Cẩn trọng khi giao kết bằng hợp đồng miệng dịp cuối năm

PV 12/12/2022 10:00

Trong thực tế, giao dịch dân sự bằng miệng đang diễn ra rất phổ biến, vì tin tưởng, vì quen biết mà các bên lựa chọn giao kết hợp đồng bằng hình thức này. Tuy nhiên, không biết được rằng, giao kết hợp đồng bằng miệng dẫn tới nhiều hệ lụy, dễ nảy sinh tranh chấp, quyền lợi của các bên không được pháp luật bảo vệ thậm chí có nguy cơ mất luôn tài sản.

Rủi ro lớn

Trong thực tế, với những giao dịch đơn giản, không phức tạp, giá trị không lớn, lại tin tưởng nên người dân chủ yếu thỏa thuận bằng miệng với nhau. Điều này trở thành một thói quen với nhiều người, họ không biết rằng việc giao kết bằng hình thức này dẫn tới nhiều rủi ro và không đảm bảo hoàn toàn được quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Càng về cuối năm, các hoạt động buôn bán, kinh doanh càng trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm dễ dàng phát sinh các hợp đồng miệng.

Ảnh minh hoạ.

Theo quy định, hợp đồng miệng chỉ được pháp luật dân sự thừa nhận trong các trường hợp không bắt buộc phải lập thành văn bản. Người tham gia giao dịch phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, trên tinh thần tự nguyện; mục đích, nội dung không trái pháp luật và đạo đức. Ví dụ như mua bán những vật phẩm nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Về nguyên tắc, đây cũng được coi là hợp đồng và có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với hai bên, theo đó, hợp đồng giao kết bằng miệng trong một số trường hợp nhất định vẫn có hiệu lực pháp lý.

Bên cạnh đó, các hợp đồng có sự điều chỉnh đặc thù như hợp đồng lao động, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền… Bộ luật dân sự (BLDS) quy định những hợp đồng này chỉ có giá trị pháp lý khi giao kết bằng văn bản thậm chí đối với giao dịch liên quan đến bất động sản cần phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực thì khi đó mới phát sinh hiệu lực pháp luật.

Do nội dung giao dịch không đầy đủ và chi tiết, khi thực hiện giao kết hợp đồng miệng được các bên thỏa thuận một cách nhanh chóng, các bên chỉ thỏa thuận một số nội dung chính mà các bên không lường trước được các tình huống phát sinh có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng, cũng như việc bồi thường nếu có tranh chấp hay thiệt hại xảy ra. Khi giao kết hợp đồng bằng miệng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, xảy ra nhiều hậu quả pháp lý đặc biệt là nảy sinh tranh chấp, khi phát sinh tranh chấp rất khó chứng minh nội dung đã giao dịch trước đó để yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

Khi tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ, các đương sự cũng không có giấy tờ gì để cung cấp. Nếu muốn khởi kiện mà đương sự lại không đưa ra chứng cứ, chứng minh thì việc khởi kiện không thực hiện được. Đồng thời thỏa thuận bằng lời nói nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu khởi kiện ra tòa án, cũng sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu một bên trong giao dịch phủ nhận.

Cẩn trọng những hợp đồng miệng

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống Dịch vụ Pháp lý Luật sư X) cho biết, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, hợp đồng cũng là một trong những giao dịch dân sự, để hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì hợp đồng cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự.

Về chủ thể, cần phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự giao kết, chủ thể tham gia cần phải có sự tự nguyện, mục đích, nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Thêm vào đó, trong một số giao dịch cần tuân thủ đúng hình thức ví dụ như công chứng, chứng thực.

Luật sư Nguyễn Văn Đoàn.

"Các hợp đồng liên quan tới quyền sử dụng đất tiêu biểu như hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng cho thuê, tặng cho hoặc là cho mượn, cho ở nhờ hiện nay pháp luật đất đai và bộ luật dân sự quy định đối với các hợp đồng này sẽ phải lập thành văn bản trong một số trường hợp ngoài yếu tố văn bản cần đáp ứng các yếu tố khác như công chứng, chứng thực và đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc các bên thỏa thuận bằng miệng sẽ dẫn đến hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu, tranh chấp có thể xảy ra khi đó quyền lợi của các bên không được pháp luật bảo vệ”, Luật sư nhấn mạnh.

Nhiều người dân do chưa hiểu kỹ về luật cũng như vì lòng tin mà chỉ thỏa thuận, nói chuyện bằng miệng, không lập văn bản hợp đồng hay thực hiện công chứng chứng thực. Thực tế, có rất nhiều những thiệt hại trong những tranh chấp hợp đồng miệng vì gần như không có một chứng cứ để pháp luật bảo vệ.

Luật sư cho biết thêm, trên thực tế đã từng tiếp nhận rất nhiều vụ việc liên quan đến hợp đồng miệng mà thiệt hại tài sản rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tư vấn.

"Có rất nhiều câu chuyện thực tế liên quan đến lòng tin dẫn tới nhiều hậu quả pháp lý không mong muốn, đó đều là những bài học cảnh tỉnh người dân khi thực hiện giao kết hợp đồng đặc biệt là những hợp đồng liên quan tới bất động sản. Chỉ vì người dân chưa được trang bị kiến thức để dẫn tới những hậu quả pháp lý không đáng có", Luật sư nhấn mạnh.

Luật sư Đoàn khuyến cáo người dân, trước khi tham gia giao dịch hợp đồng cần phải tìm hiểu kỹ các điều kiện của một giao dịch, thỏa thuận rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Bênh cạnh đó cần phải tuân thủ đầy đủ đúng các điều giữa các bên đã thỏa thuận với nhau để hạn chế xảy ra tranh chấp. Khi giao dịch nên hạn chế tới mức tối đa các hợp đồng miệng để bảo vệ được chính bản thân mình. Với loại hợp đồng này, khi giao kết cần phải có ghi âm nếu không ít nhất phải có người làm chứng.

Việc giao kết hợp đồng bằng miệng vẫn được thực hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Người tham gia giao dịch thường vì mối quan hệ quen biết, tin tưởng nên không lưu giữ lại những bằng chứng chứng minh về giao dịch. Tuy nhiên, đối với các giao dịch có giá trị lớn như bất động sản hay những hợp đồng đặc thù do BLDS điều chỉnh để đảm bảo quyền và lợi ích, các bên cần tuân thủ theo đúng quy định về nội dung, hình thức đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng khi giao kết bằng hợp đồng miệng dịp cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO