/07/2019 09:00

Ngộ độc thực phẩm tập thể - chuyện không mới nhưng luôn là nỗi ám ảnh vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Những vụ ngộ độc tập thể lâu nay cũng thường xuyên xảy ra tại bếp ăn trong khu công nghiệp, tại trường học hoặc trong những bữa tiệc tập thể. Theo phân tích từ các chuyên gia, âu cũng bởi các cơ sở kinh doanh, chế biến vì lợi nhuận trước mắt mà không tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần lắm bữa ăn an toàn

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một chợ truyền thống. Ảnh: Nhật Minh.

Mới nhất là vụ việc xảy ra cuối tuần qua khi có tới hàng trăm người tại 2 huyện (Krông Búk và Buôn Đôn) ở Đắk Lắk phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn tại đám cưới. Liên quan đến các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nói trên, Sở Y tế Đắk Lắk đã có báo cáo nhanh gửi Bộ Y tế, đồng thời có công văn chỉ đạo các bệnh viện, cơ quan chuyên môn trực thuộc tích cực cứu chữa cho các bệnh nhân và điều tra, xác minh nguyên nhân vụ việc.

Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), cùng đó là những số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mới đây trong Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản (tổ chức tại TP Đà Nẵng) không khỏi khiến nhiều người phải giật mình. Đó là chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp, các địa phương đã kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm thuộc phạm vi kiểm tra ngành và phát hiện hơn 2.500 vụ vi phạm, thu xử phạt hơn 9,63 tỷ đồng. Cụ thể là việc tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng nhiều, nguy cơ cao, kịp thời phát hiện, truy xuất xử lý 21 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP; phát hiện 23 mẫu thịt lợn, gà tại cơ sở giết mổ, kinh doanh nhiễm E.Coli, Salmonella. Qua thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản đã phát hiện 1.947 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản vi phạm các điều kiện về ATTP…

Quy định về vệ sinh ATTP đã có, cơ chế kiểm tra chuyên ngành ATTP cũng đã rõ ràng, nhưng tại sao những vụ việc ngộ độc ATTP vẫn xuyên xảy ra? Đây là một câu hỏi lớn đang được người tiêu dùng đặt ra.

Hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP. Riêng tại Hà Nội, theo kế hoạch từ ngày 10/7/2019 đến ngày 10/7/2020, thành phố sẽ mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Trước đó, trong các năm từ 2016-2018, qua thanh kiểm tra ATTP Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác ATTP của thành phố cho rằng, mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến cơ sở đã giúp tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như, thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, nên thanh tra viên tại các địa phương vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm. Đặc biệt, ở tuyến xã, phường, việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn nể nang, đôi lúc xử lý vi phạm chưa quyết liệt.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, trong khi lực lượng thanh tra ở tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, thành phố còn mỏng, thì việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã huy động thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ở lĩnh vực này. Song theo các phân tích, việc tổ chức thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận và phường là vấn đề mới, nên ban đầu triển khai cũng không tránh khỏi lúng túng. Hơn thế hiện nay có tình trạng chồng chéo trong thanh, kiểm tra, thành thử cũng có những phản ánh về tình trạng lạm quyền trong thanh tra ATTP. Trong khi yêu cầu của việc thanh tra là hướng tới vấn đề vệ sinh ATTP, xử phạt phải công minh. Nếu cơ sở, doanh nghiệp không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại tới sức khỏe người dân từ thực phẩm bẩn, chứ không phải sự nhũng nhiễu…Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền không chỉ cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mà còn cho cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP.

Đảm bảo vệ sinh ATTP là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm lương tâm của tất cả mọi người. Chúng ta không chỉ nói không với thực phẩm bẩn mà cần phải lên án những hành vi sản xuất thực phẩm bẩn vì lợi ích của mình mà làm tổn hại đến sức khỏe và lợi ích của người khác. Vừa rồi trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam-Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Đã đến lúc đặt ra yêu cầu người dân phải được dùng thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần lắm bữa ăn an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO