Cảnh báo sớm và kiên quyết di dời dân

Minh Quang - Khánh Vy 06/11/2020 09:11

Sáng 5/11, Báo Đại Đoàn kết tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?”. Tại tọa đàm, nguyên nhân của tình trạng lũ lụt và sạt lở đất ở miền Trung thời gian qua đã được phân tích một cách khoa học dưới góc nhìn của các chuyên gia. Cùng với đó, những giải pháp liên quan đến dự báo và cảnh báo, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người cũng đã được mổ xẻ một cách thẳng thắn, khách quan.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Cảnh báo chưa kịp thời

Mở đầu cuộc giao lưu, nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn kết chia sẻ: Những vụ sạt lở đất gây ra những cái chết thương tâm; những trận lũ, lụt gây ra nhiều đau thương, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân luôn ám ảnh những người làm báo- những người luôn có mặt ở tuyến đầu thông tin. Có những câu hỏi cần sớm có lời giải, rằng những vụ sạt lở đất, những trận lũ, lụt ở miền Trung có giảm hoặc tránh được chết người người không? Những mất mát của đồng bào miền Trung là do thiên tai, hay do nhân tai?

Phân tích về nguyên nhân gây ra sạt lở đất tại miền Trung những ngày qua, PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Vào tháng 9 và tháng 10 năm nay chúng ta vừa trải quan một đợt mưa lũ kỷ lục. Bình thường mưa bão là hiện tượng tự nhiên của trời đất, mưa bão lớn liên tiếp kéo dài liên tục nhiều ngày, cùng với đó là độ dốc của địa hình làm cho đất thấm nước/ sũng nước gây ra sạt lở hàng loạt, chứ không phải chỉ một vài vụ. Điều này khiến cho ngay cả các đội cứu hộ cứu nạn muốn tiếp cận cũng phải mất vài ngày, mà không thể tiếp cận được nên phải cắt rừng mở lối đi khác.

Đồng quan điểm này, TS Vũ Thanh Ca - giảng viên cao cấp, Khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên & Môi trường lý giải thêm: Khu vực rừng núi nói chung độ dốc của mặt đất rất lớn, mưa thấm vào trong đất tạo thành dòng chảy ngầm, dòng chảy ngầm rửa trôi đất, trôi bề mặt, kết cấu trong đất suy yếu hơn. Bản thân khối đất trọng lực trượt xuống phía dưới, nước ở trong đất tạo áp suất thủy tĩnh lớn, công trình thủy trị sông thường khoan lỗ các bức tường, khoan lỗ thoát nước, hạ mức nước ngầm xuống, một phần nước chảy theo khe làm yếu đất, đẩy khối đất xuống, sạt lở đất xảy ra do mưa lớn. Ví dụ vụ sạt lở đất ở trạm 67 cả ngọn núi cao 200 m sạt xuống…

Tại cuộc giao lưu, một băn khoăn lớn cũng được đặt ra, rằng ở những khu vực có nền địa chất yếu, giới chuyên gia đã có nghiên cứu và cảnh báo gì về nguy cơ sạt lở ở các vùng đất này hay không? Các chuyên gia có tham mưu, tư vấn cho Chính phủ hoặc nhà chức trách về những giải pháp nhằm phòng ngừa thiệt hại từ lũ lụt và sạt lở đất hay chưa?

PGS.TS Trần Tân Văn cho hay: Rất nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành điều tra cảnh báo sạt lở đất. Tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đều có sạt lở đất gây thiệt hại về người và của. Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT thực hiện Đề án điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo lũ quét và sạt lở đất từ năm 2012. Kết quả là Đề án đã điều tra được 22/37 tỉnh, phân vùng cảnh báo 15/27 tỉnh, tỷ lệ 1/50.000; triển khai nhiều chi tiết phân vùng cảnh báo cho các xã trọng điểm, làm tổng số 226 xã dự kiến... Dẫu thế, tốc độ thực hiện vẫn còn chậm, công tác chuyển giao kết quả cần phải được cải thiện, công tác tuyên truyền cũng cần phải làm rộng khắp, thường xuyên hơn nữa. Đơn cử như khu vực các xã Trà Vân và Trà Leng vừa qua, từ năm 2019 công tác điều tra, phân vùng cũng đối với xã trọng điểm cũng đã được tiến hành. Chỉ tiếc là chúng ta chưa kịp tiến hành, hay nói cách khác là chưa kịp cảnh báo thì sự cố đã xảy tới…

Theo ông Trần Tân Văn, thời gian qua, các nhà khoa học có cảnh báo địa chất các tỉnh miền Trung, nhưng chưa đủ quyết liệt. Nếu như từ trước tới nay đoàn chuyên gia khảo sát chỉ chuyển giao kết quả cho địa phương là xong trách nhiệm, thì sau vụ việc như vừa rồi, công tác dự báo và cảnh báo cần phải thay đổi.

Những vụ sạt lở đất kinh hoàng tại miền Trung gây ra những nỗi đau chưa biết bao giờ nguôi ngoai.

Tính toán cẩn thận khi xả lũ thủy điện

Tại cuộc tọa đàm, một câu hỏi lớn cũng được đặt ra: Thủy điện có phải nguyên nhân khiến lũ lụt nghiêm trọng hơn? Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, thủy điện không phải nguyên nhân chính gây ra lũ lụt như lâu nay chúng ta vẫn “gán” cho nó.

PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, các nghiên cứu cho thấy không có bất kỳ thông tin nào nói hồ chứa là tăng lũ lụt. Nếu có, thủy điện là nguyên nhân gây ra sói lở bờ biển tại các tỉnh miền Trung, chứ nó không phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Quy trình thủy điện là khi mưa thì hồ xả đón lũ, khi mưa lớn thì hồ dâng lên, nước quá lớn thì xả giảm lượng nước dâng trong hồ. Khi mực nước tăng, hồ không thể giữ thêm nước nữa, vì khả năng vỡ đập cao, lưu lượng tới bao nhiêu xả bấy nhiêu. Như vậy, hồ giữ được giữ được một phần nước sau đó xả như tự nhiên, không có lý do hồ xả làm hạ du nhiều nước hơn.

Còn PGS.TS Trần Tân Văn phân tích thêm, làm thủy điện bao giờ cũng có 2 mặt. Do đó chúng ta phải cân nhắc cụ thể cả những mặt tác động đó.

Trước những quan tâm của dư luận về khả năng điều tiết lũ của thủy điện và những quan điểm cho rằng lũ ở miền Trung lên quá cao vì thủy điện xả lũ đã đẩy lũ lên cao hơn? Ông Nguyễn Tài Sơn - Chuyên gia độc lập về thủy điện phân tích: Chúng ta hay nói gây lũ do thuỷ điện nhưng chúng ta cần nhìn toàn diện về thuỷ điện. Về lợi ích năng lượng, thuỷ điện chiếm 30 đến 40% năng lượng điện, nếu bỏ thì phải thay thế. Thuỷ điện không tiêu hao nguồn nước và dòng chảy, đó là nguyên lý cơ bản. Các hình thức của thuỷ điện, có liên quan tới tác động môi trường, thuỷ điện có hồ điều tiết dài hạn như Hoà Bình, Sơn La. Loại thứ hai là có điều tiết ngắn hạn, trong 24h. Loại thứ 3 là thuỷ điện không điều tiết, là loại không có hồ. Hồ chứa nước có ảnh hưởng tới môi trường nên cần xem xét kỹ lưỡng. Trước đây, chúng ta tranh luận gay gắt không nên làm thuỷ điện lớn nữa thì tác động ghê gớm quá mà chỉ làm thuỷ điện nhỏ thôi vì tác động môi trường lớn nhưng cho đến ngày nay thì chúng ta lại phản đối thuỷ điện nhỏ. Khi đầu tư thuỷ điện thì chủ đầu tư chú ý tới lợi nhuận, có hiệu quả tài chính nhưng hiệu quả tài chính dù cao đến đâu cũng không được thông qua nếu không có hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế được hiểu là tác động tới kinh tế vùng, rồi bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Tài Sơn, có một điều rất cần lưu ý là trong mùa lũ, khi dung tích đầy hồ thì phải xả cửa. Quy trình vận hành hồ chứa và kết cấu công trình tràn, không cho phép xả lớn hơn lũ tự nhiên.

Trước mối quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay là quy trình xả lũ được kiểm soát như thế nào? Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật & Môi trường (Bộ Công Thương) cho hay, ở góc độ quản lý Bộ Công thương thực hiện luật thuỷ lợi, tất cả các hồ đều có quy trình vận hành, đều qua các cấp từ Trung ương đến địa phương quản lý. Như thủy điện sông Tranh có báo cáo từng giờ về lưu lượng nước, để tham mưu cho Chủ tịch tỉnh về việc xả lũ. Quy trình xả lũ là do con người, vận hành cũng do con người, phải làm sao cho hài hòa. Qua đây chúng tôi cũng sẽ xem lại quy trình vận hành để hợp lý hơn.

PGS.TS Trần Tân Văn lý giải: Chúng ta đặt vấn đề thủy điện có ảnh hưởng đến điều tiết lũ hay không. Thủy điện chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực kia. Trong đó có câu chuyện mất nước khiến người dân thay vì được hưởng nước tự nhiên thì bị mất đi là có. Nguy cơ thủy điện ảnh hưởng đến điều tiết lũ, không ai có thể phủ nhận. Ví dụ trên thế giới vào năm 1963, thủy điện của nước Ý ngay khi được kích hoạt đã có một khối đất lớn trượt xuống hồ, đẩy nước tràn mặt, trượt ra khỏi lòng hồ, quét đi cả một thị trấn, làm chết gần 2.000 người. Vì lẽ đó, tác động của việc điều tiết lũ, chúng ta phải tính cẩn thận, tránh việc trượt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Với các thiệt hại của người dân như vừa qua, chúng ta phải có đền bù.

Nên để người dân giám sát quy trình xả lũ

Các ý kiến tại tọa đàm đều đi đến thống nhất rằng, chúng ta không thể ngăn chặn được thảm họa đến từ thiên tai, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu công tác dự báo, cảnh báo và tiến hành các biện pháp hành chính được tiến hành sớm nhất có thể.

Ông Phạm Trọng Thực nhấn mạnh, nếu có thông tin dự báo, chủ động chống thì sẽ giảm nhẹ hậu quả từ thiên tai rất nhiều. Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, trước những cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, chính quyền các địa phương cần kiên quyết di dời dân; phải sử dụng các giải pháp hành chính trong việc hỗ trợ người dân di dời tới nơi định cư an toàn hơn. Đây là một yêu cầu cấp bách, trong đó vai trò của công tác truyền thông rất quan trọng.

Theo nhà báo Lê Anh Đạt: Từ cuộc tọa đàm này, có một vấn đề mang tính gợi mở, đó là có nên để toàn dân giám sát quy trình xả lũ không? Bởi chỉ cần lắp camera có thể minh bạch câu chuyện xả lũ để tránh nghi ngờ lẫn nhau về quy trình, thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho dân.

Khi có thông tin minh bạch, sẽ rõ thủ phạm gây thiệt hại cho dân, nếu là thủy điện đề nghị đền bù cho dân, vì việc này đã diễn ra trên thực tế rồi. Chúng ta cần dự báo, cảnh báo sớm để chính quyền và người dân chủ động hơn. Và khi có bản đồ sạt lở, chính quyền địa phương có biện pháp chủ động di dời. Di dời kịp thời sẽ giảm được thiệt hại về người và của rất nhiều.

Một vấn đề đặt ra tại tọa đàm là kỹ năng sống chung với lũ. Do đó, cần tuyên truyền, đưa kỹ năng phòng chống thiên tai vào trường học. Lâu nay Bộ GDĐT và các phụ huynh thường quan tâm quá về con chữ, mà chưa chú trọng dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự cứu mình cho con trẻ. Vì lẽ đó rất cần phải nâng cao kỹ năng sinh tồn cho học sinh, phải dạy con em chúng ta học cách sống chung với mưa bão, rằng mưa bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, trẻ em nhất là ở những vùng nguy cơ lũ quét phải biết bơi, phải tự cứu mình và cứu người khác, phải có kỹ năng nhận thức về thiên tai. Việc day bơi, dạy kỹ năng sinh tồn phải đưa vào trong các nhà trường. Nếu không cứu mạng sống của con người thì sự dạy chữ cũng sẽ trở thành vô nghĩa.

Không chỉ kỹ năng sinh tồn mà trong thảm họa cũng cần có kỹ năng cứu trợ, kỹ năng từ thiện. Mong rằng cơ quan chức năng, người dân sẽ thay đổi về mặt nhận thức, để câu chuyện chống lũ lụt, thiên tai thời gian tới tốt hơn.

Những gì xảy ra ở miền Trung, đặc biệt là các vụ sạt lở đất gây ra nhiều cái chết tức tưởi đã ám ảnh chúng ta, nhắc nhở các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý phải tham gia thật hiệu quả vào công tác chống bão lũ, vào bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Tọa đàm này là một cách đi tìm nguyên nhân của những thiệt hại đã xảy ra và mong muốn những điều tồi tệ không xảy ra với bà con nữa khi mưa bão vẫn tiếp diễn. Tọa đàm “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?” kết thúc ở đây do thời gian có hạn, nhưng câu hỏi về những thiệt hại đã xảy ra là do “thiên tai hay nhân tai” vẫn là sự ám ảnh và mỗi chúng ta có phần trách nhiệm tìm câu trả lời. Và, không thể đổ hết lỗi cho ông Trời…” - nhà báo Lê Anh Đạt kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo sớm và kiên quyết di dời dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO