Cần nhiều giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng trẻ em

Minh Huệ 15/06/2021 13:29

Cứ 100.000 trẻ thì có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích (tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày). Trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, trung bình mỗi năm, Việt Nam có tới 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích; 6.600 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, chiếm 35,5% tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ thì có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích (tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày). Trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mùa hè vui và an toàn cho mọi trẻ em”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.

Chia sẻ tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, trong khi các tai nạn thương tích đang giảm và giảm rất chậm thì gần đây lại nổi lên các loại hình tai nạn lặp đi lặp lại khác như: Rơi ngã tại các tòa nhà cao tầng, súc vật cắn… Những vấn đề này đòi hỏi sự giám sát, quan tâm của các bậc cha mẹ vì hầu hết các tai nạn thương tích đều xảy ra trong môi trường gia đình, cộng đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020 nhờ rất nhiều nỗ lực, chúng ta đã kéo giảm được tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là tử vong do đuối nước. Có thể nói, trong 5 năm qua, mỗi năm, chúng ta đã cứu được sinh mạng của gần 500 trẻ em. Như vậy, nếu có nỗ lực, giải pháp thì rủi ro cho trẻ em sẽ giảm.

Trả lời câu hỏi hầu hết các vụ tử vong do tai nạn thương tích đều có nguyên nhân từ sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ. Vậy thì hệ thống pháp luật Việt Nam có thể xử lý không? Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam có thể xử lý được những trường hợp như vậy. Nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì xử lý hình sự. Nhưng vấn đề ở chỗ là các cơ quan có thẩm quyền xử lý cần phải dành thời gian, công sức, xác minh, điều tra, xử lý.

Một công trình giao thông, một công trình xây dựng để lại hố nước, trẻ em đến đó bị rơi xuống tử vong. Kể cả đó là sơ suất, vô ý làm chết người nhưng theo luật hình sự thì vẫn phải xử lý những người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở hay người trực tiếp gây ra cái chết đó. Nhưng đáng tiếc chưa có một vụ tai nạn thương tích trẻ em dẫn đến tử vong nào như: Điện giật, ngã, đuối nước mà có xử lý hình sự. Hình như sinh mạng trẻ em chưa được coi trọng nên chúng ta không có những biện pháp trước mắt và lâu dài rốt ráo, Cục trưởng Cục trẻ em bày tỏ quan điểm.

Ông Đặng Hoa Nam cũng cho biết: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ và có thể trong tháng 6 này, Thủ tướng sẽ ra quyết định để ban hành một chương trình quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Trong giai đoạn tới, với chương trình mới của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em sẽ triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính: Tạo môi trường ý thức và nhận thức, kỹ năng của gia đình, trẻ em và các cấp chính quyền địa phương; tuyên truyền, giáo dục cho các em về phòng, chống tai nạn thương tích; tăng cường các chế tài, thanh tra, kiểm tra, xử lý (hành chính và hình sự ) các vụ việc dẫn đến tử vong trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, việc bảo vệ trẻ em không chỉ là việc của chương trình quốc gia 5 năm hay 10 năm mà là việc mỗi gia đình, mỗi tổ chức đoàn thể cần phải làm hàng ngày. Chắc chắn trong giai đoạn sắp tới, phải tăng cường quan tâm xử lý, xác minh các vụ việc dẫn đến tử vong trẻ em để làm bài học răn đe cho cha mẹ, chính quyền địa phương. Bởi vì Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc “trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, phải kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu”. Vậy thì người đứng đầu trong gia đình, trong doanh nghiệp, địa phương... phải chịu trách nhiệm. Các giải pháp xử lý cần được thực hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa thì mới cứu được sinh mạng của trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đuối nước là kẻ giết người thầm lặng cướp đi tính mạng của hơn 370.000 người mỗi năm. Tuy nhiên, một điều đáng báo động hơn là con số này chưa đầy đủ, chỉ ghi nhận số liệu từ 66 nước. Điều đáng buồn, hơn 90% số ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua, tuy nhiên, theo thống kê, mỗi năm gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần nhiều giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO