Cần Thơ có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hồng Diễm 03/11/2020 16:23

Tính đến hiện tại TP Cần Thơ có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị GRDP khu vực nông lâm thủy sản tăng gấp 6,6 lần so với năm 2016. Xuất khẩu thủy sản là ngành chiếm ưu thế, ngành hàng chủ yếu là cá tra, hàng năm góp 1/3 vào thị phần xuất khẩu thủy sản.

Ngày 3/11, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp của Cần Thơ đang phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, có 6 vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực của Cần Thơ, phát triển theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, cụ thể: Chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn; Phát triển vùng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày; Phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái…Theo quy hoạch phát triển đến năm 2030 sẽ có 8 tiểu vùng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông lâm thủy sản đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 6,6 lần so với năm 2016; TP Cần Thơ có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng thành công 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và xác nhận sản phẩm nông lâm thủy sản chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 293 sản phẩm nông lâm thủy sản và hỗ trợ ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc.

Mô hình trồng rau thủy canh ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với cánh đồng mẫu lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Diện tích lúa năm 2020 ướt đạt 214 nghìn ha, giống lúa chất lượng cao đạt trên 80% đã góp phần tăng cao giá trị và chất lượng của hạt gạo; Diện tích rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày ước đạt trên 17 nghìn ha (tăng 55% so với năm 2016). Hiện đã mở rộng 18 vùng sản xuất rau với diện tích gần 330 ha, sản lượng trên 28 nghìn tấn; Cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái phát triển mạnh, xây dựng và hình thành các sản phẩm cây ăn trái đặc trưng có thương hiệu gắn với địa phương như: Dâu Hạ Châu Phong Điền, Sầu Riêng, Xoài Cát Hòa Lộc Sông Hậu,… Đến nay, có gần 8.000 ha là vùng trồng cây ăn quả tập trung.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín

Hiện nay ngành xuất khẩu thủy sản đang chiếm thế mạnh trong cơ cấu ngoại tệ xuất khẩu của toàn TP. Diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng đạt 9.000 ha, sản lượng đạt trên 200 nghìn tấn vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, riêng cá tra đạt trên 80% sản lượng. Thành tựu trên là kết quả của quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng sang hơn 100 nước, giá trị xuất khẩu khoảng 500 triệu USD chiếm 1/3 thị phần phần xuất khẩu thủy sản. Công nghiệp chế biến cũng được cải thiện đáng kể, ngoài sản phẩm chủ lực là cá phi lê, các nhà máy tận dụng đầu, da để chiết xuất colagen, dầu cá, cá tra ăn liền…

Giống cá tra ngày càng được cải thiện, chỉ số tăng trưởng cao hơn 20 – 25% so với giống cá trước đây, góp phần nâng cao sản lượng cá giống, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng cho người dân. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cũng được cải thiện từ thức ăn tự nhiên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thay thế bằng thức ăn công nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Dũng Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Để hoàn thiện các chương trình công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: Trong thời gian tới, để xây dựng đề án mô hình nguồn gốc điện tử cho từng loại sản phẩm, chất lượng con giống và tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi cần được quan tâm hơn nữa. Điều này góp phần làm gia tăng tính cạnh tranh, nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm và ngày càng phù hợp với thị trường xuất khẩu khó tính…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần Thơ có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO