Can thiệp sớm để trẻ khuyết tật hòa nhập tốt hơn

An Thái 10/02/2023 07:45

Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em. Theo đó, việc phát hiện và can thiệp sớm có tác động tích cực tới trẻ, cha mẹ, gia đình và xã hội, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hội nhập và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phát hiện sớm, can thiệp sớm để tác động tích cực tới trẻ khuyết tật. Ảnh: TL.

Theo Khảo sát gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2004, tỷ lệ khuyết tật ở trẻ em trên phạm vi toàn cầu chiếm 5,1% ở nhóm 0- 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo UNICEF, ước tính có khoảng 1,1 trẻ em khuyết tật độ tuổi dưới 16 tuổi; trong đó, loại khuyết tật phổ biến nhất là khuyết tật về vận động (22,4%), khuyết tật về nói (21,4%).

Từ thực trạng đó, theo Bộ Y tế cần phát hiện sớm - can thiệp sớm trẻ khuyết tật để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của trẻ và gia đình. Trong đó, phát hiện sớm trẻ khuyết tật bằng các biện pháp sàng lọc rối loạn phát triển của trẻ theo độ tuổi và giai đoạn nhằm phát hiện trẻ có yếu tố nguy cơ bị khuyết tật để gửi đi khám, phân loại khuyết tật, từ đó có biện pháp can thiệp sớm.

Thống kê cho thấy, có khoảng một 1/2 trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và khoảng 90% số trẻ em khuyết tật sống tại các trung tâm bị khuyết tật nặng, tình trạng đa khuyết tật gặp khá thường xuyên. Các chuyên gia khuyến cáo, đối tượng của phát hiện sớm khuyết tật là tất cả trẻ em từ 0-6 tuổi tại cộng đồng (bình thường và khuyết tật đã được chẩn đoán trước đó).

Theo hướng dẫn chẩn đoán, can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật của Bộ Y tế, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, nhiều trẻ khuyết tật sẽ phục hồi tốt và phát triển bình thường, như trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường. Một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường, như trẻ chậm phát triển vận động, ngôn ngữ so với tuổi, trẻ bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ. Một số trẻ khuyết tật nặng cũng được phục hồi không dẫn đến các khuyết tật thứ phát, các kỹ năng được cải thiện nhiều và có thể hội nhập xã hội. Ví dụ, trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp, tuy không đi lại được nhưng ngồi xe lăn vẫn có thể đi học.

Thêm vào đó, can thiệp sớm khiến cha mẹ tiếp cận thông tin tốt hơn về: Chẩn đoán, nguyên nhân khuyết tật, hiểu biết về sự phát triển bình thường của trẻ, hệ thống cung cấp dịch vụ hiện có và cách để kích thích sự phát triển đang bị chậm hoặc rối loạn của trẻ.

Ở Việt Nam, phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ được bắt đầu từ những năm 90, được lồng ghép vào chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của Bộ Y tế. Từ năm 2001, can thiệp sớm cũng được đề cập đến trong “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010” của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ có nhu cầu đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, tiểu học và THCS.

Tiếp đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm” được biên soạn công phu với sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về trẻ khuyết tật trong và ngoài nước (năm 2014). Tuy nhiên, với sự hạn chế về nguồn lực tài chính và con người, các hoạt động về phát hiện sớm - can thiệp sớm mới chỉ được thực hiện tại một số địa bàn có sự hỗ trợ của các dự án do các tổ chức quốc tế và trong nước triển khai, với độ bao phủ tương đối thấp, thời gian chưa dài, các dịch vụ can thiệp chưa toàn diện.

Bộ Y tế lưu ý, các dịch vụ phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em phải được các chuyên gia cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đảm nhiệm, đó là kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu; kỹ thuật viên hoạt động trị liệu; kỹ thuật viên vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý; y tá điều dưỡng; chuyên gia dinh dưỡng; kỹ thuật viên gia đình; bác sĩ nhi khoa; bác sĩ phục hồi chức năng và bác sĩ các chuyên khoa khác; người làm công tác xã hội; chuyên gia giáo dục đặc biệt; giáo viên nhà trẻ và giáo viên mầm non.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Can thiệp sớm để trẻ khuyết tật hòa nhập tốt hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO