Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

Minh Thư 12/07/2021 15:05

Thời gian gần đây, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra dưới nhiều hình thức và với thủ đoạn hết sức tinh vi khiến không ít người rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang".

Báo cáo sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ TT&TT cho biết, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra dưới nhiều hình thức, có thể kể đến như: Giả danh các cơ quan chức năng trên các trang mạng xã hội, dịch vụ viễn thông để gọi điện thoại nhằm khai thác thông tin cá nhân.

Yêu cầu đóng tiền để nhận quà tặng hoặc đe dọa có liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền kiểm tra nhằm chiếm đoạt; sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà tặng.

Giả danh nhân viên công ty chuyển phát, hải quan yêu cầu làm thủ tục, chuyển tiền để nhận quà tặng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nhắn tin thông báo trúng thưởng vào thuê bao di động hoặc tài khoản mạng xã hội yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và nộp tiền lệ phí trao thưởng để chiếm đoạt;...

Tin nhắn giả mạo ngân hàng

Tin nhắn giả mạo ngân hàng SCB có đường link gần giống với website của nhà băng này.

Thời gian gần đây, người dân liên tục nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng dụ dỗ truy cập vào đường link (đường dẫn) chứa mã độc dù không đăng ký, giao dịch tại các nhà băng này.

Cụ thể, các link khá giống với website các ngân hàng, chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với link thật của ngân hàng nên rất dễ gây nhầm lẫn.

Mục đích của những kẻ lừa đảo là đánh cắp tài khoản ngân hàng, mạng xã hội... của người dùng.

Một chiêu thức khác để đánh cắp tài khoản người dùng là gửi tin nhắn mang tính dọa dẫm "nếu không đăng nhập vào đường link để huỷ thì tài khoản sẽ bị trừ một số tiền".

Nhiều người nhận những tin nhắn này sinh nghi ngờ và lo lắng nên nhấp vào các đường link nhận được, khai báo tài khoản, mật khẩu, internet banking... dẫn đến mất quyền điều khiển các giao dịch trên internet, mất tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử.

Không những vậy, tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo... của các nạn nhân còn bị các đối tượng sử dụng để lừa vay tiền, nạp thẻ điện thoại hay dụ dỗ những người trong danh sách kết bạn truy cập vào link...

Lập tài khoản Facebook, Zalo,... giả mạo để lừa đảo

Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang dần trở thành xu hướng phạm tội khá phổ biến thời gian gần đây.

Để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến, các đối tượng tội phạm kết bạn qua mạng xã hội và bán hàng với giá rẻ, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc.

Sau khi nhận được tiền cọc, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhóm này khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Đối tượng Nguyễn Cao Dũng làm việc với cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Đảng Cộng Sản.

Đầu năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Cao Dũng (25 tuổi, trú tại xã An Châu, huyện Đông Hưng) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Nguyễn Cao Dũng đã lập tài khoản facebook mang tên "Dũng Nguyễn" để bình luận vào bài đăng của những người có nhu cầu mua khẩu trang.

Một người ở Đông Triều (Quảng Ninh) đặt mua của Dũng 150 thùng khẩu trang y tế với giá giao dịch đặt cọc là 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chuyển tiền một thời gian mà không thấy Dũng gửi hàng, khi liên lạc lại thì Dũng báo không có hàng và chuyển lại số tiền 100 triệu đồng; số tiền còn lại Dũng đã tiêu xài vào mục đích cá nhân.

Vụ việc sau đó được trình báo với cơ quan chức năng.

Giả mạo cơ quan chức năng/dịch vụ viễn thông

Ngày 21/6/2021, chị N.T.M.H. (ở thị trấn Đak Đoa, Gia Lai) nhận được cuộc gọi từ một đối tượng lạ sử dụng số điện thoại 0567.097.126, tự xưng là người của Công ty Điện lực, thông báo chị H. bị phạt số tiền 60 triệu đồng vì tự ý sửa công tơ điện, đồng thời đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an.

Sau đó, đối tượng nối máy tới số điện thoại 0693.187.907 để chị H. gặp một người tên Tuấn.

Tuấn tự xưng là cán bộ Công an và thông báo chị H. bị Công ty Điện lực kiện và bị truy nã vì bán hồ sơ cho các đối tượng phạm tội.

Đối tượng yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra.

Không những vậy, người này tiếp tục hướng dẫn chị H. tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại và yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng.

Tin lời đối tượng, chị H. nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP vào ứng dụng thì chỉ trong tích tắc, tài khoản đã bị mất số tiền 126 triệu đồng.

Nhắn tin thông báo tặng tiền/quà

Sau khi lập các tài khoản "ảo" trên mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo thường gửi các tin nhắn tình cảm cho bị hại, bày tỏ việc tặng quà có giá trị lớn hoặc có một số tiền muốn gửi.

Khi quà chuyển đến nơi, bọn chúng sẽ nhờ bị hại cất giữ giùm chờ đến khi nào sang Việt Nam sẽ nhận lại để đầu tư hoặc cho tặng bị hại...

Các đối tượng tạo ra nhiều trang website giả của công ty vận chuyển, nhắn tin bằng ứng dụng Messenger rồi gửi đường link và mật khẩu đăng nhập vào trang web cho bị hại truy cập. Thậm chí, để tạo lòng tin, nhóm này còn tạo ra giấy vận đơn giả (vận chuyển hàng hoá) đăng trên trang website giả công ty vận chuyển.

Bị hại sau đó sẽ nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là bên vận chuyển với nội dung: muốn nhận được bưu phẩm phải nộp phí vận chuyển, phí hải quan, phí bảo hiểm nhận bưu phẩm, phí chống rửa tiền và ấn định số tiền phải nộp từ 1.000 USD đến vài nghìn USD.

Một phương thức lừa đảo khác là gửi tin nhắn tặng tiền thông qua các hình thức thanh toán trực tuyến, ví điện tử.

Đối tượng Thông tại cơ quan chức năng. Ảnh: An ninh thủ đô.

Mới đây, ngày 12/7, Công an huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Đức Thông (22 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông đăng tải nội dung: “Nhận ngay 1 triệu đồng đối với các tài khoản ví MOMO đã liên kết với tài khoản ngân hàng” để dụ người kết nối nhắn tin, trao đổi sau đó trộm cắp thông tin cá nhân và mã OTP ứng dụng MOMO.

Sau khi trộm được các thông tin cá nhân, Thông chiếm quyền sử dụng ứng dụng MOMO hoặc chuyển tiền đến các tài khoản mà đối tượng lập từ trước đó để chiếm đoạt.

Với thủ đoạn như trên, trong thời gian ngắn Thông đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 80 triệu đồng.

Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác.

Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP ngân hàng,...cho bất kỳ người lạ nào gọi/ nhắn tin đến. Cơ quan Công an khẳng định không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, kể cả là đang trong quá trình điều tra. Do đó, người dân không cung cấp thông tin này cho bất cứ ai.

Trong trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết, tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO