Căng thẳng cuộc đua vào lớp 10

NGUYỄN HOÀI 19/03/2023 08:20

Gần tới kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội, áp lực thi cử lại càng đè nặng lên tâm lý phụ huynh và học sinh, nhất là trong năm học 2023-2024 tới đây chỉ có 55,7% học sinh có cơ hội đỗ vào trường công lập.

Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023.

Cánh cửa hẹp

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 do Sở GDĐT Hà Nội vừa công bố, toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển sinh vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023. Trong đó tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023, chiếm tỷ lệ 55,7%.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 sẽ diễn ra trong ngày 10 và 11/6 với 3 môn thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Về việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.

Số lượng học sinh tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh, chiếm 23,2%. Số còn lại, các em tuyển vào: trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%); các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%).

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội được đánh giá là kỳ thi căng thẳng nhất trong các kỳ thi. Những năm trước đây, tỉ lệ học sinh lớp 9 vào lớp 10 THPT công lập rơi vào khoảng 60-62%. Trong khi đó năm nay, tỉ lệ này còn ở mức thấp kỷ lục, 55,7%. So với 7 kỳ tuyển sinh trước đó, đây là năm có số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 đông nhất. Các em sẽ phải cạnh tranh qua “cánh cửa hẹp” để nằm trong số 72.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập của năm học 2023-2024.

Thực tế này đang khiến nhiều phụ huynh và học sinh đứng ngồi không yên vì lo lắng. Em Nguyễn Ngọc Anh, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) cho biết, để chuẩn bị cho cuộc đua này, từ đầu năm lớp 9, em học đến mức quên ăn, quên ngủ. Nhất là những ngày gần đây, sau khi Sở GDĐT công bố kế hoạch tuyển sinh của năm nay, ngày nào em cũng cảm thấy bất an, mỗi ngày em chỉ ngủ 5 tiếng, có hôm học đến 1-2h sáng, có hôm ngủ sớm thì dậy học từ 4h sáng.

Anh Nguyễn Việt Trường (quận Đống Đa) cho hay, số lượng học sinh xét tốt nghiệp THCS năm nay tăng mạnh thì cánh cửa vào trường công không dễ dàng. Trong khi đó, sức học của con anh chỉ ở mức trung bình. Anh Trường bày tỏ lo lắng vì không biết chọn hướng đi nào nếu như con không đỗ vào lớp 10 công lập. “Gia đình tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của các phụ huynh có con đã thi vào lớp 10 năm trước và đang tính toán phương án dự phòng cho con vào các trường THPT ngoài công lập để trút bớt căng thẳng cho con”, anh Trường nói.

Áp lực, lo lắng trước một kỳ thi quan trọng là tâm lý chung khó tránh khỏi của học sinh và phụ huynh. Dẫu biết, vào lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất mà học sinh còn có nhiều lựa chọn phía trước như vào hệ thống các trường ngoài công lập. Tuy nhiên học phí trường tư lại là gánh nặng lớn.

Dự đoán sức học của con khó có thể cạnh tranh để giành một suất vào lớp 10 trường công nên cả tuần nay, chị Nguyễn Quỳnh Chi (quận Hai Bà Trưng) chạy đôn chạy đáo tìm trường tư thục phù hợp cho con, song phương án vào trường tư cũng không ổn với điều kiện gia đình chị.

Theo chị Chi, tổng thu nhập của vợ chồng chị chỉ xấp xỉ 17 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hầu hết học phí các trường tư thục trên 6 triệu/tháng, gấp mấy lần học phí trường công lập. “Tôi sợ kinh tế gia đình không kham nổi. Chúng tôi cũng hướng cho con học nghề mà con không chịu. Gia đình tôi đang không biết làm thế nào, chỉ biết động viên con ôn tập tốt”, chị Chi nói.

Cần tính toán quy hoạch hiệu quả

Nguyên nhân chính khiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội nhiều năm qua luôn gây áp lực rất lớn cho phụ huynh và học sinh là do thành phố đang thiếu trường THPT công lập nên các em phải chạy đua học, luyện thi căng thẳng để giành tấm vé học lên lớp 10 trường công.

Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em. Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể.

“Rất khó để có thể đưa ra phương án tốt hơn”, đây là quan điểm của TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan tới tỉ lệ học sinh vào lớp 10 trường công lập ngày càng thấp kỷ lục. Bởi theo ông Chức, Hà Nội hiện nay số trường học thì ít trong khi dân số càng ngày càng tăng.

PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, Hà Nội hiện nay tăng dân số rất nhanh. Gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, trong đó cả cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục chưa đáp ứng được.

PGS.TS Bùi Thị An cũng cho biết, TP Hà Nội đang trình Quốc hội đề nghị sửa Luật Thủ đô, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bà An tin rằng, khi Luật Thủ đô được sửa đổi thì trong tương lai cơ sở hạ tầng về giáo dục sẽ được giải quyết; đồng thời, đưa ra lời khuyên tới các bậc phụ huynh trước mắt nên động viên con học và ôn tập tốt. Trong điều kiện như hiện nay, để giải quyết bài toán tình thế, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị: “Các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội quan tâm, tạo điều kiện để các gia đình khó khăn vẫn có đủ điều kiện cho con em đến trường”.

Ở một góc nhìn khác, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) nhìn nhận: “Đằng rằng Hà Nội đất chật người đông nhưng thành phố phải tính toán các quy hoạch cho hiệu quả, dành đất cho xây dựng trường học. Dù đất chật nhưng không phải là không có. Đặt vấn đề đất cho doanh nghiệp dường như đang dễ hơn cho giáo dục?”.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Vinh nhấn mạnh tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những kỹ năng của thập kỷ qua sẽ khác so với kỹ năng của thập kỷ tới nên giáo dục cần chú ý đến nền tảng văn hóa phổ thông để phát triển ổn định. Ông Vinh cũng cho rằng, cách phân luồng học sinh sau bậc THCS hiện nay đang cứng nhắc, làm mất quyền lợi chính đáng của người học, cần có sự thay đổi ở mỗi giai đoạn.

Để giải bài toán này, TS Hoàng Ngọc Vinh kiến nghị: Hà Nội có thể cấp đất, mở rộng quy mô trường công. Bên cạnh đó, tăng nguồn lực xã hội mở trường tư. Khi trường tư càng nhiều thì sức cạnh tranh về học phí và chất lượng dạy học sẽ càng cao. Đây là giải pháp mà thành phố có thể đáp ứng được chứ không phải bằng cách phân luồng học sinh rẽ sang học nghề ở bậc học này một cách miễn cưỡng.

TP Hồ Chí Minh: Dự kiến 70% học sinh vào học lớp 10 THPT công lập

Theo thông tin từ Sở GDĐT TPHCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 6 và 7/6, sớm hơn 5 ngày so với năm học 2022-2023 nhằm phù hợp với thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, lý do tổ chức sớm là để phù hợp với thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GDĐT. Ông Hiếu cho biết theo kheo khung thời gian năm học 2022-2023, từ ngày 20/5 học sinh lớp 9 đã hoàn thành xét tốt nghiệp THCS. Do vậy, sự thay đổi thời gian thi lớp 10 hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc học tập, ôn tập của các em.

Trước đó, TPHCM đã ban hành cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10. Học sinh vẫn thi 3 môn Toán, Ngữ văn (mỗi môn 120 phút) và môn Tiếng Anh (90 phút). Kết quả thi là tổng điểm 3 môn không nhân hệ số.

So với kỳ thi năm trước, cấu trúc và độ phân hóa đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 cơ bản không thay đổi.

Năm nay, TPHCM có hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức với mục tiêu tuyển khoảng 70% học sinh vào học lớp 10 THPT công lập, 30% còn lại sẽ được phân luồng theo các hướng như THPT ngoài công lập, trung tâm GDTNN-GDTX, trường cao đẳng, trung cấp nghề.

P.V

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng cuộc đua vào lớp 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO