Cảnh báo mất an toàn đường sắt

MINH DUY 05/02/2023 08:08

Liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội trong những ngày đầu xuân Quý Mão 2023. Dù may mắn không có người tử vong nhưng sự việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn đường sắt. Từ câu chuyện này các cơ quan chức năng cần sớm rà soát tổng thể và có biện pháp ngăn chặn, cảnh báo kịp thời.

Hiện trường vụ tàu hỏa va chạm với xe chở thép tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội ngày 28/1.

Tai nạn chực chờ tại đường ngang, lối mở

Theo đó, ngày 29/1, khi đang di chuyển theo hướng Nam - Bắc, đến Km7 + 528 trên tuyến đường sắt đoạn qua địa phận thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tàu SE36 (đầu máy 901) va chạm với xe ô tô mang biển kiểm soát 19A- 486.XX do anh L.A.T. (SN 1998 tại Phú Thọ) điều khiển. Hậu quả, khiến đoạn barie chắn tàu giao cắt ngõ 148 Ngọc Hồi đã bị đâm gãy, xe ô tô bị biến dạng phần đầu. Đoàn tàu đã kịp dừng trước khi kéo lê xe ô tô một đoạn dài. Rất may vụ việc không có thiệt hại về người.

Trước đó, ngày 28/1, tại khu vực xã Văn Tự, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã xảy ra vụ va chạm giao thông nghiêm trọng giữa tàu khách Thống Nhất Bắc - Nam (SE5) với ô tô container khiến giao thông đình trệ. Vụ tai nạn tàu tại Thường Tín đã khiến người gác chắn bị thương được đưa đi cấp cứu.

Dù may mắn không có người tử vong, song các vụ tai nạn trên đã khiến tài sản của ngành đường sắt cũng như cá nhân chủ sở hữu phương tiện liên quan bị thiệt hại nặng nề. Đáng chú ý, cả 2 vụ tai nạn giao thông trên đều xảy ra ở đoạn đường giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Đánh giá về nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn, ông Phùng Tuấn Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Hà Tây cho rằng, nhân viên gác chắn tại vị trí này đã thiếu kinh nghiệm, chậm hạ barie. Theo quy định, trước 90 giây khi tàu đến, nhân viên gác chắn phải hạ barie để ngăn người và phương tiện đi vào, song quy trình này đã không được thực hiện kịp thời tại lối mở trên dẫn tới tai nạn xảy ra. Tại nơi xảy ra tai nạn ở khu vực đông dân cư, có nhiều nhà xưởng, khu công nghiệp, mật độ phương tiện cao. Chính vì lẽ đó, nguy cơ xảy ra tai nạn tại những lối mở, đường ngang này luôn chực chờ.

Đóng lối đi tự mở qua đường sắt tại Hà Nội

Liên quan tới 2 vụ việc nêu trên, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) báo cáo nguyên nhân của 2 vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp. VNR có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn đường sắt; tăng cường kiểm tra, rà soát thiết bị cảnh báo an toàn đường sắt; thông tin về lịch chạy tàu với chính quyền địa phương để tổ chức cảnh giới. Cục Đường sắt Việt Nam siết chặt quản lý, cảnh giới lối đi tự mở tại 2 địa phương trên.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo chi tiết, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn và có phương án bảo đảm an toàn ngay tại các vị trí lối mở qua đường sắt trên toàn mạng lưới, kiểm tra quy trình an toàn chạy tàu..

Mặt khác, nêu giải pháp an toàn cho giao thông đường sắt, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, trách nhiệm phải từ nhiều phía trong đó có cả người tham giao thông cũng như các đơn vị chức năng. Việc rà soát lại những đường ngang, lối mở cũng như kiểm tra hệ thống cảnh báo, gác chắn, nâng cao hơn ý thức trách nhiệm của các cán bộ, công nhân viên gác chắn, lái xe, người dân sinh sống ở dọc các tuyến nơi có đoàn tàu đi qua là rất quan trọng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm thiều nguy cơ tai nạn đường sắt đang là giải pháp được Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp triển khai lắp đặt hệ thống báo tàu đối với các đường ngang có gác, nhằm tự động báo cho nhân viên gác chắn tàu sắp đến để tác nghiệp đóng chắn kịp thời, đảm bảo an toàn. Cụ thể, đã triển khai lắp đặt đối với 566 đường ngang có gác, thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023. Với hệ thống này, tại các vị trí đường sắt giữa ga và đường ngang sẽ lắp đặt cảm biến. Khi tàu chạy qua các cảm biến này, tín hiệu từ cảm biến sẽ thông qua đường cáp dọc đường sắt truyền về tủ điều khiển đặt tại đường ngang. Thiết bị tại tủ điều khiển sẽ tự động bật chuông trong nhà gác để báo cho nhân viên gác chắn biết 120 giây nữa có tàu đến. Cùng đó tự động bật chuông kêu, đèn đỏ ở đường ngang để cảnh báo người tham gia giao thông biết sắp có tàu đến.

Bên cạnh đó Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang nghiên cứu áp dụng radar dò quét các chướng ngại tại đường ngang, nhận dạng vật thể, chướng ngại và phát tín hiệu cho đầu thu trên đầu máy, tự động báo lái tàu để xử lý. Hệ thống thiết bị được chế tạo dạng module, ứng dụng được công nghệ số, xây dựng phần mềm điều khiển.

Sau vụ va chạm giữa tàu SE5 và xe đầu kéo, để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ - đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các lối đi tự mở.

Theo đó, VNR kiến nghị TP Hà Nội tổ chức kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn phù hợp với từng lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Đặc biệt, các địa phương cần chú ý tới các lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m, có đường bộ chạy song song với đường sắt và lưu lượng xe cơ giới đường bộ có tải trọng lớn qua lại.

Cùng với đó địa phương cần hạn chế phương tiện giao thông qua các giao cắt này, chỉ cho phép xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn qua lại theo quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo mất an toàn đường sắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO