Căng thẳng nhiệt khi chớm Hè

Hà Anh 22/04/2023 07:00

Các nhà khoa học cho biết, thế giới có thể phá vỡ kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình vào năm 2023 hoặc 2024, do biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino.

Nắng nóng đang bao trùm nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Nắng nóng diện rộng

Tại châu Á, các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ ở các quốc gia khi đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 4 tiếp tục bao trùm các khu vực rộng lớn của lục địa mà không có dấu hiệu thuyên giảm.

Ở Đông Nam Á, một số quốc gia đã công bố nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong tuần này, trong khi nắng nóng gay gắt ở tiểu lục địa Ấn Độ đã khiến hơn một chục người thiệt mạng. Lào cũng là quốc gia mới nhất lập kỷ lục khi Thủ đô Luang Prabang đạt mức nhiệt 42,7 độ vào ngày 18/4.

Dữ liệu từ Cục Khí tượng Thái Lan cho thấy, cuối tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ của Thái Lan lên tới 45 độ C. Thành phố Tak ở phía Tây Bắc đạt 45,4 độ C vào ngày 15/4, trong khi phần lớn đất nước đã ở trong mức nhiệt từ 30-40 độ C kể từ cuối tháng 3.

Đầu tháng này, chính quyền Thái Lan đã đưa ra cảnh báo sức khỏe cho một số tỉnh khi chỉ số nhiệt được dự báo lên tới 50,2 độ C tại một quận của Thủ đô Bangkok. Trong khi đó, nước láng giềng Myanmar đã lập kỷ lục nhiệt độ tháng 4 vào ngày đầu tuần qua (17/4) khi thành phố Kalewa - ở khu vực trung tâm Sagaing - đạt 44 độ C, ông Herrera viết trên Twitter.

Nhiệt độ như thiêu đốt cũng lan rộng khắp Trung Quốc. Theo nhà khí hậu học Jim Yang, ngày 17/4, hơn 100 trạm thời tiết ở 12 tỉnh của Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 4.

Nắng nóng cũng phổ biến và gây chết người trên khắp Nam Á. Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đều có nhiệt độ lên tới 40 độ C trong nhiều ngày.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, 48 trạm thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt trên 42 độ C vào ngày 18/4, trong đó, cao nhất là 44,2 độ C ở bang Odisha. Ở bang Maharashtra, ít nhất 13 người chết vì say nắng sau khi tham gia một sự kiện của bang hôm 16/4. Những đợt nắng nóng ở Ấn Độ thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7, tuy nhiên gần đây những đợt nắng nóng này trở nên gay gắt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn.

Một nghiên cứu được công bố hôm 20/4 cho thấy, người châu Âu, đặc biệt là ở phía Nam của lục địa, đang phải chịu nhiều áp lực về nhiệt độ hơn trong những tháng mùa hè do biến đổi khí hậu gây ra các đợt thời tiết khắc nghiệt kéo dài hơn.

Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus của Ủy ban Châu Âu cho biết, khi so sánh dữ liệu trong nhiều thập kỷ họ nhận thấy nhiệt độ kỷ lục vào năm ngoái đã dẫn đến các điều kiện nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nam Âu đã trải qua số ngày kỷ lục với “căng thẳng nhiệt độ rất cao”, được định nghĩa là nhiệt độ từ 38 đến 46 độ C.

Căng thẳng nhiệt ngày càng được coi là một vấn đề quan trọng trên toàn thế giới khi hành tinh nóng lên do biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho biết, nó có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm phát ban, mất nước và say nắng.

Nguy cơ phá vỡ kỷ lục nhiệt

Các mô hình khí hậu cho thấy rằng, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương, thường làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu, thế giới sẽ trải qua sự quay trở lại của El Nino, hiện tượng nóng hơn, vào cuối năm nay.

Khi El Nino diễn ra, gió thổi về phía Tây dọc theo đường xích đạo chậm lại và nước ấm bị đẩy về phía Đông, tạo ra nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn. “El Nino thường liên quan đến nhiệt độ phá vỡ kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. Dù vẫn chưa chắc chắn điều này sẽ xảy ra vào thời điểm năm 2023 hay 2024, nhưng theo tôi, khả năng xảy ra rất lớn” - ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan Khí hậu Copernicus của EU cho biết.

Ông Buontempo cho biết thêm, các mô hình khí hậu cho thấy, hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại vào cuối mùa hè ở phương Bắc và khả năng El Nino mạnh sẽ phát triển vào cuối năm.

Năm nóng nhất thế giới được ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với El Nino mạnh - mặc dù biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiệt độ khắc nghiệt ngay cả trong những năm không có hiện tượng này. 8 năm qua là 8 năm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới - phản ánh xu hướng nóng lên trong dài hạn do phát thải khí nhà kính.

Ông Friederike Otto - giảng viên cao cấp tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia Luân Đôn - cho biết, nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua - bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.

Báo cáo của Copernicus cũng đã đánh giá các điều kiện khí hậu cực đoan mà thế giới đã trải qua vào năm ngoái, năm nóng thứ 5 được ghi nhận. Nó cho thấy, châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và vào tháng 2, mực nước biển ở Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục.

Một nghiên cứu năm 2022 cho rằng, các đợt nắng nóng nguy hiểm sẽ thường xuyên hơn từ 3 đến 10 lần vào đầu thế kỷ. Nghiên cứu cho thấy, ở các vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, mọi người có thể tiếp xúc với cái nóng nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm. Những ngày có “nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm” (51 độ C) có thể tăng gấp đôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng nhiệt khi chớm Hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO