Cần làm rõ khái niệm Nhà công vụ

Tiến Đạt 14/03/2023 14:52

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội cho rằng cần xem xét đến việc bỏ khung giá đất. Nếu không có khung giá đất thì chúng ta đi thỏa thuận thế nào và lấy gì làm căn cứ để thỏa thuận. Vấn đề nằm ở chỗ khung giá đất phải sát với thị trường; đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích, công khai minh bạch và phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội phát biểu tại Hội nghị.

TS Nguyễn Viết Chức kiến nghị, dự thảo Luật cần giải quyết triệt để vấn đề về chính sách nhà ở xã hội, bởi hiện còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn chưa thể mua được nhà. Cần có sự hỗ trợ trực tiếp, công khai, minh bạch về nhà ở xã hội, và ở điểm này rất cần vai trò của MTTQ Việt Nam. Luật Đất đai lần này phải làm cho thật căn cơ, đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, và ở đó, MTTQ Việt Nam các cấp phải thể hiện đúng vai trò, vị trí của mình.

TS Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội phát biểu.

Ở góc độ khác, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội cho rằng, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ cần được quy định rõ trong dự thảo Luật chứ không nên giao cho Chính phủ quy định. Ông Tuấn cũng bày tỏ sự tán thành với đề xuất bỏ khái niệm “hộ gia đình”, bởi hộ gia đình có thể bao gồm có nhiều thành viên gia đình, dẫn đến tình trạng về sau dễ phát sinh tranh chấp, khó giải quyết. Đồng thời, quy hoạch đất đai nên được quy định theo hướng mở để đến những thời điểm nhất định trong tương lai sẽ dễ dàng có sự điều chỉnh để quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội phát biểu.

Góp ý về giải quyết việc làm và sinh kế bền vững cho người dân khu vực tái định cư khi bị thu hồi đất, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần kết hợp nhiều hình thức khác như hỗ trợ chuyển đổi nghề, ưu tiên đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài, ổn định cho hộ gia đình, cá nhân người dân bị thu hồi đất. Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định cụ thể đất xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ. Chính phủ và Ban soạn thảo Luật Đất đai cần tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu.

Đề cập đến nội dung đất khu công nghiệp, ông Trần Phù Tiêu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng về nhà ở cho công nhân. Không thể lấy đất ở khu công nghiệp để kết hợp vào khu nhà ở cho công nhân, bởi thực tế ở trong khu công nghiệp không thể đảm bảo điều kiện về khu sinh hoạt chung và môi trường đảm bảo cho đời sống của công nhân.

“Việc xây dựng nhà ở công nhân phải đảm bảo quyền và lợi ích của công nhân và phải có cơ chế Nhà nước đầu tư đến đâu; doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn như thế nào để đảm bảo chính sách nhà ở cho công nhân lao động. Nếu mức giá trên 300 triệu đồng thì liệu công nhân, người lao động nghèo có mua được nhà không”, ông Tiêu đặt vấn đề.

Ông Trần Phù Tiêu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ phát biểu.

Theo ông Trần Phù Tiêu, khái niệm “nhà công vụ” phải phục vụ cho tất cả các đối tượng công chức, viên chức. Cụ thể phải có những khái niệm hết sức cụ thể về nhà công vụ. "Việc quy định “nhà công vụ” phải phục vụ cho tất cả các đối tượng công chức, viên chức. Có những thầy giáo lại đi thuê những căn nhà lụp xụp thì làm sao mà nghiên cứu, làm sao mà dạy học được hoặc là những người công nhân phải đảm bảo về vật chất, tinh thần, nhà ở thì người ta mới yên tâm sản xuất được. Cho nên khái niệm về nhà công vụ phải phục vụ cho tất cả mọi người là công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, khi quy hoạch đô thị và các khu dân cư thì phải có quy hoạch dành cho nội dung này”, ông Trần Phù Tiêu nói.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp thu những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của đại biểu đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, cho ý kiến vào những vấn đề trọng tâm như giải quyết việc làm và giải quyết sinh kế bền vững cho người dân ở khu vực tái định cư khi bị thu hồi đất; đất xây dựng nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà công vụ và một số nội dung khác trong dự thảo Luật được dư luận xã hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật phù hợp với tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tặng Bằng khen cho TS Nguyễn Văn Hùng ghi nhận đóng góp xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2022.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần làm rõ khái niệm Nhà công vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO