Cảnh báo: Sập bẫy chiêu trò lừa đảo cắt tem mác kiếm tiền tại nhà

Hoàng Chiến 02/11/2021 16:44

Lợi dụng tâm lí muốn kiếm tiền tại nhà trong mùa dịch của người dân, nhiều đối tượng đã thực hiện các chiêu trò lừa đảo thông qua việc tuyển người làm việc cắt mác quần áo tại nhà, nhận đặt cọc tiền rồi chiếm đoạt tài sản.

Tiền mất tật mang

Cẩn trọng với những tin tuyển dụng việc làm cắt tem mác tại nhà.

Nguyễn Thảo Duyên (19 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) là một trong những nạn nhân của chiêu trò này. Theo đó, trong quá trình nghỉ dịch tại nhà, Duyên đã tham gia nhiều nhóm tuyển dụng việc làm sinh viên trên Facebook.

Theo một bài đăng tuyển người cắt tem mác quần áo tại nhà, Duyên được đối tượng có nickname Nguyễn H. nhiệt tình giới thiệu: công việc này nhàn hạ, chỉ cần cắt tem theo đường vạch có sẵn với số lượng cụ thể là có tiền.

Công việc được giới thiệu là đơn giản, nhẹ nhàng...

Tuy nhiên, trước khi nhận mác tại nhà để làm việc, Duyên được yêu cầu gửi các thông tin địa chỉ nhà kèm số điện thoại và chuyển khoản trước số tiền 600 ngàn đồng để làm cọc với giải thích: “Đây là lần đầu em thực hiện công việc này nên mới cần thủ tục cọc phòng trường hợp em nhận hàng nhưng không làm. Từ đợt nhận hàng thứ 2 sẽ không cần phải thực hiện việc chuyển khoản nữa”.

Ngay sau khi chuyển khoản và gửi thông tin giao dịch, một số điện thoại gọi đến tự nhận là shipper xác nhận việc gửi đơn hàng với thông báo khoảng 2-3 ngày sẽ vận chuyển đến nơi.

Tuy nhiên sau 3 ngày vẫn chưa thấy hàng về, Duyên liên lạc lại với tài khoản Facebook nói trên thì đã thấy bị chặn từ bao giờ, các tin nhắn cũng lần lượt bị thu hồi, số điện thoại thì thuê bao. Lúc này, nạn nhân mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa.

Ngay sau khi chuyển khoản, đối tượng lập tức "bay hơi".

Cũng theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, trên các hội nhóm tìm việc online, rất nhiều các bài đăng tương tự xuất hiện nhan nhản. Lợi dụng tâm lí muốn kiếm tiền tại nhà của học sinh, sinh viên, mẹ bỉm sữa và những người thất nghiệp, các đối tượng lừa đảo này liên tục đăng tải nội dung tìm người làm việc tại nhà thông qua việc cắt tem mác quần áo.

Cụ thể, với số lượng tem mác khác nhau, người làm sẽ nhận được số tiền lương tương ứng, chỉ cần cắt xong số lượng tem mác theo yêu cầu, người làm sẽ nhận được mức lương từ 5 đến 21 triệu. “Sẽ có người giao hàng tận nơi, làm xong có người thu và trả tiền công lẫn tiền cọc. Không lừa đảo” - các bài đăng nêu rõ.

Trong vai một sinh viên đang có nhu cầu tìm việc, PV Đại Đoàn Kết đã liên hệ với chủ tài khoản Pham H. - một người đăng bài tuyển dụng trên nhóm “Dán tem son tại nhà”. Người này cho biết, có 3 lô hàng theo nhu cầu: Lô 1 cắt 10 cuộn tem với mức lương 7 triệu; lô 2 gồm 20 cuộn, lương 14 triệu; lô 3 gồm 30 cuộn với mức lương 21 triệu. Chỉ cần cắt xong là nhận tiền về. Tuy nhiên, do số lượng tem nhiều nên mức cọc cũng tương ứng lần lượt là 300 ngàn - 600 ngàn - 900 ngàn.

Khi được hỏi công việc này thuộc công ty hay doanh nghiệp nào, người này sẵn sàng gửi ảnh cung cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp của một công ty cổ phần có địa chỉ tại quận 5, TP HCM để “làm tin”. Thậm chí, để tăng độ tin cậy, người này còn cho biết, ngay sau khi giao hàng đến, PV có thể ứng trước 20% lương.

Gửi kèm thông tin công ty và cho ứng trước lương nếu muốn.

Cứ như vậy, không biết bao nhiêu người đã “sập bẫy” vì nhẹ dạ cả tin.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trao đổi với phòng viên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, các hình thức lừa đảo qua mạng xuất hiện ngày càng nhiều với các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Chúng đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của giới trẻ và các bà nội trợ qua các lời mời gọi hấp dẫn như trong mùa dịch mà ngồi ở nhà vẫn có thể kiếm được tiền qua mạng.

Đa số nạn nhân là những người đang có nhu cầu muốn tìm việc làm thêm tại nhà, hạn chế tối đa việc đi lại cũng như tranh thủ những lúc nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập cho bản thân.

Hơn nữa, số tiền cọc của mỗi người không lớn, chỉ vài trăm nghìn đồng, không quá nhiều so với khả năng chi trả của các nạn nhân. Tuy nhiên, nếu lôi kéo được nhiều người tham gia, các đối tượng lừa đảo có thể chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Nhan nhản các bài đăng lừa đảo về công việc cắt tem mác tại nhà.

Đối với hành vi trên, nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, hình phạt cao nhất áp dụng là tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Trong trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Luật sư Tiền lưu ý rằng, người dân cần hết sức cảnh giác khi tìm việc qua mạng, nhất là trong bối cảnh dịch bênh Covid-19, các hình thức bẫy việc nhẹ, lương cao ngày càng nở rộ trên không gian mạng. Ai cũng có mong muốn tìm được một công việc phù hợp với bản thân, đây là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, không vì thế mà mù quáng, đặt niềm tin vào những thông tin tuyển dụng “mật ngọt” trên mạng xã hội.

Đối với những công việc đăng thông tin tuyển dụng mà không đi kèm bất cứ thông tin minh bạch nào, đồng thời yêu cầu đặt cọc tiền thì cần xem xét kỹ trước khi quyết định hợp tác làm việc. Đồng thời, người dân nên tham khảo ý kiến bạn bè, người thân, các hội nhóm cảnh báo lừa đảo để biết được những tổ chức, cá nhân nào có dấu hiệu lừa đảo để phòng tránh ngay từ ban đầu.

Các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo qua mạng vẫn luôn thường xuyên được cảnh báo trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng.

Người dân nên chủ động tìm hiểu, nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào “mật ngọt” trên mạng xã hội, khi phát hiện có hành vi lừa đảo, cần thông tin ngay cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xử phạt các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo: Sập bẫy chiêu trò lừa đảo cắt tem mác kiếm tiền tại nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO